Vì sao chưa chọn được nhà thầu dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông?
Theo một số nhà thầu, việc phân bổ giá trị dự toán của các gói thầu cao nên hồ sơ mời thầu xuất hiện nhiều tiêu chí khó khăn, nhà thầu khó tiếp cận và tham dự.
Thiếu nhà thầu tham dự, gia hạn thời gian đóng thầu
Ngày 4/9, Ban quản lý dự án (QLDA) Thăng Long và Ban QLDA 7 đã tổ chức lễ mở thầu 13/13 gói thầu xây lắp thuộc 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông được chuyển đổi hình thức đầu tư PPP sang đầu tư công là Phan Thiết – Dầu Giây, Vĩnh Hảo – Dầu Giây và Mai Sơn – Quốc lộ 45.
Kết quả, từ khi phát hành hồ sơ mời thầu ngày 6/8 cho đến 4/9: Dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 gồm 5 gói thầu xây lắp, có 60 nhà thầu mua 140 bộ hồ sơ mời thầu; Dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết với 4 gói thầu xây lắp, có 61 nhà thầu mua 140 bộ hồ sơ mời thầu; Dự án Phan Thiết - Dầu Giây với 4 gói thầu xây lắp có 32 nhà thầu mua 74 bộ hồ sơ mời thầu.
Trong đó có 10 gói thầu có từ 3 hồ sơ dự thầu tham gia đấu thầu, 3 gói thầu có ít hơn 3 hồ sơ dự thầu tham gia đấu thầu.
Để đảm bảo minh bạch và tăng thêm số lượng nhà thầu tham gia dự thầu, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các Ban QLDA hoàn thiện các thủ tục theo quy định, gia hạn thời điểm đóng thầu thêm 10 ngày. Theo đó, thời gian nhận hồ sơ dự thầu sẽ đóng vào lúc 14h ngày 14/9.
Theo một số nhà thầu quan tâm, nguyên nhân chính là các tiêu chí do chủ đầu tư đưa ra quá cao, các nhà thầu nhỏ và vừa không thể tham dự vào cuộc thầu này được.
Gói thầu giá trị lớn là “tiêu chí hạn chế nhà thầu”?
Việc không nhận được sự tham gia của nhiều nhà thầu dẫn đến việc phải gia hạn thời gian đang cho thấy những bất cập trong công tác đấu thầu cũng như việc phân chia giá trị của các gói thầu chưa thực sự hợp lý.
Qua tìm hiểu, Bộ GTVT đưa ra tiêu chí về năng lực tài chính, công trình tương tự, máy móc, nhân công,… để đảm bảo lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực toàn diện thực hiện dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng là hoàn toàn phù hợp.
Tuy nhiên, về giá trị dự toán của các gói thầu hầu hết được chia ra với giá trị rất lớn từ 1.500 tỷ đồng đến 3.000 tỷ đồng, chẳng hạn như gói thầu số 14XL thuộc dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 với giá dự toán 2.822 tỷ đồng. Hay gói thầu Số 4 thuộc Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết với giá dự toán 3.242 tỷ đồng...
“Với giá trị dự toán gói thầu lớn nên các tiêu chí trong hồ sơ mời thầu cũng tăng theo và vô hình chung làm giảm đi sự cạnh tranh cũng như cơ hội tham gia của nhiều nhà thầu. Ngoài ra, trong yêu cầu của hồ sơ mời thầu có nêu, mỗi một liên danh tham dự đấu thầu không được quá 3 thành viên, điều này đã khiến cho việc đáp ứng năng lực gặp nhiều khó khăn”, đại diện một nhà thầu cho biết.
Theo Luật Xây dựng và Nghị định 59 về quản lý dự án đầu tư xây dựng dự án giao thông có TMĐT 1.500 tỷ đã là dự án nhóm A nghĩa là gói thầu có giá trị lớn hơn 1.500 tỷ đồng là rất ít đối với các dự án xây dựng công trình giao thông.
