Vietnam Airlines khẳng định tiếp tục triển khai mạnh mẽ Đề án tái cơ cấu để phục hồi năng lực tài chính
Dù ghi nhận tăng trưởng hơn năm 2021, nhưng doanh thu này vẫn chưa thể giúp Vietnam Airlines thoát lỗ. Một trong những nguyên nhân chủ yếu đó là thị trường quốc tế hồi phục chậm, đặc biệt thị trường Trung Quốc mở cửa dè dặt hơn dự kiến.
Cụ thể, Vietnam Airlines lỗ hơn 11.223 tỷ đồng trong năm 2022, cao hơn so với số lỗ 10.400 tỷ đồng theo báo cáo tự lập được công bố từ hồi đầu năm 2023.
Trong năm 2021, hãng này lỗ 13.279 tỷ đồng; Trong năm 2020, Vietnam Airlines lỗ 11.178 tỷ đồng.
Như vậy, trong 3 năm liên tiếp 2020-2022, Vietnam Airlines lỗ tổng cộng 35.680 tỷ đồng. Tính tới cuối năm 2022, Vietnam Airlines âm vốn chủ sở hữu 11.056 tỷ đồng.
Nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục âm, HVN sẽ bị hủy niêm yết do lỗ 3 năm liên tiếp
Trên sàn HOSE, cổ phiếu HVN nằm trong diện hạn chế giao dịch và gần đây tiếp tục trong danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ.
Trong quý III/2023, theo báo cáo tự lập, Vietnam Airlines lỗ 2.203 tỷ đồng giảm lỗ so với mức lỗ 2.546 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Vietnam Airlines lỗ 3.535 tỷ đồng, so với mức lỗ hơn 7.784 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Lý giải về hoạt động khó khăn, lãnh đạo Vietnam Airlines chỉ ra nhiều nguyên nhân về tình trạng thừa tải và giá vé máy bay bình quân thấp tại thị trường nội địa.
Cùng với đó, còn có nguyên nhân do giá nhiên liệu tăng cao, mức giá vé trần nội địa chưa được điều chỉnh, các hãng hàng không chưa được phụ thu nhiên liệu trên các chặng bay nội địa, phụ thu xăng dầu trên mạng đường bay quốc tế mới chỉ bù đắp được một phần nhỏ chi phí so với chi phí nhiên liệu tăng cao; lãi suất, tỷ giá và nhiều yếu tố đầu vào khác cũng diễn biến bất lợi.
Lãnh đạo Vietnam Airlines lấy dẫn chứng: Giá nhiên liệu bay bình quân năm 2022 là 124,4 USD/thùng, cao hơn 14,1 USD/thùng so với kế hoạch và khiến chi phí nhiên liệu năm 2022 tăng do giá khoảng 2.482 tỷ đồng. So với năm 2019, chi phí nhiên liệu tăng do giá khoảng 7.625 tỷ đồng.
Chênh lệch chi - thu tỷ giá đưa vào kết quả kinh doanh năm 2022 là 1.269 tỷ đồng, tăng 666 tỷ đồng so với kế hoạch. Trong đó, chi phí chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản công nợ ngoại tệ cuối kỳ trong năm 2022 là 804 tỷ đồng.
Lãnh đạo Vietnam Airlines khẳng định: "Kết quả kinh doanh năm 2022 của Vietnam Airlines vẫn chưa thể cải thiện tương ứng với tốc độ tăng trưởng của sản lượng hành khách".
Vietnam Airlines đặt mục tiêu tiếp tục triển khai mạnh mẽ Đề án tái cơ cấu để phục hồi năng lực tài chính và phát triển mạnh mẽ sau đại dịch và cần thời gian nhiều năm để khắc phục những hậu quả nghiêm trọng do Covid-19 gây ra.
Tại Đề án tái cơ cấu và Đề án tổng thể hỗ trợ tháo gỡ khó khăn do dịch Covid-19, Vietnam Airlines đã xây dựng đồng bộ các giải pháp, bao gồm Tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu tài sản, tái cơ cấu các khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, tái cơ cấu nguồn vốn để dần khắc phục lỗ lũy kế và khôi phục trạng thái tài chính lành mạnh.
Theo đó các giải pháp hướng đến mục tiêu cân đối được thu chi kinh doanh từ năm 2024, khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu trước năm 2025 và giảm dẫn, tiến tới xóa hết lỗ lũy kế trong các năm tiếp theo.