Các nhà nghiên cứu 'mạnh tay' hạ dự báo tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 của Việt Nam xuống âm 4,1%
Xuất khẩu của Việt Nam chưa có dấu hiệu "chạm đáy"
Báo cáo mới nhất của Bộ phận nghiên cứu Ngân hàng HSBC về Việt Nam với tựa đề "Dữ liệu Việt Nam tháng 5 – Chặng đường còn dài" cho rằng, xuất khẩu trong tháng 5 giảm 5,8% so với cùng kỳ năm trước, tốc độ giảm chậm hơn so với dự đoán của thị trường nhưng sự suy yếu trên diện rộng vẫn còn đó. Việt Nam vẫn chưa vượt qua được tình thế khó khăn hiện tại. Mặc dù dữ liệu hoạt động kinh tế tháng 5 không xấu đi, Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu "chạm đáy" để bật trở lại trong bối cảnh nhiều khó khăn gia tăng cản trở tăng trưởng.
Thật vậy, dữ liệu lĩnh vực bên ngoài chậm lại vẫn là rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng.
Trong khi xuất khẩu tháng 5 giảm 5,8% so với cùng kỳ năm trước, một mức giảm nhẹ hơn hẳn so với mức giảm hai con số tháng trước, hiệu ứng cơ sở phần nào cứu cánh. Xét cho cùng, sự suy yếu trên diện rộng của xuất khẩu tiếp tục ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của Việt Nam. Không có ngành hàng nào trong số các ngành hàng chính như điện tử, máy móc, dệt may/da giày và đồ nội thất gỗ cho thấy dấu hiệu phục hồi đáng kể.
Mặc dù dữ liệu xuất khẩu chính thức của Việt Nam chưa được công bố trong tháng 5, dữ liệu tính đến tháng 4/2023 cho thấy đơn hàng sụt giảm mạnh ở ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam: Mỹ, Trung Quốc và EU. Cụ thể, với thị phần lớn lên tới 30%, Việt Nam chắc chắn dễ bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế chậm lại ở Mỹ.
Mặc dù xuất khẩu giảm xuống một con số, nhập khẩu giảm nhanh hơn nhiều, với tốc độ giảm 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Có ý kiến cho rằng điều đó có lợi cho thặng dư thương mại của Việt Nam, ghi nhận ở mức 2,2 tỷ USD, gấp đôi mức bình quân tháng của năm 2022.
Cán cân thương mại được cải thiện phần nào chính là lý do đồng VND duy trì tương đối ổn định trong bối cảnh đồng USD mạnh lên suốt hai tuần trước, vượt qua các đồng tiền khác như KRW và MYR, vốn cũng liên quan mật thiết đến đồng RMB. Tuy nhiên, với ngành sản xuất có bản chất thiên về nhập khẩu, sự suy yếu lớn trong nhập khẩu của Việt Nam cũng là dấu hiệu cho thấy sự phục hồi chậm chạm của xuất khẩu trong tương lai.
Mạnh tay hạ dự báo tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 của Việt Nam – xuống âm 4,1%
Các nhà nghiên cứu của Maybank gồm Brian Lee Shun Rong và tiến sĩ Chua Hak Bin đã phát hành báo cáo Kinh tế Việt Nam cuối tháng 5/2023 với tựa đề "Trade Downturn Continues in May, Cut 2023 GDP to +4%", tạm dịch "Giao dịch thương mại suy yếu trong tháng 5, tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam giảm xuống còn 4%". Trong đó, các nhà nghiên cứu cho rằng, mặc dù so với tháng trước, xuất khẩu hàng hóa tháng 5 tăng 4,3%, nhưng so với cùng kỳ năm, xuất khẩu hàng hóa vẫn giảm 5,8%. Mức tăng tháng 5 một phần do trong tháng 4, xuất khẩu đã giảm 6,2% so với tháng trước.
Các nhà nghiên cứu của Maybank dự báo xuất khẩu sụt giảm có thể sẽ tiếp tục trong nửa cuối năm nay mặc dù có thể thấy sự phục hồi khiêm tốn trong quý IV/2023. Nhu cầu từ Mỹ và EU có thể sẽ vẫn yếu do tăng trưởng chậm và hàng tồn kho của các nhà bán lẻ vẫn tăng cao. Xuất khẩu sang Trung Quốc có thể bị suy giảm do nhu cầu ảm đạm của toàn cầu (đầu vào phần lớn là các chuyến hàng đến Trung Quốc) và sự phục hồi của Trung Quốc (nước này vốn ít nhập khẩu).
Trong báo cáo kỳ này, các nhà nghiên cứu của Maybank đã tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 của Việt Nam, xuống âm 4,1%. Đây là lần hạ dự báo tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 thứ 2 trong năm 2023 của Maybank.
Trước đó, báo cáo kinh tế phát hành ngày 1/3/2023, Maybank dự báo tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 của Việt Nam là +4%. Sau khi có số liệu xuất nhập khẩu sơ bộ quý I/2023, báo cáo phát hành cuối tháng 3/2023 của Maybank đã hạ dự báo tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 của Việt Nam xuống +3%. Lần này, các nhà nghiên cứu đã "mạnh tay" khi dự báo xuất khẩu năm 2023 của Việt Nam sẽ tăng trưởng âm -4,1%. Tương tự nhập khẩu hàng hóa dự báo tăng trưởng âm -4,3%.