Việt Nam trở thành nước xuất khẩu lớn thứ 7 vào Mỹ

09/10/2019 08:26 GMT+7
Theo trang Bloomberg, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ tăng 34%, tương đương 10,9 tỉ USD, trở thành nước xuất khẩu lớn thứ 7 vào thị trường của nền kinh tế đứng đầu thế giới.

Theo trang Bloomberg (Mỹ), nền kinh tế của Việt Nam phát triển nhanh chóng trong quý III nhờ tăng trưởng mạnh trong xuất khẩu và sản xuất. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng 8,2% trong 9 tháng đầu năm 2019 so với một năm trước đó trong khi nhập khẩu tăng 8,9%.

Trong khi đó, theo Cơ quan Thống kê Dân số Mỹ, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Trung Quốc sang Mỹ giảm 12,5% tính đến tháng 8 so với cùng kỳ năm trước đó, trong khi kim ngạch nhập khẩu từ Mexico, quốc gia xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 2 vào Mỹ, tăng mạnh nhất.

Việt Nam trở thành nước xuất khẩu lớn thứ 7 vào Mỹ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Dữ liệu cho thấy cuộc chiến thương mại không ngừng leo thang giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đang mở ra cơ hội cho các nhà xuất khẩu khác. Trung Quốc hiện vẫn là nguồn cung cấp hàng nhập khẩu chính của Mỹ nhưng Mexico đang dần rút ngắn khoảng cách với nền kinh tế thứ hai thế giới trong cuộc cạnh tranh xuất khẩu sang Mỹ. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc của Mỹ đã giảm 43,25 tỉ USD so với cùng kỳ năm 2018, trong khi kim ngạch nhập khẩu từ Mexico tăng 5,5%, tương đương 12,4 tỉ USD.

Các nhà kinh tế thuộc Công ty Phân tích Moody's Analytics (Mỹ) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vào khoảng 6,7% trong năm 2019 nhờ sự chuyển đổi thành trung tâm sản xuất toàn cầu. Báo cáo của Moody's Analytics nhận định sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không có dấu hiệu cho thấy sẽ chậm lại khi tăng trưởng GDP vượt 6% trong gần một thập kỷ, đây được xem là đột phá chỉ một số ít thị trường mới nổi đạt được.

Theo báo cáo của kinh tế gia trưởng về châu Á - Thái Bình Dương Steven Cochrane và nhà kinh tế Steven Shields, sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam tiếp tục mở rộng và lần đầu tiên trong gần 3 thập kỷ mức tăng trưởng GDP của Việt Nam vượt GDP của Trung Quốc hồi năm ngoái. Báo cáo cũng nhấn mạnh ngành công nghiệp sản xuất và chế biến của Việt Nam là lĩnh vực nhận được nhiều đầu tư nhất. Việt Nam đã thu hút 22,6 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tính đến tháng 7 năm nay.

Hồi tháng 5/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng từng nhắc đến việc các nhà sản xuất có thể chọn Việt Nam là điểm đến sau khi rời Trung Quốc. Trước ông Trump, từ cách đây một năm, nhiều đơn vị phân tích đã nhắc đến viễn cảnh này khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới xung đột về thương mại. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đánh giá, có dấu hiệu cho thấy Việt Nam có thể hưởng lợi dưới tác động của cuộc căng thẳng thương mại từ việc dòng thương mại chuyển hướng ra khỏi Trung Quốc.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra từ tháng 7/2018 với việc Mỹ áp thuế nhập khẩu lên 34 tỷ USD hàng Trung Quốc, cáo buộc nước này vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và có các hoạt động thương mại không công bằng. Qua nhiều vòng, Mỹ đã áp thuế lên tổng cộng 250 tỷ USD hàng Trung Quốc và Trung Quốc trả đũa với 110 tỷ USD.

Đầu tháng 5/2019, sau một thời gian hai bên "đình chiến" và đi đến đàm phán, Mỹ đột ngột nâng thuế với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc vì cho rằng Bắc Kinh đã thay đổi các cam kết. Sau đó, Trung Quốc cũng trả đũa bằng việc nâng thuế với phần lớn trong nhóm 60 tỷ USD hàng Mỹ đã chịu thuế từ năm ngoái. Căng thẳng hiện tiếp tục lên cao khi Mỹ đưa Huawei vào danh sách "đen", cấm mua các bộ phận và linh kiện từ Mỹ.


An Vũ (t/h)
Cùng chuyên mục