Việt Nam chi gần 6 tỷ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu
7 tháng đầu năm, Việt Nam chi 5,7 tỷ USD để nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu. Trước con số khủng này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thừa nhận rằng năng lực sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của nước ta còn hạn chế.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi gần 5,7 tỷ USD để nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Trong đó, kim ngạch nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt hơn 3 tỷ USD, mức tương đương so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài ra, Việt Nam cũng chi khoảng 2,7 tỷ USD để nhập khẩu các nguyên liệu chính như ngô, đậu tương cho sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Theo đó, 7 tháng đầu năm, nhập khẩu ngô đạt 5,1 triệu tấn, tương đương 1,8 tỷ USD, giảm 20% về lượng nhưng không biến động nhiều về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Giá ngô nhập khẩu vẫn neo ở mức cao, 300 – 380 USD/tấn.
Tương tự, nhập khẩu đậu tương ở mức 1,2 triệu tấn, tương đương 854 triệu USD, không biến động về lượng nhưng tăng 17% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Cục Chăn nuôi cho rằng dịch bệnh COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có chuỗi cung ứng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu. Nguồn cung giảm, giá cước vận chuyển tăng cao đã đội giá nguyên liệu và thành phẩm.
Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng chính trị giữa Nga và Ukraine (nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất và thứ tư trên thế giới) đang tác động lớn đến nguồn cung và giá lương thực toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến giá ngô và các mặt hàng nông sản khác trên thị trường thế giới và Việt Nam.
Mặt khác, Mỹ tăng sản xuất cồn sinh học từ ngô, các nước Nam Mỹ như Argentina, Brazil mất mùa vì hạn hán đã khiến lượng ngô xuất khẩu giảm mạnh, đẩy giá lên cao.
Trước con số nhập khẩu khủng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thừa nhận rằng năng lực sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của nước ta còn hạn chế.
Đơn cử như năng suất ngô của chúng ta chỉ đạt 4,8 tấn/ha; trong khi các nước sử dụng nguồn giống biến đổi gen, năng suất lên tới 9 tấn/ha. Hay như cây đậu tương, năng suất ở Mỹ đạt tới 132 quả/cây, còn Việt Nam chưa tới 70 quả/cây.
Do đó, hiện chúng ta vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi giá thấp. Tuy nhiên, về lâu dài, Chính phủ đã chỉ đạo kiểm soát và xây dựng một nền chăn nuôi tự chủ. Cụ thể, kế hoạch sẽ chuyển một số diện tích đất trồng trọt không hiệu quả sang trồng cây làm thức ăn chăn nuôi.
Mới đây, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo Tập đoàn De Heus phối hợp với Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi xây dựng một số hợp tác xã trồng sắn, trồng ngô ở các tỉnh Tây Nguyên, đảm bảo thu mua khép kín phục vụ trực tiếp việc sản xuất thức ăn chăn nuôi của doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Ngoài ra, Việt Nam sẽ tập trung vào trồng ngô sinh khối và đẩy mạnh chế biến 1,5 triệu tấn phế phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho đại gia súc. Đây chính là giải pháp nhanh nhất nhằm tiết kiệm ngoại tệ, giảm lệ thuộc vào nhập khẩu.