Tp.HCM: Tìm hướng gỡ vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang từ một doanh nghiệp nhỏ đã phát triển thành doanh nghiệp lớn, sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố Hồ Chí Minh.
Nhiều doanh nghiệp “khát” vốn
Nhiều năm liền, bà Nguyễn Bính - Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Nguyễn Bính (quận Tân Bình) chủ thương hiệu bún Nguyễn Bính muốn xây dựng nhà máy sản xuất nhưng gặp khó khăn về vốn. Thế chấp tài sản, bà chỉ vay được 16 tỷ đồng từ ngân hàng để mua đất đặt nhà máy. Trong khi đó, bà cần thêm số tiền khoảng 30 tỷ đồng để xây dựng nhà máy và 100 tỷ đồng đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bà Nguyễn Bính cho biết: “Gia đình tôi từ hộ kinh doanh cá thể được thành lập cách đây 17 năm và chuyển đổi thành công ty cổ phần từ năm 2004. Khi có doanh thu ổn định, tôi rất muốn đầu tư mở rộng sản xuất, xây dựng một nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu bún tươi. Tuy nhiên, công ty vẫn chưa thể tìm được nguồn vốn”.
Không chỉ riêng công ty của bà Nguyễn Bính chưa thể phát triển do thiếu vốn mà hàng nghìn công ty nhỏ và vừa tại thành phố Hồ Chí Minh cũng gặp phải khó khăn này. Ông Trần Ngọc Thái Sơn - Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Tiki.vn chia sẻ: “Cái khó của công ty khởi nghiệp Việt Nam là vốn”.
Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ doanh nghiệp Tam Nông thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Ở lĩnh vực khác có thể thu hồi vốn nhanh nhưng với công ty nông nghiệp bỏ một đồng trong 1-2 năm chưa chắc đã thu hồi được vốn. Tài sản thế chấp của doanh nghiệp thường là đất nông nghiệp được định giá thấp, cho vay khoảng 50% sau khi thẩm định giá”.
Em Lưu Công Nguyên, sinh viên năm thứ tư, Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ luôn cần lượng lớn lao động. Họ tạo ra việc làm cho hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp mỗi năm tại thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp, doanh nghiệp khó khăn về vốn nên nợ lương...”.
Theo Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh, tính đến tháng 4-2019, thành phố đã cấp 12.288 giấy phép kinh doanh cho doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký đạt 182.261 tỷ đồng. So với năm trước, số giấy phép tăng 1,2% và số vốn đăng ký hoạt động tăng gần 33%. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp phải giải thể, tạm ngưng hoạt động cũng không nhỏ. Từ đầu năm 2019 đến hết tháng 3 vừa qua có đến 1.016 doanh nghiệp giải thể, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó còn có 1.975 doanh nghiệp ngưng hoạt động, tăng 7,5%.
Cùng chung tay hỗ trợ
Tại thành phố Hồ Chí Minh, phong trào khởi nghiệp đang “nở rộ”, vì thế số lượng doanh nghiệp nhỏ chiếm số đông. Thành phố có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp như gói hỗ trợ 1.000 tỷ đồng, miễn thuế 2 năm đầu tiên cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Ngoài ra, thành phố sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, chú trọng hỗ trợ mạnh mẽ hoạt động khởi nghiệp thường xuyên, tổ chức tuyên truyền tư vấn, đào tạo, định hướng học sinh, sinh viên, khơi dậy ý định khởi nghiệp và kiến tạo các năng lực khởi nghiệp... Hiện nay, thành phố đang có chương trình hỗ trợ phát triển ngành Công nghiệp và Nông nghiệp chủ lực nhưng doanh nghiệp vẫn chưa được vay vốn kích cầu.
Ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Những khó khăn của doanh nghiệp chưa giải quyết được ngay do liên quan đến vay vốn kích cầu, cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp chủ lực. Thành phố đã giao Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc trực tiếp với doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ”.
Tuy nhiên, thành phố cũng mong muốn các doanh nghiệp lớn cùng chung tay tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn. Ông Trần Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Sao Bắc Đẩu (quận 7) cho biết: “Khi đi cùng doanh nghiệp khởi nghiệp, chúng tôi tạo ra bước phát triển mạnh mẽ và bền vững cho doanh nghiệp vì các bạn khởi nghiệp đã giúp chúng tôi tạo ra bộ giải pháp phù hợp với thị trường, nhanh chóng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng...”.
Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Hiện nay, nguồn vốn chính phát triển doanh nghiệp vẫn từ ngân hàng. Các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc cam kết khi vay vốn, tạo ra sự tăng trưởng ổn định, tạo niềm tin cho đối tác ngân hàng”.
Bản thân các doanh nghiệp muốn trụ vững trong nền kinh tế thị trường cần chủ động, tạo nguồn vốn cho mình thông qua việc tìm kiếm đối tác, mời gọi đầu tư. Ông Tony Wheeler - Cố vấn cấp cao Startup Vietnam Foundation cho hay: “Để giúp một dự án khởi nghiệp thành công và có đóng góp hiệu quả cho nền kinh tế, những công ty lớn cần phải “ngồi trên cùng một con thuyền” và đưa ra những gói hỗ trợ.