Vì sao cổ phiếu Sacombank âm thầm tăng mạnh?

Quốc Hải Thứ tư, ngày 03/10/2018 12:36 PM (GMT+7)
Trong 3 phiên liên tiếp, cổ phiếu Sacombank bỗng tăng vọt cả về điểm số lẫn khối lượng giao dịch, khiến nhà đầu tư kỳ vọng về khả năng lãi quý 3.2018 của ngân hàng này cực kỳ khả quan.
Bình luận 0

img

Giao dịch tại Ngân hàng Sacombank (Ảnh: IT)

Hiện tượng cổ phiếu STB của Sacombank tăng 3 phiên liên tiếp, trong đó có 1 phiên tăng trần đã gây bất ngờ đối với các nhà đầu tư, trong bối cảnh thị trường chung không mấy sáng sủa. Đáng chú ý,  phiên giao dịch ngày 28.9 và 1.10 còn bùng nổ khi khối lượng giao dịch của cổ phiếu STB trong 2 phiên đạt hơn 27,2 triệu và 22,1 triệu cổ phiếu, cao gấp nhiều lần so với bình quân những phiên giao dịch trước đó.

Cổ phiếu này cũng ghi nhận mức tăng giá gần 10% chỉ sau 3 phiên, từ mức 12.650 đồng/CP lên mức 13.900 đồng/CP.

Kỳ vọng từ kết quả kinh doanh quý 3.2018?

Dù Sacombank vẫn đang khá kín tiếng với kết quả kinh doanh quý 3.2018 nhưng trên thị trường, nhiều tín hiệu tích cực về hoạt động kinh doanh cũng như động thái giải quyết nợ xấu quyết liệt của lãnh đạo Sacombank khiến nhà đầu tư có thêm kỳ vọng về một kết quả khả quan trong quý 3 này.

Cụ thể, tâm điểm của Sacombank trong quý 3.2018 là việc rao bán hàng loạt các dự án “khủng” trị giá hàng nghìn tỷ đồng như: Dự án Khu công nghiệp Phong Phú (huyện Bình Chánh, TP.HCM) với giá khởi điểm 7.600 tỷ đồng; Toàn bộ dự án khu nhà ở cao tầng và khu vui chơi thể dục thể thao tiểu khu 3 - khu dân cư Bình Trị Đông và 1 phần thửa đất số 122 tại phường Bình Trị Đông B với tổng diện tích hơn 530.000 m2, giá khởi điểm là 6.698 tỷ đồng; Dự án khu nhà ở phương Long Bình, quận 9, TP.HCM có diện tích 164.949,9 m2 với giá khởi điểm 1.815 tỷ đồng; và Dự án khu dân cư phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ có tổng diện tích hơn 600.000 m2 với giá 4.565 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ tính riêng 4 dự án “khủng” này, tổng giá trị “nợ xấu” mà Sacombank có thể thu hồi dự kiến đã lên tới trên 20.600 tỷ đồng.

Chưa kể, một loạt các dự án vài trăm tỷ đồng cũng được Sacombank tích cực rao bán trong quý 3.2018 vừa qua như: bất động sản rộng gần 5,3ha ở xã Tân Kiên với giá rao bán 477 tỷ đồng; 6.382m2 đất ở quận Bình Thạnh (447,5 tỷ đồng), 6.327m2 đất ở quận Tân Phú (413 tỷ đồng), 8.050m2 đất ở Quận 8 (370 tỷ đồng),…

Nếu việc thanh lý được một số bất động này diễn ra suôn sẻ sẽ giải tỏa áp lực khá nhiều về bài toán dư địa cho vay của ngân hàng này, đồng thời cũng phát tín hiệu tích cực đến nhà đầu tư về việc triệt để xử lý nợ tồn đọng hậu sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam. Còn nhớ, hồi cuối năm 2017, khi Sacombank đấu giá thành công 3 lô đất tại Khu công nghiệp Đức Hòa III, tỉnh Long An với tổng giá trị 9.200 tỷ đồng đã khiến cổ phiếu STB của Sacombank tăng mạnh.

