Việt Nam có nửa triệu kỹ sư phần mềm, FPT ganh đua với thế giới về AI

21/09/2024 14:40 GMT+7
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho rằng Việt Nam hiện có 1 triệu kỹ sư công nghệ thông tin, một nửa trong số đó là kỹ sư phần mềm, và đó là một nguồn lực lớn phát triển chất bán dẫn tích hợp AI.

Trong tập phim tài liệu "Silicon Delta: The story of Vietnam's Tech revolution" (câu chuyện về đổi mới công nghệ ở Việt Nam) do hãng Warner Bros sản xuất, người sáng lập và Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình nhấn mạnh: "Hơn hai thập kỷ trước, không ai nghĩ Việt Nam có thể phát triển phần mềm cho thế giới. 

Giờ đây, Việt Nam đang có 1 triệu kỹ sư công nghệ thông tin, một nửa trong số đó là lập trình viên. Nếu có thể tập trung nguồn lực này cho lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, Việt Nam không chỉ có thể đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn có thể cung ứng cho toàn thế giới".

Việt Nam có nửa triệu kỹ sư phần mềm, FPT ganh đua với thế giới về AI - Ảnh 1.

Người sáng lập và Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình.

Thực tế, FPT đang tập trung nguồn lực đẩy mạnh phát triển trong 5 lĩnh vực trọng yếu là trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn, công nghệ ô tô, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Đồng thời, Công ty cũng tiếp tục đẩy mạnh toàn cầu hóa, hướng tới mục tiêu đạt 5 tỷ USD doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin từ thị trường nước ngoài vào năm 2030.

Cả 5 từ khóa đều liên quan đến AI - trí tuệ nhân tạo. FPT sẽ đầu tư toàn bộ nguồn lực để bước vào cuộc "đặt cược" lớn nhất trong lịch sử, trở thành một doanh nghiệp dẫn đầu về AI.

Vị chủ tịch FPT cũng hé lộ về khoản đầu tư lớn nhất, điều FPT chưa từng làm, là chi 200 triệu USD xây dựng AI Factory ở Việt Nam. Tập đoàn này đang làm phòng thí nghiệm AI lab ở Singapore, ở Sillicon Valley tại Mỹ, hợp tác với những "bậc thầy lớn" của thế giới như Yoshua Bengio, Andrew Ng.

Tại hội nghị AIQ số 2 vừa qua, chủ tịch Trương Gia Bình nhấn mạnh: "Cuộc ganh đua về AI sẽ là cuộc ganh đua khốc liệt tầm cỡ toàn cầu, và FPT đã đến lúc cần phải ganh đua với thế giới".

Trước đó hồi tháng 7, vị chủ tịch FPT cũng khẳng định, mỗi người phải là một chuyên gia AI, mỗi lãnh đạo phải là lãnh đạo AI, mỗi đơn vị, mỗi sản phẩm - dịch vụ đều phải là AI. "Tất cả phải là AI", ông Bình nhấn mạnh và ra "đề bài" cho mỗi thành viên tập đoàn này trong quý III tăng 7% năng suất lao động bằng AI.

Trong làn sóng phát triển công nghệ AI, Việt Nam đang có những bước đi mạnh mẽ tham gia thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và phát triển nguồn nhân lực AI. Sau 3 năm triển khai "Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030", Việt Nam đạt được thành tựu đáng khích lệ, trong đó ghi nhận năm 2022, Việt Nam đứng thứ 55 trên thế giới về Chỉ số Sẵn sàng về AI, tăng 7 bậc so với năm 2021.

Trong khi đó, nền kinh tế số của Việt Nam được dự báo tăng trưởng gấp 11 lần vào năm 2030 và đạt mức 220 tỷ USD. Trong đó, trí tuệ nhân tạo (AI) đóng vai trò then chốt.

Nguyễn Thịnh
Cùng chuyên mục