Việt Nam lần đầu tiên mua gạo của Ấn Độ, Cục trưởng Cục Trồng trọt nói: Việt Nam vẫn thừa lương thực

Khánh Nguyên Thứ tư, ngày 06/01/2021 19:28 PM (GMT+7)
Liên quan đến thông tin Việt Nam lần đầu tiên mua gạo của Ấn Độ, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) khẳng định, có việc này nhưng gạo nhập từ Ấn Độ 100% là tấm và phục vụ chế biến.
Bình luận 0

Trao đổi với Dân Việt chiều 6/1 liên quan đến việc Việt Nam lần đầu tiên mua gạo của Ấn Độ, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt khẳng định, điều này là hoàn toàn bình thường trong hoạt động kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. 

"Việc Việt Nam lần đầu tiên mua gạo từ Ấn Độ không có nghĩa Việt Nam đang thiếu hụt nguồn cung lương thực nên phải nhập khẩu" - ông Cường khẳng định.

Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt, đến thời điểm này, Việt Nam vẫn đang dư thừa lương thực, đủ sức phục vụ nhu cầu sinh hoạt, chế biến của 100 triệu dân và chủ động cung ứng đủ lượng gạo xuất khẩu.

"Năm 2020, trong bối cảnh khó khăn do thiên tai, nhờ chủ động, linh hoạt trong việc áp dụng, điều chỉnh lịch thời vụ, năng suất lúa tăng đáng kể nên dù diện tích lúa giảm khoảng 190.000ha nhưng sản lượng lương thực vẫn đạt 42,8 triệu tấn thóc, trong khi xuất khẩu chỉ 6,1 triệu tấn, trị giá trên 3 tỷ USD, còn lại là phục vụ nhu cầu ăn uống, chế biến trong nước" - ông Cường nói. 

Ông Cường cho biết thêm, hiện tại, thời vụ sản xuất lúa vẫn diễn biến theo đúng kế hoạch, dự kiến, ngay trong tháng 1/2021 sẽ thu hoạch được 1,2 triệu tấn thóc của vụ đông xuân sớm. 

Việt Nam lần đầu tiên mua gạo của Ấn Độ, Cục trưởng Cục Trồng trọt nói: Việt Nam vẫn thừa lương thực - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt khẳng định, việc Việt Nam lần đầu tiên mua gạo của Ấn Độ là hoàn toàn bình thường, do nhu cầu sản xuất kinh doanh của mỗi doanh nghiệp và gạo tấm Ấn Độ nhập về chỉ phục vụ chế biến.

"Qua nắm thông tin tôi được biết chúng ta nhập khoảng 70.000 tấn gạo từ Ấn Độ nhưng 100% là tấm, việc Việt Nam lần đầu tiên mua gạo từ Ấn Độ không phải do chúng ta thiếu lương thực mà là do hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị. Theo tôi được biết, các doanh nghiệp nhập gạo từ Ấn Độ về chế biến thức ăn chăn nuôi, làm bia là chủ yếu, bởi giá gạo của Ấn Độ đang thấp hơn gạo của Việt Nam" - ông Cường nói thêm.

Cũng theo ông Cường, ông đã từng sử dụng gạo tấm của Ấn Độ và nó không phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Việt. 

Trước đó, Reuters thông tin, Việt Nam - quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới lần đầu tiên mua gạo từ đối thủ Ấn Độ sau khi giá gạo tăng cao nhất trong 9 năm qua.

Theo Reuters, các thương nhân Ấn Độ đã ký hợp đồng xuất khẩu 70.000 tấn gạo 100% tấm với các doanh nghiệp Việt Nam cho các lô hàng tháng 1 và tháng 2 với giá khoảng 310 USD/tấn theo phương thức giao hàng tự do (FOB).

"Lần đầu tiên chúng tôi xuất khẩu sang Việt Nam", B.V. Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo, nói với Reuters - "Giá gạo của Ấn Độ rất hấp dẫn. Sự chênh lệch giá quá lớn đang khiến việc xuất khẩu trở nên khả thi".

Hiện, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán khoảng 500- 505 USD/tấn, cao hơn đáng kể so với giá gạo của Ấn Độ 381- 387 USD/tấn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem