Vì sao nhiều doanh nghiệp vùng kinh tế Bắc Bộ khó tiếp cận được vốn vay?
Sáng nay (11/10), tại Quảng Ninh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức Hội nghị kết nối Ngân hàng - doanh nghiệp vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (KTTĐ)
Được biết, đây là lần thứ 5 NHNN phối hợp với UBND các thành phố tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp (DN) trong năm nay. Trước đó, NHNN đã phối hợp UBND các tỉnh, thành phố TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ tổ chức các Hội nghị kết nối NH – DN.
Vốn tín dụng cho vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ chiếm 1/3 dư nợ nền kinh tế
Theo báo cáo của NHNN đưa ra tại Hội nghị, tính đến ngày 4/10/2019 dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 7,85 triệu tỷ đồng, tăng 8,95% so với cuối năm 2018.
Riêng vùng KTTĐ Bắc bộ, với mạng lưới các chi nhánh, phòng giao dịch của trên 80 tổ chức tín dụng (TCTD) và gần 320 quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn đã huy động nguồn vốn tương đối tốt với số dư huy động bình quân gấp hơn 1,5 lần dư nợ tín dụng, đáp ứng tối đa nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của vùng luôn tăng trưởng.
Cụ thể, đến cuối tháng 9/2019, dư nợ tín dụng của khu vực đạt 2,5 triệu tỷ đồng, tăng 8,98% so với 31/12/2018 và chiếm khoảng 33,1% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.
Như vậy, 7 tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm này bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc hiện chiếm tới 1/3 tổng dư nợ cho vay của toàn nền kinh tế từ đầu năm đến nay. Đây là vùng có quy mô kinh tế lớn thứ 2 sau vùng Đông Nam Bộ.
Trong đó, dư nợ đối với ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 4%; dư nợ đối với ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 35%; dư nợ đối với ngành thương mại và dịch vụ chiếm 61%. Dư nợ đối với DNNVV đạt 443 nghìn tỷ đồng tăng 12,44% so với cuối năm 2018.
Bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động tín dụng đối vùng KTTĐ Bắc Bộ, đặc biệt là đối với các DNNVV của vùng còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trên địa bàn vùng chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn.
Một phần là do các khó khăn từ thị trường, nhưng cũng có nhiều nguyên nhân xuất phát từ bản thân nội tại doanh nghiệp; các doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực trụ cột mũi nhọn của vùng còn gặp khó khăn trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTAs cần đảm bảo chất lượng mặt hàng xuất khẩu, công nghệ, cạnh tranh, thị trường...
Mặt khác, những doanh nghiệp lớn của vùng chưa thực sự phát huy vai trò đầu tàu, tạo hiệu ứng lan tỏa, dẫn dắt các doanh nghiệp trong vùng (đặc biệt là DNNVV, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp khởi nghiệp) phát triển, tham gia vào chuỗi giá trị trong nước và quốc tế...
Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về cấp tín dụng
Nhìn nhận về những thành quả đạt được cũng như những khó khăn còn hiện hữu đối với hoạt động tín dụng trên địa bàn, phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú nhấn mạnh, để tiếp tục nâng cao hiệu quả các chương trình tín dụng đặc thù nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, ngành Ngân hàng sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, góp phần tạo môi trường kinh doanh ổn định.
Đồng thời, tiến hành rà soát, đề xuất hoàn thiện các thể chế chính sách, tạo điều kiện để cung ứng đầy đủ, đa dạng các sản phẩm dịch vụ tài chính, nhất là sản phẩm dịch vụ ngân hàng phi tín dụng; cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn vay.
Đặc biệt, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về cấp tín dụng của các TCTD để tăng cường khả năng cung ứng vốn phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh và tiêu dùng chính đáng của người dân, DN; Tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp tại Kế hoạch hành động của ngành NH góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển DN.
Đại diện NHNN cũng khẳng định, ngành NH sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các DN (đặc biệt là DNNVV) tiếp cận vốn tín dụng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục rà soát và đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của hệ thống các TCTD.
Riêng về vấn đề lãi suất, Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ thêm, ngành ngân hàng sẽ cố gắng điều hành lãi suất ổn định, theo xu hướng giảm dần khi điều kiện vĩ mô và các chỉ số cho phép.
"Động thái giảm lãi suất điều hành 0,25% vừa qua (16/9), tác động tích cực tới các NHTM, hiệu ứng để NHTM có động thải giảm lãi suất cho DN. Sắp tới trong định hướng điều hành tiếp tục ổn định lãi suất, giảm lãi suất khi điều kiện cho phép, hỗ trợ vốn, tài chính cho DN", Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Đối với chính sách tỷ giá, theo Phó Thống đốc, đối với 7 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, các DN cũng rất quan tâm đến vấn đề tỷ giá. Chính sách tỷ giá vừa qua cũng cố gắng điều hành phù hợp cán cân ngoại tệ, cung cầu ngoại tệ trên thị trường nhưng cũng đảm bảo thuận lợi cho DN xuất nhập khẩu.
Đồng thời, vẫn đảm bảo các chỉ số vĩ mô khác như cho việc trả nợ nước ngoài, luồng vốn chu chuyển, cán cân vãng lai...Phó Thống đốc cho biết, chủ trương ổn định tỷ giá sẽ được tiếp tục trong năm nay và những năm tới. Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc, ổn định không có nghĩa là cố định. Ổn đinh để DN yên tâm, không lo câu chuyện phá giá đồng tiền, tập trung cho sản xuất kinh doanh, tránh những cơ hội đầu tư ngoại tệ.
Ông Nguyễn Quang Mâu
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gạch ngói Đất Việt
Trong giai đoạn 2012-2013, do ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu, rất nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đã phải ngừng sản xuất, đứng trên bờ vực phá sản trong đó có doanh nghiệp chúng tôi. Thế nhưng, vào thời điểm khó khăn đó, nhờ chính sách kịp thời được cơ cấu lại thời hạn trả nợ nguồn vốn trung và dài hạn, được vay vốn lưu động của ngành ngân hàng mà Công ty chúng tôi đã thoát khỏi cảnh sản xuất cầm chừng và hồi sinh, phát triển trở lại
Ông Bùi Văn Thiên
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Du thuyền Genesis Việt Nam
Một trong những yếu tố quan trọng để tiếp cận vốn đặc biệt là vốn tín chấp ngân hàng là phương án kinh doanh của bạn phải hiệu quả, đem lại lợi nhuận và đảm bảo khả năng thanh toán nợ. Doanh nghiệp phải chứng minh được năng lực tài chính hiện tại, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả và dòng tiền trong tương lai.