Vì sao đại dịch Covid-19 tác động nhiều hơn đến phụ nữ Việt Nam?

Phan Huy Hà Thứ bảy, ngày 09/04/2022 15:40 PM (GMT+7)
Đại dịch Covid 19 gây ra bao thiệt hại cho nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng. Hơn thế nữa, tại Việt Nam nó còn làm gia tăng bạo lực gia đình, tác động tiêu cực tới người phụ nữ Việt Nam trong nhiều lĩnh vực.
Bình luận 0

10 năm qua, Việt Nam đã ban hành và nỗ lực triển khai các chính sách, giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu bình đẳng giới trong từng lĩnh vực cụ thể.

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội mới đây, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đang ở mức 0,704, xếp thứ 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc nhóm các nước có HDI ở mức cao. Với chỉ số phát triển giới ở mức 0,997, Việt Nam xếp thứ 65 trong số 162 quốc gia và thuộc nhóm cao nhất trong số 5 nhóm trên thế giới.

Đặc biệt, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam nằm trong nhóm cao nhất trong 3 nhóm trên toàn cầu. Phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn vào các hoạt động kinh tế, góp phần quan trọng giúp Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế vào loại cao trên thế giới trong thập kỷ qua. Như vậy, có thể thấy Việt Nam đã có những bước tiến nhanh, vững chắc trong vấn đề bình đẳng giới 10 năm qua. 

Thế nhưng, trong đại dịch Covid 19, lại xuất hiện khá nhiều những số liệu chứng minh phụ nữ vẫn phải chịu quá nhiều thiệt thòi so với đàn ông. Bất bình đẳng giới và bạo lực gia đình cũng gia tăng tỷ lệ thuận trong đại dịch Covid 19.

Báo cáo tác động của đại dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng thế giới thực hiện cho thấy có tới 87,2% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19, trong đó, tác động đặc biệt tiêu cực đến các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ. Về tình hình lao động việc làm, khi đại dịch xuất hiện, tỷ lệ thất nghiệp của phụ nữ trong quý III năm 2020 tăng so với quý IV năm 2019 (tương ứng 2,2% so với 1,4%), trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở nam không thay đổi (1,3% vào quý III năm 2020). Trong số những phụ nữ phải rời bỏ lực lượng lao động trong quý II, III năm 2020 thì nhóm phụ nữ trẻ (từ 15 đến 24 tuổi) và nhóm phụ nữ từ 55 tuổi trở lên chiếm phần lớn.

COVID-19 cũng làm gián đoạn việc tìm kiếm các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ thiết yếu, làm gián đoạn việc tìm đến các dịch vụ y tế hỗ trợ, nhất là phụ nữ và trẻ em. Trong đó phụ nữ mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo thống kê của cơ quan chức năng, tổng số ca tử vong ở người mẹ liên quan đến thai sản tăng thêm 44% so với trường hợp không có dịch bệnh

Còn theo một báo cáo của Liên hợp quốc về tác động xã hội của COVID-19 đối với Việt Nam, bên cạnh công việc chuyên môn, hầu hết các nữ y, bác sỹ vẫn phải đảm nhận công việc chăm sóc gia đình, nên việc tạm thời đóng cửa trường học và sự thiếu vắng các dịch vụ chăm sóc thay thế đã tác động rất lớn đến họ, đặc biệt vào thời điểm bị quá tải công việc trong cơ sở y tế. Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra câu chuyện nực cười: các sản phẩm băng vệ sinh cho chị em dùng hàng tháng ban đầu đã không được đưa vào bộ đồ dùng thiết yếu trong đại dịch. Việc này khẳng định sự thiếu quan tâm của những người làm chính sách với phụ nữ ở Việt Nam.

Với nhiều gia đình, việc giãn cách xã hội, thất nghiệp, sự lo lắng gia tăng và căng thẳng tài chính,… đã tạo tiền đề cho các cuộc khủng hoảng gia đình. Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em có xu hướng gia tăng về tần suất và mức độ nghiêm trọng trong thời gian dịch bệnh.

Số cuộc gọi của phụ nữ bị bạo hành tới đường dây nóng của Trung Tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) trong năm 2021 tăng 130% so với thời điểm trước khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam. Số lượng nạn nhân được hỗ trợ giải cứu và tiếp nhận vào Ngôi nhà bình yên, nhà tạm lánh thuộc Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tăng 80% so cùng kỳ năm 2020.

