Việt Nam bất ngờ trong "top 8" các nhà nhập khẩu gạo của Ấn Độ
Theo số liệu của Bộ Công Thương Ấn Độ, kim ngạch xuất khẩu gạo Ấn Độ sang Việt Nam giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 10/2021 là 151,79 triệu USD, khối lượng 455.292 tấn (tăng mạnh so với 14.933 tấn của cùng kỳ năm trước), đứng thứ 12 về giá trị và thứ 8 về khối lượng trong số các quốc gia Ấn Độ xuất khẩu gạo. Riêng trong tháng 10/2021, Ấn Độ xuất khẩu 29.648 tấn gạo sang Việt Nam (so với 8.823 tấn của cùng kỳ năm trước), đạt kim ngạch 9,05 triệu USD.
Việc Ấn Độ thúc đẩy mở rộng cơ sở hạ tầng xếp dỡ cảng, phát triển chuỗi giá trị, cùng với nỗ lực tìm kiếm cơ hội mới ở các quốc gia hoặc thị trường xuất khẩu gạo trong vài năm qua đã khiến xuất khẩu gạo của Ấn Độ tăng đột biến.
Bất chấp những thách thức về hậu cần do đại dịch Covid-19 gây ra, Ấn Độ tiếp tục mở rộng xuất khẩu gạo của mình ở các thị trường châu Phi, châu Á và Liên minh châu Âu, trở thành quốc gia có thị phần lớn nhất trong thương mại gạo toàn cầu.
Nhu cầu gạo toàn cầu mạnh mẽ cũng giúp Ấn Độ tăng trưởng xuất khẩu gạo. Trong năm tài chính 2020-2021, xuất khẩu gạo của Ấn Độ (gạo Basmati và Non-Basmati) đã tăng 87% lên 17,72 triệu tấn từ mức 9,49 tấn đạt được trong năm 2019-2020.
Xét về giá trị, xuất khẩu gạo của Ấn Độ tăng 38% lên 8,8 tỷ USD trong giai đoạn 2020-2021 từ mức 6,4 tỷ USD trong năm 2019-2020. Trong 7 tháng (từ tháng 4 tới tháng 10) năm tài chính hiện tại (2021-2022), xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã tăng hơn 33% lên 11,79 tấn từ mức 8,91 tấn đạt được trong cùng kỳ năm 2020-2021.
Dự đoán mức xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong năm 2021-2022 có thể sẽ vượt qua mức kỷ lục 17,72 tấn đạt được trong năm 2020-2021. Trong năm 2020-2021, Ấn Độ đã xuất khẩu gạo non-basmati tới 9 thị trường mới gồm: Timor-Leste, Puerto Rico, Brazil, Papua New Guinea, Zimbabwe, Burundi, Eswatini, Myanmar và Nicaragua.
Xuất khẩu gạo Non-Basmati của Ấn Độ đạt trị giá 4.796 triệu USD trong năm 2020-2021. Xuất khẩu sang 10 quốc gia hàng đầu gồm: Nepal, Benin, Bangladesh, Senegal, Togo, Cote D Ivoire, Guinea, Malaysia, Iraq, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, chiếm 57% trong tổng khối lượng xuất khẩu gạo non-Basmati của Ấn Độ trong năm 2020-2021.
Xuất khẩu gạo Basmati trong năm 2020-2021 đạt 4.018 triệu USD. Mười quốc gia nhập khẩu hàng đầu gồm: Ả Rập Xê Út, Iran, Iraq, Yemen, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Hoa Kỳ, Kuwait, Anh, Qatar và Oman, chiếm 80% tổng khối lượng xuất khẩu gạo Basmati của Ấn Độ.
Mặc dù trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn ra trên toàn cầu gây ra sự gián đoạn chuỗi cung ứng của nhiều mặt hàng. Nhưng xuất khẩu gạo của Ấn Độ vẫn đạt mức tăng trưởng đột biến. Kết quả này có được là nhờ Chính phủ Ấn Độ đã thực hiện các biện pháp nhanh chóng để đảm bảo xuất khẩu gạo và các loại ngũ cốc khác trong khi thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa an toàn liên quan đến dịch Covid-19.
Trở lại việc Việt Nam bất ngờ trở thành nước trong "top 8" các nhà nhập khẩu gạo của Ấn Độ, dưới góc độ thương mại, nhiều chuyên gia trong ngành lúa gạo cho rằng, điều này là bình thường vì gạo Ấn Độ rẻ hơn gạo Việt Nam nên các doanh nghiệp thường nhập về để chế biến các sản phẩm từ gạo và phục vụ nhu cầu chăn nuôi.
Đại diện một doanh nghiệp cho rằng, việc doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu gạo từ Ấn Độ cũng như doanh nghiệp Ấn Độ nhập khẩu gạo của Việt Nam, trong xu thế hội nhập không có gì là bất thường.
Trong khi Việt Nam đang hướng đến sản xuất những loại gạo thơm, chất lượng cao thì loại gạo phục vụ chế biến các sản phẩm từ gạo, chế biến thức ăn chăn nuôi sẽ thiếu hụt, trong khi gạo Ấn Độ giá rẻ hơn nên các doanh nghiệp lựa chọn nhập khẩu.
Trong một diễn biến khác, mới đây, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm soát mặt hàng gạo, ngăn nguy cơ gian lận xuất xứ. Bởi trước đó, nhiều thông tin cho biết kho hàng tại một số nước than phiền về việc chất lượng gạo trắng của Việt Nam có dấu hiệu giảm sút. Thậm chí, họ đánh giá chất lượng gạo Việt Nam chỉ tương đương với gạo Ấn Độ trong khi giá lại cao nên ngưng mua do nghi ngờ gạo Ấn Độ giả mạo xuất xứ gạo Việt Nam.
Mới đây, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (Cục Hải quan TP.HCM) còn cho biết đã tạm giữ nhiều container gạo nhập khẩu từ Ấn Độ nghi vấn gian lận xuất xứ gạo Việt Nam.
Tổng cục Hải quan cũng cho biết, quá trình theo dõi hoạt động xuất nhập khẩu gạo thời gian qua cho thấy kim ngạch nhập khẩu mặt hàng gạo từ Ấn Độ tăng đột biến và có dấu hiệu gian lận, giả mạo xuất xứ gạo của Việt Nam để xuất khẩu đi các thị trường khác.
Nhằm phòng chống gian lận xuất xứ, ghi nhãn không đúng quy định, chuyển tải bất hợp pháp đối với mặt hàng gạo nhập khẩu (có mã số HS 1006.20, 1006.30 và 1006.40.90) từ các thị trường sau đó xuất khẩu hoặc tái xuất khẩu đi các thị trường khác, Tổng cục Hải quan vừa chỉ đạo các Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ mặt hàng gạo.
Về điều kiện nhập khẩu gạo, căn cứ Thông tư số 11/2021/TT-BNNPTT ngày 20/9/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ban hành bảng mã số HS đối với danh mục hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ NN&PTNT và danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn thì sản phẩm gạo (mã số HS 1006.20, 1006.30 và 1006.40.90) thuộc đối tượng phải kiểm dịch thực vật và kiểm tra an toàn thực phẩm khi nhập khẩu.
Đối với gạo xuất khẩu, căn cứ Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo (có hiệu lực từ ngày 1/10/2018) thì thương nhân Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế, nếu đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Điều 4 Nghị định này và được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, có quyền được kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; thương nhân chỉ xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng không cần đáp ứng các điều kiện kinh doanh quy định tại điểm a, điểm b khoản 1, khoản 2 Điều này, được xuất khẩu các loại gạo này không cần có Giấy chứng nhận.
Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các đơn vị hải quan địa phương thực hiện kiểm tra, xác định xuất xứ cụ thể đối với hàng hóa là gạo có mã số HS 1006.20, 1006.30 và 1006.40.90 theo các quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Đối với lô hàng được hệ thống phân luồng kiểm tra, khi kiểm tra, công chức hải quan lưu ý kiểm tra việc ghi nhãn đảm bảo đúng quy định tại Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa.
Thực hiện chuyển luồng kiểm tra thực tế đối với các lô hàng gạo (mã số HS 1006.20, 1006.30 và 1006.40.90) xuất khẩu theo loại hình B13 (xuất khẩu hàng đã nhập khẩu). Trong quá trình kiểm tra kết quả nếu phát hiện doanh nghiệp có hành vi vi phạm thì tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp vụ việc có dấu hiệu gian lận phức tạp thì phối hợp với các lực lượng chức năng khác như Công an, Biên phòng, Quản lý thị trường để điều tra, xác minh, làm rõ các dấu hiệu gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.