Vì sao "tiền xanh" chưa thể chảy mạnh vào Việt Nam?
Trong những năm gần đây, khái niệm ESG và xanh hóa ngày càng phổ biến trên toàn thế giới, và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Các dự án theo chuẩn ESG và xanh không chỉ góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường mà còn đảm bảo lợi ích dài hạn về mặt kinh tế và xã hội, hướng đến một nền kinh tế phát triển bền vững và công bằng. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi sang tín dụng và trái phiếu xanh gặp nhiều thách thức, chủ yếu do thiếu một bộ tiêu chí rõ ràng để đánh giá các yếu tố xanh trong các dự án này.
Biểu hiện, thị trường trái phiếu xanh nội địa cũng chỉ mới đạt khoảng 1 tỷ USD trong khi đó quy mô tín dụng xanh của hệ thống ngân hàng cũng chỉ đạt mức khoảng 500.000 tỷ đồng. Các khoản tín dụng xanh tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào các dự án năng lượng tái tạo, trong khi các tiêu chí đánh giá vẫn phụ thuộc vào tiêu chuẩn riêng của từng ngân hàng thay vì dựa trên các thông lệ quốc tế. Đối với phân khúc tài trợ từ các quỹ đầu tư xanh quốc tế, với yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn xanh nghiêm ngặt hơn, không nhiều doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng đủ điều kiện.
Bà Lê Mai, Giám đốc Quan hệ khách hàng kiêm Giám đốc Quốc gia về Tài trợ bền vững, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho hay, Standard Chartered dành 300 tỷ USD trên toàn cầu để tài trợ bền vững tới năm 2030, hiện mới chỉ giải ngân được hơn 87 tỷ USD và mong muốn được giải ngân nhiều hơn nữa, trong đó có Việt Nam.
"Dư địa tăng trưởng tín dụng xanh ở Việt Nam còn rất lớn song cũng rất thách thức, trong đó rào cản lớn nhất là nhận thức. Với doanh nghiệp, thực thi ESG đòi hỏi tầm nhìn dài hạn, đánh giá lợi ích dài hạn", bà Mai cho hay.
Nói về "tương lai của tín dụng xanh ra khi hiện nay tín dụng xanh đang chiếm tỷ trọng thấp, có cơ hội lớn nhưng có dễ khai thác hay không và điều kiện quan trọng nhất để tăng đẩy mạnh tín dụng xanh là gì?", bà Lê Mai cho rằng, tín dụng xanh chiếm tỷ trọng thấp là cơ hội lớn nhưng đặt ra nhiều thách thức và khó khăn.
"Gần 20 năm làm việc trong ngân hàng và gần 10 năm theo đuổi tài trợ bền vững, tôi thấy yếu tố quan trọng nhất trong thực hành ESG là nhận thức. Với doanh nghiệp, nhận thức ở đây là tầm chiến lược, tầm nhìn dài hạn, đánh giá vấn đề trong dài hạn. Tại Standard Chartered là tầm nhìn ngân hàng đi tiên phong, mang đến cơ hội và niềm tin với mong muốn là người dẫn đầu, người tiên phong để hỗ trợ khách hàng phát triển hơn nữa trong Net Zero của mình", bà Lê Mai nói.
Thông tin thêm về cơ hội của tăng trưởng tín dụng xanh, bà Lê Mai đưa ra một con số ấn tượng về nhu cầu vốn đầu tư lên đến 4.000 tỷ USD để các thị trường đang phát triển và phát triển đạt mục tiêu phát triển bền vững của mình. Nếu chỉ dựa vào tài chính công sẽ không đủ mà cần đến nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại, tăng trưởng tín dụng xanh rất tiềm năng để góp phần thúc đẩy phát triển bền vững.
Trong khi đó, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Việt Nam của ADB, tăng trưởng xanh và thực thi ESG tại ngân hàng Việt Nam đã có bước chuyển căn bản. Nếu như trước đây ngân hàng khi cho vay chỉ quan tâm đến khả năng trả nợ của khách hàng, ít quan tâm đến yếu tố phi tài chính thì hiện nay đã quan tâm đến yếu tố tăng trưởng bền vững của khách hàng.
Thực tế, với doanh nghiệp một số ngành (ví dụ các doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Âu), chuyển đổi xanh không chỉ là tầm nhìn mà còn là đòi hỏi của thị trường, nếu không muốn bị loại khỏi chuỗi cung ứng. Trong công cuộc chuyển đổi của doanh nghiệp, ông Hùng cho rằng, ngân hàng nên đóng vai trò cố vấn cho doanh nghiệp. Để đẩy nhanh thực thi áp dụng ESG cho ngành ngân hàng, ông Hùng kiến nghị, nên có cả cơ chế khuyến khích lẫn chế tài.
Trong khi đó, kinh nghiệm của một số quốc gia cho thấy, việc bắt buộc thực thi ESG được lồng ghép vào khung quản trị rủi ro của ngân hàng, coi ESG là một trong các thành tố quản trị rủi ro.
Ông Tạ Đức Bình, Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Chiến lược và Chính sách tài nguyên môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường - thành viên trong Tổ soạn thảo danh mục xanh của Thủ tướng Chính phủ, nêu quan điểm rằng trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo thì tổ soạn thảo có quan điểm danh mục xanh sẽ hỗ trợ rất tốt cho các ngân hàng trong việc nhận diện những dự án đủ điều kiện, những dự án được xem là xanh. Danh mục này cũng giúp cho ngân hàng có những chuẩn hóa chi tiết hơn trong quá trình xác định dự án đủ điều kiện, giúp ngân hàng đánh giá được những rủi ro và lợi ích của dự án.
Tuy nhiên, danh mục phân loại xanh tuy rất quan trọng nhưng không phải điều kiện ảnh hưởng bắt buộc đến thành công trong tích hợp ESG ngành ngân hàng hoặc trong các hoạt động của doanh nghiệp.
Ông cũng nêu thực tế, ở các nước đã có danh mục phân loại xanh thì không có hỗ trợ gì cho các dự án thuộc danh mục này.
"Vì thế họ để thị trường vận hành một cách chủ động, bằng cách sử dụng các đơn vị độc lập xác nhận, xác minh dự án này có thuộc danh mục đó không, không cần cơ quan nhà nước xác nhận cho, bởi không cần hỗ trợ từ Chính phủ. Nhưng tại Việt Nam thì lại muốn ngoài việc ban hành danh mục để xác nhận dự án xanh thì còn có thể nhận được những ưu đãi, hỗ trợ từ nhiều nước về tín dụng xanh, đặt ra những yêu cầu khắt khe hơn về việc xác nhận và cũng khiến cho danh mục gặp nhiều khó khăn hơn khi tiến hành", ông Bình nhấn mạnh.