Đánh giá về thực trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vì tác động đại dịch COVID-19 do các tổ chức Liên Hợp Quốc UNFPA, UN Women, UNICEF thực hiện năm 2020 đã cho thấy, cứ 3 phụ nữ thì có hơn 1 người từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực (thể xác, tình dục, tinh thần hay kiểm soát hành vi, kinh tế) do chồng/bạn tình gây ra.

Việc thực hiện biện pháp giãn cách xã hội, phải ở nhà để kiềm chế COVID-19 đã làm tăng thêm khối lượng công việc chăm sóc không được trả công vốn đã nặng của phụ nữ như kiểm soát việc học ở nhà của con cái, chăm sóc người cao tuổi, các thành viên bị ốm đau trong gia đình, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa,... Theo thống kê, phụ nữ Việt Nam dành nhiều hơn nam giới trung bình hơn 12 tiếng/tuần để làm việc nhà. Trong thời gian đóng cửa trường học do Covid 19, phụ nữ thậm chí còn phải dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc con cái và làm việc nhà không lương, điều này càng làm gia tăng bất bình đẳng giới trong đại dịch.

Vậy cái gì đã làm nên sự thua thiệt, khủng hoảng, bạo lực gia đình với phụ nữ trong đại dịch Covid 19? Đó chính là định kiến giới còn tồn tại khá phổ biến trong các tầng lớp nhân dân, đây được coi là nguyên nhân cơ bản dẫn đến bất bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới. 

Khi đã mang trong mình định kiến thì nó sẽ luôn được thể hiện thành hành vi trong đối xử với phụ nữ trong công việc và cuộc sống.

Nếu không mang định kiến thì có lẽ sẽ không phải đề ra chính sách riêng cho phụ nữ. Bởi mỗi giới có điểm mạnh điểm yếu riêng. Mỗi giới có năng lực riêng khác nhau. Nên việc tạo điều kiện để phụ nữ và nam giới cùng thể hiện khả năng, tố chất, năng lực của mình ở trong mọi lĩnh vực thì đó mới chính là bình đẳng giới.

Nếu không mang định kiến thì có lẽ, trong các cuộc bầu cử vào các vị trí lãnh đạo, các vị trí dân cử, các vị trí có địa vị cao trong các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp cũng sẽ không cần phải áp cơ cấu, tỷ lệ %.

Nếu không mang định kiến thì có lẽ việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật được xác định có nội dung liên quan đến vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới không có những câu chuyện nực cười như câu chuyện về băng vệ sinh phụ nữ không được cho là mặt hàng thiết yếu trong thời đầu đại dịch Covid 19 như đã nói trên.

Phần nào trong truyền thông, cũng có xu hướng quan niệm nữ giới là phái yếu nên chỉ có nữ mới cần bình đẳng giới, đặt ra tiêu chí "người đàn ông đích thực" phải là người kiếm được nhiều tiền, là trụ cột trong gia đình trong mọi việc lớn. Điều đó cũng tạo ra áp lực nặng nề với đàn ông. Và trong Covid 19, khi thất nghiệp hay bị cắt giảm lương, tài chính gia đình cạn kiệt…áp lực đó sẽ tạo thêm nguồn cơn của các hành vi bạo lực, đánh đập, vùi dập mà người đàn ông dành cho phụ nữ.

Trong cuộc sống hiện nay, vẫn có nhiều người mẹ từ bỏ ước mơ, sự nghiệp, thậm chí cam chịu mọi bất hạnh chỉ để vì con. Trong công việc, người phụ nữ vẫn còn chịu thiệt thòi hơn so với nam giới trong đề bạt, thăng tiến, giữ vị trí lãnh đạo vì định kiến giới.

Do đó, chỉ có sự bình đẳng giới mới có thể đem lại cuộc sống hạnh phúc cho cả hai giới. Sự bình đẳng ấy không phải cứ cân bằng nam nữ đều giống nhau về một tỷ lệ nhất định, mà nó là sự hỗ trợ, thấu hiểu để cả hai bên đều cảm thấy được yêu thương, hạnh phúc. Chỉ có sự xoá bỏ định kiến giới mới giải quyết được  căn nguyên của vấn nạn mới, của bạo lực gia đình. Và đặc biệt, bình đẳng giới phải ở ngay trong suy nghĩ, trong hành động thường ngày của chúng ta.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem