Vì sao Leflair đột ngột đóng cửa tại Việt Nam?
Đầu tháng 2/2020, trang thương mại điện tử Leflair đã gửi đến tất cả các nhà cung cấp, khách hàng thông báo trên.
Leflair giải thích lý do tạm ngừng kinh doanh do gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn vốn. "Do đó, áp lực về nguồn vốn đối với Leflair ngày càng lớn theo sự phát triển của chúng tôi, cùng với áp lực mục tiêu tạo lợi nhuận", thông báo của Leflair viết.
Sự việc Leflair đột ngột đóng cửa khiến nhiều nhà cung cấp và nhân viên bán hàng bất ngờ do chưa được thanh toán các khoản lương, thưởng trước đó. Đáng nói, hiện nhiều khách hàng đang điêu đứng vì bị đơn vị này "bùng" hàng, tiền.
Theo phản ánh của các nhà cung cấp, từ sau tết đến nay họ vẫn đang nỗ lực giải quyết công nợ với ban lãnh đạo doanh nghiệp, phía đại diện Leflair chỉ hứa hẹn và đưa ra một số phương án. Tuy nhiên, việc văn phòng không còn hoạt động khiến họ lo lắng.
Trong buổi làm việc với các nhà cung cấp, đại diện Leflair nói ước số công nợ mà sàn thương mại điện tử này chưa xử lý với khoảng 500 nhà cung cấp lên đến 2 triệu USD, trong khi đó khoản tiền mặt còn lại trong tài khoản chưa đến 50.000 USD.
Trên trang facebook của Leflair, nhiều khách hàng trót chuyển tiền cho đơn vị này hiện đứng ngồi không yên vì hàng không được giao, tiền cũng không thể lấy lại.
"Mình đặt hàng và thanh toán ngày 27/2, thời điểm mình đặt hàng website vẫn hoạt động nên vẫn trừ tiền và gửi thông báo giao hàng. Thế nhưng, tới hôm nay mình mở lại thì website đã đóng cửa", tài khoản Bùi Ngọc Thanh Lan cho biết.
Trong thông báo gửi đến các nhà cung cấp ngày 2/3, đại diện Leflair cho biết sẽ sắp xếp một buổi đối thoại vào ngày 10/3 tới đây với đại diện một số nhà cung cấp, chứ không thể tất cả 500 nhà cung cấp.
Thông báo cũng cho biết để đảm bảo công tác hòa giải, văn phòng công ty sẽ đóng cửa trong tuần này.
Tương tự, tài khoản Yo Milk viết: "Báo chí đăng tin từ đầu tháng mà phía Leflair không có bất kỳ thông tin nào cho khách hàng biết, vẫn hoạt động như bình thường. Mình cũng bức xúc vì chưa được hoàn tiền. Để xem họ xử lý như thế nào, nếu nhiều người cũng bị giống mình thì có thể tập hợp lại nhờ cơ quan có thẩm quyền can thiệp".
Trên VTCNews, chị Thanh Hằng (nhà cung cấp của Leflair) cho biết, trước đây Leflair nhiều lần chậm giải quyết công nợ, tuy nhiên sau nhiều hứa hẹn, chị vẫn tiếp tục cho Leflair thêm cơ hội và hợp tác. Song, tới hiện tại, chị thật sự lo lắng khi Leflair "chơi chiêu thoát xác".
"Năm 2018 tôi bị Leflair giữ 400 triệu đồng tiền nợ, sau nhiều lần đến văn phòng đòi và làm ầm lên họ mới chịu trả. Sau đó, tôi quyết định dừng hợp tác thì nhân viên bên công ty lại gọi điên xin hợp tác, cam kết trả tiền đúng hẹn nên tôi đồng ý. Còn bây giờ, đại diện công ty nói chúng tôi phải chờ nhà đầu tư, nếu có nhà đầu tư thỉ cam kết trả 100%, còn không chỉ trả được một phần", chị Hằng bức xúc.
Trước tình hình hiện tại, các nhà cung cấp đồng loạt mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc.
Được biết, Leflair được thành lập năm 2015 bởi 2 doanh nhân người Pháp Loic Gautier và Pierre-Antoine Brun, sàn chuyên bán các loại hàng hiệu từ mỹ phẩm đến thời trang, cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm hàng hiệu cao cấp chính hãng từ các thương hiệu hàng đầu thế giới với mức giá hấp dẫn.
Trong thông báo gửi đến nhà cung cấp, Leflair cho biết trong 4 năm tồn tại, sàn thương mại điện tử chuyên hàng hiệu đã tiếp cận và phục vụ hơn 120.000 khách hàng, doanh thu mỗi năm ước tính hàng chục triệu USD với giá trị đơn hàng trên mỗi khách được đánh giá cao nhất trên thị trường.
Năm ngoái, Leflair công bố vòng gọi vốn Series B từ 2 quỹ đầu tư GS Shop và Belt Road Capital Management có trị giá 7 triệu USD, đưa tổng giá trị các vòng gọi vốn của công ty từ lúc thành lập đến nay đạt gần 12 triệu USD.
Một phần tiền gọi vốn được ban điều hành tập trung trả nợ, phần còn lại đầu tư cho hệ thống vận hành.