Mặt khác, các gói thầu có giá trị gói thầu lớn trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông trước đây phần lớn là các gói thầu thuộc các dự án ODA (Ví dụ như cao tốc Nội Bài – Lào Cai; Đà Nẵng – Quảng Ngãi; Bến Lức - Long Thành; Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; vành đai 3 trên cao Mai Dịch – Nam Thăng Long). Những gói thầu này phần lớn do liên danh nhà thầu nước ngoài với nhà thầu trong nước trúng thầu, ít có nhà thầu trong nước độc lập trúng thầu.
Do đó, trong quá trình chấm thầu, chắc chắn các chủ đầu tư sẽ tiếp tục loại nhiều Nhà thầu, do năng lực không đáp ứng yêu cầu của bên mời thầu. Thực tế, đã có Nhà thầu “tự trượt” như Liên danh STD- CIENCO1 (gói 14XL) hay Nhà thầu Thành Phát (gói 11XL) (tham gia dự thầu mà không có bảo lãnh dự thầu).
“Có thể thấy, việc phân chia các gói thầu có giá trị quá lớn, kèm theo một số tiêu chí khác, đã loại bỏ cơ hội tham gia dự thầu của nhiều nhà thầu. Cuộc thầu có nguy cơ ‘vỡ thầu’ do phải gia hạn nhiều lần, và tính cạnh tranh rất thấp. Có những gói thầu, chỉ ‘một mình một ngựa’, không có tính cạnh tranh, để có thể giảm giá thầu, tiết kiệm ngân sách cho Nhà nước…”, nhà thầu quan tâm nêu ý kiến.
Có nên phân chia lại gói thầu?
Thực tế các gói thầu có giá trị lớn kèm theo những tiêu chí khó khăn dần khiến cho công tác đấu thầu các gói thầu xây lắp thuộc 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông gặp trở ngại, từ đó dẫn đến việc gia hạn thời điểm đóng thầu nhiều lần và không có tính cạnh tranh cao.
Do đó, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu cho rằng, chủ đầu tư các dự án nên xem xét để điều chỉnh lại quy mô, phân chia lại giá trị các gói thầu để nâng cao tính cạnh tranh vì có nhiều nhà thầu đủ điều kiện tham gia, tìm được nhà thầu có năng lực và giá bỏ thầu hợp lý, qua đó tiết kiệm được ngân sách cho nhà nước, đồng thời thúc đẩy nhanh tiến độ chung toàn dự án.
Trên thực tế, ở dự án cao tốc Bắc - Nam nhánh phía Đông đoạn Cam Lộ - La Sơn với mức đầu tư 5.586 tỷ đồng được Ban QLDA đường Hồ Chí Minh phân chia thành 11 gói thầu xây lắp với giá từ 300 - 900 tỷ đồng. Lợi ích từ việc phân bổ giá trị các gói thầu hợp lý, tới nay dự án đã hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu và tiến hành thi công.
Hay sự việc do vướng mắc về giải phóng mặt bằng và nhiều lý do khác, để đáp ứng tiến độ, chất lượng, đảm bảo sự tham gia dự thầu của các nhà thầu trong nước, Chủ đầu tư là Tổng công ty VIDIFI đã chia gói thầu số 1 (EX1) thành 2 gói thầu EX1 A và EX1 B để có thể đạt được kết quả rất tốt khi hai nhà thầu mạnh trong nước là Cienco1 và Cienco4 hoàn thành vượt tiến độ, đảm bảo chất lượng.
Mới đây nhất, một số gói thầu đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư như dự án Bến Lức – Long Thành (hợp phần ADB), cũng đã thực hiện việc chia nhỏ giá trị các gói thầu nhằm tạo cơ hội cho những nhà thầu trong nước có năng lực cũng như đảm bảo tính cạnh tranh trong quá trình đấu thầu, tiết kiệm ngân sách nhà nước.