Trong khi đó, ở hoạt động kinh doanh, Sacombank cũng có một số kết quả đáng chú ý khi hoạt động liên kết từ bancassurance (bán bảo hiểm qua ngân hàng) giữa Sacombank và Dai-ichi Life Việt Nam vượt mốc 300 tỷ đồng, đạt hơn 180% kế hoạch đề ra. Kết quả này chắc chắn sẽ giúp cho lợi nhuận của Sacombank tăng mạnh hơn so với cùng kỳ.

“Đến thời” của STB hay chỉ là động thái... “lướt sóng”

Theo các chuyên gia phân tích của một số công ty chứng khoán tại TP.HCM, khá khó khăn để đưa ra nhận định với cổ phiếu Sacombank bởi các khoản nợ xấu liên quan đến bất động sản của ngân hàng này còn rất lớn, khó thanh lý. Còn nhớ, với 3 lô đất tại Khu công nghiệp Đức Hòa III, tỉnh Long An được Sacombank bán hồi cuối năm 2017 với tổng giá trị 9.200 tỷ đồng, sau khi phải hạ giá bán gần 900 tỷ và trải qua nhiều lần rao bán mới thành công. Chưa kể, Ngân hàng chỉ mới nhận tiền đặt cọc là 920 tỷ đồng và số tiền còn lại 8.280 tỷ đồng sẽ được thanh toán trả chậm trong vòng 7 năm.

Bên cạnh đó, nhìn vào BCTC 6 tháng đầu năm 2018, mặc dù Sacombank đã có động thái quyết liệt để thu hồi nợ xấu nhưng Sacombank vẫn là ngân hàng có tỷ lệ lãi, phí phải thu trên tổng tài sản thuộc nhóm cao nhất trong khối các tổ chức tín dụng, với tỷ lệ 5,9%.

Cụ thể, trên bản cân đối kế toán của ngân hàng này, tính đến 30.6 thì mục các khoản lãi, phí phải thu (lãi dự thu) chỉ là con số dự kiến thu được trong tương lai lên tới 23.756 tỷ đồng (giảm nhẹ so với con số 24.698 hồi cuối năm 2017), điều này cho thấy giữa kế hoạch đề ra và thực hiện vẫn còn rất khó khăn với Sacombank. Nên nhớ, nếu con số lãi dự thu này quá lớn so với quy mô dư nợ hiện tại thì chứng tỏ hiệu quả thu lãi của ngân hàng chưa tốt. Chưa kể, nếu xử lý khoản lãi dự thu bằng cách thoái thu có thể ảnh hưởng mạnh đến kết quả kinh doanh trong năm của ngân hàng.

Tất nhiên, để đánh giá hiệu quả của việc thu lãi tại Sacombank thì phải chờ Báo cáo Tài chính Quý 3.2018 mới có cái nhìn toàn diện.

Trong khi đó, nếu xét trên thị trường, nguyên nhân khiến cổ phiếu Sacombank tăng mạnh vài phiên gần đây có thể đến từ việc khối ngoại đang mua vào STB khá “khủng”. Chỉ tính riêng phiên ngày 28.9 và 1.10, khối ngoại đã mua ròng lần lượt hơn 9,6 và 8,1 triệu cổ phiếu, chiếm 36-37% giao dịch toàn thị trường) và tăng đột biến so với nhiều phiên trước đó khi khối ngoại chỉ giao dịch vài nghìn đến vài chục nghìn cổ phiếu.

Tại Sacombank hiện nay, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT đang sở hữu 62,57 triệu cổ phiếu STB, chiếm 3,31% vốn điều lệ ngân hàng. Trong khi đó, nhóm cổ đông liên quan đến ông Trầm Bê có 179,29 triệu cổ phiếu STB, tương đương 9,51% vốn cổ phần tại nhà băng này. Tuy nhiên, từ sau khi ông Trầm Bê và con trai rời ngân hàng thì các dữ liệu này không còn được nêu tại báo cáo quản trị.

Trước đó, thông tin từ Đại hội cổ đông Ngân hàng này cho biết, toàn bộ số cổ phần của ông Trầm Bê tại Sacombank đã được ông này tự nguyện cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho Ngân hàng Nhà nước.

Hiện ông Trầm Bê đang chấp nhận mức án 4 năm tù do liên quan đến vụ án sai phạm ở Ngân hàng Xây dựng (VNCB).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem