Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt từ 44 thị trường

07/06/2022 06:46 GMT+7
Việt Nam đang nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 44 thị trường trên thế giới. Trong đó, Ấn Độ là thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam...

Việt Nam đang nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 44 thị trường trên thế giới

Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 182,7 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 407,47 triệu USD, giảm 22,6% về lượng và giảm 12,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 44 thị trường trên thế giới. Trong đó, Ấn Độ là thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam, chiếm 28,5% tổng lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu của cả nước, với 52,11 nghìn tấn, trị giá 159,7 triệu USD, tăng 14,3% về lượng và tăng 9,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 44 thị trường  - Ảnh 1.

Ấn Độ là thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam.

Mặc dù nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2021, nhưng Việt Nam vẫn đẩy mạnh nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt từ một số thị trường như: Ấn Độ, Brazil, Hàn Quốc, Đức, Tây Ban Nha…; trong khi giảm nhập khẩu từ một số thị trường như: Hoa Kỳ, Nga, Canada, Úc… 

Trong 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là các chủng loại như: Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhóm 01.05 tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt trâu tươi đông lạnh; thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh… Trong đó, nhập khẩu thịt gia cầm, thịt lợn và thịt bò giảm so với cùng kỳ năm 2021; trong khi nhập khẩu thịt trâu tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Trong 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 29,6 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, với trị giá 63,6 triệu USD, giảm 39,4% về lượng và giảm 43,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá nhập khẩu trung bình đạt 2,15 USD/kg, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2021. Nhập khẩu thịt lợn liên tục giảm do tiêu thụ thịt lợn trong nước chậm, trong khi sản lượng lợn nuôi liên tục phục hồi. Thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh được nhập khẩu từ 24 thị trường, trong đó chủ yếu được nhập khẩu từ Brazil chiếm 36,9%; Nga chiếm 21,5% và Đức chiếm 16,5%...

Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 44 thị trường  - Ảnh 2.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam.

Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo, Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 2 châu Á về tiêu thụ thịt lợn trong năm 2022. Theo đó, tiêu thụ thịt lợn tại Việt Nam dự báo đạt 3,4 triệu tấn vào năm 2022, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 3,1% trong giai đoạn 2022- 2030.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, sản lượng thịt gia súc và gia cầm trong quý II/2022 đạt khoảng 1.665,1 nghìn tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, sản lượng thịt bò đạt khoảng 110 nghìn tấn, tăng 3,4%; sản lượng thịt trâu đạt khoảng 28,1 nghìn tấn, tăng 2,6%; sản lượng thịt lợn đạt khoảng 1.051 nghìn tấn, tăng 4,7%; sản lượng thịt gia cầm đạt khoảng 476 nghìn tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2021. 

Về tiêu thụ, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trong quý II/2022 dự báo vẫn chậm.



Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục