"Ông lớn" đầu tiên điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm trong tháng 6

27/06/2024 16:41 GMT+7
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank, HoSE: CTG) vừa có động thái tăng lãi suất huy động đối với khách hàng gửi tiền online. Đây là ông lớn duy nhất điều chỉnh tăng lãi suất trong tháng 6 này.

Cụ thể, VietinBank điều chỉnh tăng 0,3% ở các kỳ hạn dưới 11 tháng. Theo đó, ở kỳ hạn dưới 3 tháng, VietinBank điều chỉnh tăng từ 1,7% lên 2%/năm. Kỳ hạn từ 3 đến 5 tháng lên 2,3%/năm và kỳ hạn 6 đến 11 tháng lên 3,3%/năm.

Đối với kỳ hạn 24 đến 36 tháng, Vietinbank điều chỉnh tăng lãi suất thêm 0,2%/năm lên 5%/năm. Trong khi đó tại kỳ hạn 12 đến 18 tháng, ngân hàng này vẫn giữ nguyên lãi suất ở mức 4,7%/năm.

Được biết, đây là "ông lớn" duy nhất trong nhóm Big4 có động thái tăng lãi suất huy động trong tháng 6 này.

VietinBank giữ nguyên biểu lãi suất tiết kiệm tại quầy, cụ thể: kỳ hạn dưới 3 tháng là 1,7%/năm. Lãi suất kỳ hạn từ 3 đến 5 tháng là 2%/năm; 6 đến dưới 12 tháng là 3%/năm; 12 đến dưới 24 là 4,7%/năm và từ 24 tháng trở lên là 4,8%/năm.

VietinBank điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm trong tháng 6- Ảnh 1.

Biểu lãi suất tiết kiệm tại VietinBank

VietinBank điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm trong tháng 6- Ảnh 2.

Biểu lãi suất tiết kiệm online tại BIDV

Trước đó, vào hồi giữa tháng 5/2024, BIDV có thông báo điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm online từ 0,1-0,3% tuỳ từng kỳ hạn. 

Hiện tại, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1-2 tháng tăng lên 2%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng tăng lên 2,3%/năm; kỳ hạn 6-11 tháng tăng lên 3,3%/năm; kỳ hạn 24-36 tháng tăng lên 4,8%/năm - đây cũng là mức lãi suất cao nhất tại BIDV.

Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12-18 tháng giữ nguyên ở mức 4,7%/năm.

Trên thị trường, Big4 đang là nhóm ngân hàng trả lãi suất tiết kiệm ở mức thấp. Trong khi đó, nhiều ngân hàng tư nhân đã điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm liên tục kể từ hồi đầu tháng 4 tới nay. Thống kê từ đầu tháng 6 đến nay đã có 23 ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động, trong đó nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động 2 - 3 lần từ đầu tháng 6 như: GPBank, VIB, MB, BaoViet Bank, OceanBank, NCB, TPBank, PGBank, LPBank, OCB, Eximbank và ABBank.

Phương Thảo
Cùng chuyên mục