Việt Nam đã xuất khẩu gần 4,2 triệu tấn gạo, cao kỷ lục

03/08/2022 18:33 GMT+7
7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu gần 4,2 triệu tấn gạo, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái...

Xuất khẩu gạo tăng kỷ lục 

Theo Tổng cục thống kê, 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gạo cả nước ước đạt 4,19 triệu tấn, tương đương giá trị hơn 2 tỷ USD, tăng 20,5% về lượng và 9% giá trị so với cùng kỳ 2021. Đây là mức xuất khẩu cao kỷ lục từ trước đến nay.

Trong nhóm các thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam, Mỹ là quốc gia có mức tăng mạnh nhất, tăng 65,3% trong nửa đầu năm. Tiếp đến là Philippines - thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 44,5% thị phần - nhập khẩu tăng 48,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam hôm nay giảm mạnh sau nhiều ngày neo ở mức cao. Cụ thể, giá gạo 5% tấm giảm 15 USD/tấn xuống còn 398 USD/tấn; gạo 25% tấm giảm 10 USD/tấn xuống còn 383 USD/tấn; gạo 100% tấm 383 USD/tấn.

Giảm giá là xu hướng chung của thị trường gạo thế giới trong tháng qua. Cụ thể như gạo 5% tấm của Thái Lan đã mất khoảng 20 USD/tấn so với cuối tháng trước, các loại gạo Hom Mali chỉ còn 870 USD/tấn, giảm đến 40 USD/tấn; Jasmine còn 619 USD/tấn giảm đến 105 USD…

Theo báo cáo của các tổ chức uy tín, giá lúa gạo giảm là do nguồn cung dồi dào ở các nước xuất khẩu. Trong khi đó, các thị trường tiêu thụ chính ở châu Á đang mở rộng diện tích sản xuất để cải thiện nguồn cung nội địa. Một yếu tố quan trọng khác là thị trường Trung Quốc, nhà nhập khẩu gạo quan trọng hàng đầu thế giới đang thực hiện chính sách phòng chống dịch Covid-19 nên hạn chế nhập khẩu gạo. Giá gạo thế giới tăng cao trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 cũng khiến các thương nhân Trung Quốc trì hoãn việc nhập khẩu gạo từ các thị trường truyền thống như Việt Nam.

Việt Nam đã xuất khẩu gần 4,2 triệu tấn gạo, cao kỷ lục - Ảnh 1.

Giá lúa gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hôm nay ổn định.

Giá lúa gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hôm nay ổn định. Giá gạo NL IR 504 ổn định ở mức 8.050 -8.100 đồng/kg; gạo thành phẩm 8.650 – 8.750 đồng/kg. Với mặt hàng phụ phẩm, giá tấm 8.500 – 8.600 đồng/kg; cám khô 8.200-8.400 đồng/kg.

Tại An Giang, giá lúa hôm nay ổn định, lúa OM 5451 ở 5.500-5.600 đồng/kg; lúa OM 18 tăng 100 đồng/kg lên 5.800-6.000 đồng/kg. Nàng Hoa 9 5.700 – 5.800 đồng/kg, Lúa nàng Nhen (khô) chững lại trong khoảng 11.500 - 12.000 đồng/kg và lúa Nhật có giá là 7.000 - 7.200 đồng/kg. Giá gạo thường 11.500-12.000 đồng/kg; gạo nàng nhen 20.000 đồng/kg; gạo sóc thái 18.000 đồng/kg.

Theo các thương lái, lượng gạo nguyên liệu về nhiều, các kho lựa mặt giao dịch ổn định. Thị trường lúa Hè thu khá hơn, thương lái hỏi mua lại đều do nguồn lúa giảm dần. Giao dịch phụ phẩm tấm cám ở mức khá. Nhà máy chào bán gạo OM 18 loại đẹp tăng nhẹ, giao dịch gạo tăng nhẹ. 

Theo Cục Trồng trọt, vụ lúa hè thu năm 2022, khu vực Nam Bộ xuống giống 1.575 nghìn ha, năng suất ước đạt 57,12 tạ/ha, tăng 0,64 tạ/ha; sản lượng ước đạt 9 triệu tấn. Trong đó, vùng đồng bằng sông Cửu Long xuống giống 1.493 nghìn ha, năng suất ước đạt 57,14 tạ/ha, sản lượng ước đạt 8.530 nghìn tấn. Toàn vùng cũng đã gieo cấy được 301.600 ha/472.328 ha lúa Thu Đông, chiếm 64% so với kế hoạch.

Tại chợ lẻ, giá gạo thường 11.500 đồng/kg – 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 – 16.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 14.000 đồng/kg; nếp ruột 14.000 – 15.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; Gạo thơm thái hạt dài 18.000 – 19.000 đồng/kg; Gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 20.000 đồng/kg; Cám 7.000 – 8.000 đồng/kg.

Xuất khẩu gạo vẫn sáng sủa trong những tháng cuối năm 2022 

Dù chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như nguy cơ bùng phát trở lại của dịch Covid-19 với biến chủng mới, xung đột Nga - Ukraine, nguy cơ lạm phát từ giá nguyên liệu sản xuất leo thang trên thế giới nhưng xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn đạt được một số kết quả tích cực.

Cụ thể, cơ cấu chủng loại gạo tiếp tục có sự chuyển biến tích cực phù hợp với định hướng chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đã được phê duyệt. Hiện tỷ lệ xuất khẩu gạo trắng ở mức 44,7%, gạo thơm các loại khoảng 33,4%. Việt Nam tiếp tục xuất khẩu gạo hữu cơ và gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng tuy với tỷ trọng nhỏ nhưng đã làm đa dạng chủng loại gạo xuất khẩu và khẳng định được giá trị mặt hàng gạo xuất khẩu.

Việt Nam đã xuất khẩu gần 4,2 triệu tấn gạo, cao kỷ lục - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp xuất khẩu đều nhận định rằng, nhu cầu thị trường gạo trong những tháng cuối năm vẫn tốt.

Các doanh nghiệp xuất khẩu đều nhận định rằng, nhu cầu thị trường gạo trong những tháng cuối năm vẫn tốt. Thêm vào đó, giá xuất khẩu sẽ tiếp tục giữ vững ở mức cao do ảnh hưởng xung đột Nga-Ukraine.

Tuy vậy, doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn cần theo dõi thông tin biến động của thị trường tại Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ… để có chiến lược phù hợp. Ngoài ra, tại một số thị trường khác thuộc EU, dù hiện nay lượng gạo xuất khẩu chưa nhiều nhưng lại có yêu cầu rất cao về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và doanh nghiệp cần lưu ý để tránh ảnh hưởng tới uy tín chung của gạo Việt tại những quốc gia này.

7 tháng đầu năm 2022 mặc dù xuất khẩu gạo về cơ bản ổn định và vẫn tăng trưởng cao song cũng đã bộc lộ một số yếu tố khó khăn tiềm ẩn liên quan đến giá cước vận tải biển cao, giá cả đầu vào sản xuất lúa gạo cao cũng như tình hình xung đột chính trị trên thế giới tác động đến giá các mặt hàng lương thực khác. Do vậy, để đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT đã và đang theo sát tình hình thị trường, nhằm đưa ra những khuyến nghị cần thiết.

Cùng với đó, các Bộ ngành đề nghị, Hiệp hội lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần tiếp tục đảm bảo việc thu mua lúa gạo cho nông dân, không để lúa gạo tắc đầu ra sau thu hoạch. Đặc biệt, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng gạo, đảm bảo các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc để tận dụng tối đa ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do.

Giới chuyên gia nhận định, nhu cầu khả quan của thị trường tiêu thụ gạo truyền thống, cùng với kỳ vọng tăng nhập khẩu để đảm bảo tiêu dùng và dự trữ quốc gia của các nước sau thời gian dịch bệnh, căng thẳng địa chính trị trên thế giới sẽ thúc đẩy sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo Việt Nam trong thời gian tới.

Đáng chú ý, Việt Nam đang được hưởng lợi xuất khẩu gạo từ các Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) khi tăng xuất khẩu vào thị trường Australia và Singapore.

Ngoài ra, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU cho phép Việt Nam được miễn thuế với hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm; trong đó, 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm; đồng thời, tự do hoàn toàn đối với gạo tấm.

Trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), việc xuất khẩu gạo của Việt Nam được hỗ trợ thông qua đẩy mạnh thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu đạt quy chuẩn xuất khẩu, được cấp mã số vùng trồng và gắn với doanh nghiệp tiêu thụ, như 50.000 ha lúa tại An Giang và Kiên Giang.

Cùng lúc, giá lương thực và xu thế bảo hộ thương mại khi căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine tăng lên nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia này, khiến nhiều nước đã tăng nhập khẩu các mặt hàng lương thực thay thế như gạo. Trên cơ sở này, các doanh nghiệp gạo có thêm cơ hội trúng nhiều gói thầu với giá trị cao trong thời gian tới.

Dự kiến, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 đạt từ 6,3 - 6,5 triệu tấn, cao hơn 100.000 - 200.000 tấn so với năm trước.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục