Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã thâu tóm thị trường bán lẻ như thế nào?

11/09/2019 13:30 GMT+7
Thời điểm hơn mười năm trước, theo đánh giá của các chuyên gia, không ai có thể nghĩ Việt Nam có ngành công nghiệp bán lẻ. Những năm trở lại đây, mặc dù các tập đoàn bán lẻ ngoại đầu tư ồ ạt, tham vọng chiếm lĩnh thị trường Việt nhưng thực tế cho thấy, các doanh nghiệp (DN) trong nước đang là người làm chủ cuộc chơi.

Những thương vụ thâu tóm bạc tỉ thay đổi diện mạo thị trường bán lẻ

Đầu tháng 10.2014, ngay khi Vingroup vừa bắt đầu bước chân vào hệ thống bán lẻ Việt Nam đã thực hiện một thương vụ đình đám với giá trị lên tới 570 tỷ đồng. Cụ thể, Vingroup đã mua lại 70% cổ phần của CTCP Bán lẻ và Quản lý Bất động sản Đại Dương – Ocean Retail, DN quản lý hệ thống siêu thị Ocean Mart và Ocean Mart Express. Sau đó, Vingroup đã đổi tên DN này CTCP Siêu thị VinMart và ra mắt hệ thống siêu thị mới mang tên VinMart và VinMart+.


Vingroup tiếp tục tiến sâu hơn vào thị trường bán lẻ với các ngành hàng khác nhau như điện máy, may mặc, thương mại điện tử. Với ngành hàng điện máy, Vin group ra mắt 2 mô hình VinPro và VinPro+, theo đó, VinPro là các Trung tâm Công nghệ điện máy trong các trung tâm thương mại thuộc hệ thống Vincom còn VinPro+ là chuỗi cửa hàng công nghệ tại các tỉnh, thành phố lớn.


Đối với lĩnh vực thương mại điện tử, tháng 02.2014, Vingroup thành lập cty VinE-com lập với vốn điều lệ lên tới 1.050 tỷ đồng, trong đó tập đoàn góp 70%. Sau đó, ngày 10.04.2014, Cty CP siêu thị VinMart thuộc Tập đoàn Vingroup đã chính thức ký kết hợp đồng mua lại 100% vốn sở hữu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam - Vinatex - trong Công ty TNHH MTV Thương mại và Thời trang Việt Nam – Vinatexmart.

Vingroup đang dần "phủ đỏ" hệ thống bán lẻ trên cả nước.

Đến nay, Vingroup đã dần “phủ đỏ” hệ thống bán lẻ trong nước với những thương vụ M&A (sáp nhập và mua lại – PV) đình đám như chi hơn 1.000 tỷ đồng mua lại CTCP Đầu tư Nhất Nam – DN sở hữu hệ thống siêu thị Fivimart. Mua lại chuỗi bán điện thoại Viễn Thông A với giá 39 tỷ đồng và 87 cửa hàng Shop&Go với giá 1 USD.


Vừa qua, sau khi hoàn tất thương vụ thâu tóm Queenland Mart vào hệ thống, với 8 siêu thị Queenland Mart ở TP.HCM sáp nhập vào hệ thống VinMart và VinMart+. Quy mô của hệ thống siêu thị VinMart sẽ đạt 120 siêu thị trên cả nước, riêng tại thị trường miền Nam là 52 siêu thị.


Động thái Nam tiến mạnh mẽ của nhà bán lẻ nội này cho thấy vị thế số 1 về độ phủ điểm bán tại Việt Nam của hệ thống VinMart và VinMart+. Việc liên tục mở rộng, thay đổi cách thức kinh doanh, tiếp cận khách hàng, Vingroup đang “vẽ” lại bức tranh bán lẻ, thay đổi thói quen của người tiêu dùng.


Ông Đỗ Văn Thuận, 63 tuổi (Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, đối với những người lớn tuổi, việc mua sắm thực phẩm, đồ dùng gia đình chỉ quen mua tại các chợ, kênh phân phối truyền thống.


Nguyên nhân là do lúc trước, các cửa hàng tiện lợi chưa nhiều, nhu cầu mua sắm của người dân đôi khi rất nhỏ nên ngại vào cửa hàng. Hiện nay, khi cả chục cửa hàng Vinmart+ vây quanh một chợ truyền thống, tối ưu hóa việc mua sắm, đa dạng phương thức, ngay cả đối với những người lớn tuổi, thói quen cũng thay đổi.


“Lúc trước, các cửa hàng bán lẻ chưa có nhiều, tôi vẫn nghĩ khi nào có thời gian, mua nhiều đồ mới đi siêu thị. Còn mua các thực phẩm như rau, thịt, cá… phục vụ cho bữa ăn hàng ngày thì chỉ ra các chợ cóc gần nhà cho tiện.


Hiện nay, ngay trên khu phố này đã có tới 3,4 cửa hàng Vinmart, chúng tôi không phải đi xa, có nhiều mặt hàng đa dạng, được bảo quản cẩn thận nên người dân cũng thích mua hơn. Ngoài ra, tại các địa điểm này, chúng tôi cũng có thể thanh toán tiền điện, nước, internet… rất tiện lợi, nên bây giờ, nhiều khi mua một gói tăm tôi cũng vào “siêu thị”. Ông Thuận chia sẻ.


Không chỉ ông Thuận, bà Thu Hương, một người sống tại khu vực chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP HCM) cũng bắt đầu có thói quen mua sắm cùng lúc tại chợ truyền thống và cửa hàng của Vingroup.

Bà Hương cho biết: “Tôi thường mua thịt cá tại quầy thịt gia súc, gia cầm, thuỷ sản của chợ. Sau đó, chỉ cần đi bộ thêm chưa đầy 100 m nữa là đến cửa hàng tiện lợi Vinmart+ nằm cuối đường Bùi Hữu Nghĩa, hướng về khu vực chợ Bà Chiểu để mua nước mắm, nước tương và một số mặt hàng tiêu dùng khác.


Hiện tôi có nhiều lựa chọn hơn, bởi bên kia đường Lê Quang Định vừa cùng lúc có 2-3 cửa hàng tiện lợi Vinmart+ mở cách đây không lâu. Nghĩa là giờ dù đi hướng nào tôi cũng có thể đụng cửa hàng và vào mua ngay".

Nhu cầu thị trường vẫn thiếu, các ông lớn ngành bán lẻ chưa thể dừng lại


Theo thông tin từ VinCommerce, thành viên của Tập đoàn Vingroup, sở hữu hệ thống VinMart, VinMart+, VinPro… cho biết, kế hoạch mở rộng thị trường của tập đoàn là mở 200 siêu thị VinMart và 4.000 cửa hàng VinMart+ vào năm 2020.


Tuy Vingroup đã và đang sở hữu được hệ thống quy mô, dần thay đổi thói quen của người tiêu dùng, tuy nhiên, thị trường bán lẻ của Việt Nam vẫn được đánh giá chưa đáp ứng đủ.


Thống kê từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cả nước hiện có khoảng 8.660 chợ, 800 siêu thị, 168 trung tâm thương mại và hơn 1 triệu cửa hàng quy mô hộ gia đình.


Tuy nhiên, các kênh bán lẻ hiện đại mới đáp ứng được 25% nhu cầu của người dân, 75% còn lại vẫn phụ thuộc vào kênh phân phối truyền thống. Dự báo, đến năm 2020, thị phần kênh bán lẻ hiện đại sẽ tăng lên và đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu dùng.

VinCommerce, thành viên của Tập đoàn Vingroup dẫn đầu BXH Top 10 Công ty bán lẻ uy tín năm 2018 - Nhóm hàng tiêu dùng nhanh, siêu thị.

Hiện nay, với các tập đoàn ngoại, thị trường bán lẻ Việt Nam rất hấp dẫn và đầy tiềm năng. Có thể kể đến các thương hiệu như, Aeon với kế hoạch đầu tư 5 tỷ USD để mở 30 trung tâm thương mại quy mô lớn, Central Group (Thái Lan) cho biết sẽ đổ thêm 500 triệu USD để mở 500 điểm bán lẻ tại Việt Nam trong 5 năm tới. Lotte Mart cũng tham vọng đạt 60 siêu thị tại Việt Nam vào năm 2020…


Tuy nhiên, điểm yếu của, các nhà bán lẻ nước ngoài là chưa am hiểu sâu sắc văn hóa, thói quen, thị hiếu tiêu dùng của người Việt Nam nên các DN Việt vẫn có rất nhiều cơ hội phát triển.


Bà Dương Thị Mai Hoa, Tổng Giám đốc tập đoàn Vingroup cho biết: “Thị trường bán lẻ Việt Nam là thị trường mục tiêu hấp dẫn và có tiềm năng lâu dài. Thời gian gần đây, hàng loạt các đơn vị bán lẻ hàng đầu thế giới đã liên tục đầu tư vào Việt Nam với nhiều phương thức kinh doanh bài bản và vốn đầu tư lớn. Tập đoàn Vingroup - với mục tiêu trở thành doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ hàng đầu Việt Nam".


Theo ông Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, với sự cạnh tranh về giá, chất lượng, ưu đãi của các DN bán lẻ trong và ngoài nước, hưởng lợi lớn nhất là người tiêu dùng.


“Chúng ta thấy VinGroup đã hợp tác với 250 doanh nghiệp trong nước để thúc đẩy sản xuất nội địa. Hay chiết khấu bằng 0% cho các nhà cung ứng thực phẩm tươi sống. Điều này chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho nhiều bên và cả người tiêu dùng”, ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.

 

Thanh Phong
Tags:
Cùng chuyên mục