Vì sao kim ngạch xuất khẩu điện thoại suy giảm kỷ lục 5 tỷ USD?

16/08/2023 17:56 GMT+7
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, mặt hàng xuất khẩu điện thoại trong 7 tháng đầu năm chỉ đạt hơn 28,7 tỷ USD, giảm 5,3 tỷ USD, tương ứng suy giảm hơn 15% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu điện thoại suy giảm 2 năm liên tiếp

Đáng nói, so với cùng kỳ năm 2021, kim ngạch xuất khẩu loại mặt hàng này cũng suy giảm hơn 1 tỷ USD. Trong khi đó, so với cùng kỳ các năm 2020 và 2019, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng điện thoại có tăng song chỉ ngưỡng từ 1- 2 tỷ USD, tương đương chỉ 7-8%.

Vì sao doanh nghiệp xuất khẩu điện thoại "mất" 5 tỷ USD? - Ảnh 1.

Xuất khẩu mặt hàng điện thoại suy giảm kỷ lục 15% giá trị so với cùng kỳ năm trước (Ảnh: Samsung Việt Nam)

Mới đây, Bộ Công thương đánh giá, ngành điện tử tiếp tục đối mặt với tình trạng giảm đơn hàng, do thị trường máy tính và linh kiện toàn cầu đang sụt giảm và chưa có dấu hiệu phục hồi. Đơn hàng điện tử mới trên thế giới đã bắt đầu giảm mạnh từ nửa cuối năm 2022, ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực điện tử tiêu dùng.

Đi qua 7 tháng của năm, xuất khẩu của 2 ngành hàng dẫn đầu cùng nhiều nhóm ngành hàng công nghiệp chế biến chế tạo khác vẫn tăng trưởng âm, có nghĩa sản xuất trong nước vẫn đang bị bao trùm bởi khó khăn khi tổng cầu hàng hóa thế giới suy giảm.

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam do S&P Global vừa công bố cũng cho biết, PMI đã tăng lên 48,7 điểm trong tháng 7, nhích hơn so với 46,2 điểm của tháng 6. Việc PMI vẫn dưới ngưỡng 50 điểm đã phản ánh, ngành sản xuất Việt Nam dù có sự phục hồi nhẹ, song các điều kiện hoạt động vẫn suy giảm.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, ảnh hưởng của đà suy giảm xuất khẩu điện thoại của Việt Nam là dễ hiểu bởi lạm phát ở nhiều nước tăng, trong đó có thị trường Mỹ, EU, Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc đều khó khăn. Việc thắt chặt tiêu dùng ở phần lớn người dân Mỹ sau hàng loạt quyết định tăng lãi suất của Fed đã khiến xu hướng người dân hạn chế tiêu dùng đồ điện tử.

Ông Hiếu cũng kỳ vọng từ tháng 9 trở đi, tiêu dùng của người dân tăng trở lại do có nhiều ngày lễ như dịp Black Friday, Lễ Tạ ơn, Giáng sinh, tết dương lịch... sẽ kích thích nhu cầu nhập khẩu tiêu dùng các mặt hàng điện tử, điện thoại.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam cho biết, hiện các doanh nghiệp hội viên ở tình cảnh không có thêm đơn hàng mới ở những dòng khách hàng truyền thống tại các thị trường trọng tâm như Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc…

"Một số doanh nghiệp cũng cố gắng vận đông để có những đơn hàng mới ở những thị trường mới như Canada, Bắc Mỹ… nhưng giá trị rất nhỏ và không ổn định. Đáng lo hơn, gần đây, nguy cơ khá nhiều đơn hàng bị chuyển ra đối tác nước ngoài", bà Hương cho biết.

Theo dự báo của Công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, thị trường điện thoại toàn cầu vẫn chịu áp lực suy thoái, nhu cầu chỉ có thể khởi sắc hơn vào những tháng cuối năm 2023. Thậm chí, các kênh, đối tác chuỗi cung ứng và các công ty sản xuất linh kiện gốc (OEM) đều chung dự báo rằng, sự phục hồi diễn ra vào năm sau, còn tình hình các tháng cuối năm 2023 vẫn chưa thật khởi sắc.

Theo một số doanh nghiệp điện tử, ảnh hưởng suy giảm kinh tế của các thị trường lớn khiến đơn hàng giảm sút và điều này làm cho doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp điện tử xuất khẩu hiện nay phải "ăn đong" hợp đồng mỗi tháng, lo thiếu hợp đồng là chuyện hàng ngày, hàng giờ. Kỳ vọng cuối năm 2024 thị trường ổn định, xuất khẩu doanh nghiệp mới thực sự hồi phục trở lại hoàn toàn.

An Linh
Cùng chuyên mục