Chờ "trùm cuối" từ vụ án Tân Hoàng Minh

Nguyễn An Thanh Thứ sáu, ngày 08/04/2022 09:24 AM (GMT+7)
Hai vụ án lớn FLC và Tân Hoàng Minh đều có điểm chung là liên quan đến thị trường chứng khoán. Nếu như Trịnh Văn Quyết sử dụng nhiều tài khoản mua đi bán lại chứng khoán nhằm đẩy giá lên cao rồi bán một mẻ lớn để thu lợi thì tội danh của Đỗ Anh Dũng được cho là phức tạp hơn nhiều.
Bình luận 0

Trước hết, về thời điểm thì ông Đỗ Anh Dũng và các cộng sự bị khởi tố sau khi kỳ họp thứ 13 ngày 31/3/2022 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương có những kết luận về việc vi phạm của Đảng ủy cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhiệm kỳ 2015 - 2020. Theo đó hàng loạt quan chức và cựu quan chức Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM bị quy chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Sau đó, ngày 3/4/2022, Uỷ ban Chứng khoán Nhà Nước vừa công bố Quyết định 181/QĐ-UBCK về việc huỷ 9 đợt phát hành trái phiếu, trị giá 10.030 tỷ đồng của Tập đoàn Tân Hoàng Minh từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 do che giấu, công bố thông tin sai sự thật.  

Ba công ty thành viên của Tân Hoàng Minh đều là công ty chưa đại chúng và các công ty này không báo cáo Uỷ ban Chứng khoán về các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Đây được xem là hành vi "công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ". Nếu chiểu theo Bộ luật Hình sự Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh - Đỗ Anh Dũng sẽ bị khởi tố theo:

- Một là, Điều 209 của Bộ luật Hình sự về 'Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán',

- Hai là, Điều 212 về 'Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán'.

Thế nhưng, ngày 5/4  Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố, bắt tạm giam Đỗ Anh Dũng viện dẫn Điều 174 về "Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Đây là hành vi được hiểu một cách nôm nà là huy động tiền nhưng không sử dụng đúng mục đích. Nghĩa là 3 công ty thành viên của Tân Hoàng Minh ngay từ đầu đã biết rõ việc huy động vốn của mình không đúng với mục đích tuyên bố và thực tế theo điều tra ban đầu của cơ quan công an đã có dấu hiện lừa đảo khá rõ ràng. 

Chờ "trùm cuối" từ vụ án Tân Hoàng Minh - Ảnh 2.

Ông Đỗ Anh Dũng trước khi bị bắt.

Thế nhưng, trong thông cáo được phát của cơ quan điều tra không phải là hành vi "gian dối về mục đích sử dụng tiền trong hồ sơ chào bán chứng khoán", khiến người ta lại nghĩ sâu hơn về vụ án đang dậy sóng này. 

Nhất là khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Đỗ Anh Dũng và 6 bị can đồng phạm khi chưa có các biểu hiện bỏ trốn, mất khả năng trả nợ hoặc có khả năng trả mà không trả. 

Các chủ sở hữu trái phiếu sau 9 đợt phát hành đến giờ vẫn chưa thấy lên tiếng. Như vậy có thể hiểu rằng, trong quá trình điều tra cơ quan công an đã phát hiện việc sử dụng 10.030 tỷ đồng sai mục đích đã quyết định khởi tố vụ án theo Điều 174.  

Và đây cũng chỉ là tội danh ban đầu và sau này cơ quan điều tra sẽ công bố các thông tin khác, không loại trừ ngoài Đỗ Anh Dũng và 6 bị can đồng phạm sẽ còn những cá nhân, đơn vị giúp sức khác. 

Không đơn thuần từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 với 9 đợt phát hành rầm rộ trái phiếu mà 3 công ty thành viên của Tân Hoàng Minh có thể "múa gậy giữa rừng hoang" như thế. Có thể đoán rằng hành vi "công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ" sẽ được tiếp tục làm rõ trong quá trình điều tra tiếp theo. 

Điểm tiếp theo đáng suy ngẫm về vụ án Tân Hoàng Minh là ngoài đại gia Đỗ Anh Dũng với bức "tâm thư" dậy sóng thì còn dính líu cậu thứ Đỗ Hoàng Việt (Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh). 

Trước khi bị bắt giam, Đỗ Hoàng Việt (SN 1994) còn đứng tên đại diện pháp luật 14 doanh nghiệp, phần lớn các doanh nghiệp này có trụ sở tại Hà Nội và hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. 

Giống như đại gia Trịnh Văn Quyết khi bị bắt giam đã lôi theo 2 em gái của mình vào vòng pháp luật và con số người thân bị bắt giam nhiều khả năng chưa dừng lại đấy. Điều này cho thấy các hành vi phạm tội các vụ án kinh tế lớn ngày càng phức tạp bởi các đại gia đã lôi rất nhiều vợ, con và người thân vào các vị trí quan trọng để trở thành các mắt xích, bí mật thông tin. 

Một chuyên gia về tội phạm cho biết, nếu trước đây chỉ phạm tội buôn bán, tàng trữ mà túy người ta mới lôi người thân vào cuộc thì nay, trong vài vụ án kinh tế lớn đã xuất hiện "tội phạm gia đình". 

Không phải các đại gia này không biết, sớm muộn thì các hành vi vi phạm phát luật sẽ bị phanh phui, vậy điều gì khiến cho các ông chủ muốn nhanh chóng làm giàu bằng các chiêu trò "bán nước bọt" này liều lĩnh đến thế? 

Để trả lời câu hỏi trên cần phải thêm thời gian khi cơ quan điều tra sẽ phanh phui, tìm ra "trùm cuối" của các vụ án kinh tế khủng hiện nay, nhưng chí ít cho thấy hiện nay đã xuất hiện ngày càng nhiều vụ án kinh tế mang tính chất gia đình. 

Điều này gióng lên hồi chuông, đừng vội nghe, tin vào những tuyên bố "hoành tráng" của các ông chủ muốn làm giàu nhanh. Trước khi bị mắt hẳn nhiều người còn nhớ những "lời vàng ngọc" của các đại gia Trịnh Văn Quyết, Đỗ Anh Dũng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Không có đồng tiền sạch nào mà không dính mồ hôi và nước mắt của người lao động, đó là sự thật!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem