Vingroup đàm phán với Mỹ để chuyển giao công nghệ vaccine Covid-19

26/07/2021 07:31 GMT+7
Dự kiến tháng 8/2021 vaccine có thể bắt đầu thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam. Nhà máy dự kiến có công suất 100 – 200 triệu liều/năm.

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến về việc sản xuất vaccine phòng chống COVID-19 trong nước.

Thủ tướng giao các bộ, cơ quan liên quan cần hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho các đơn vị nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để trình Quốc hội xem xét, quyết định, giải quyết những vấn đề pháp lý đặt ra trong sản xuất công nhận vaccine trong nước.

Vingroup đàm phán với Mỹ để chuyển giao công nghệ vaccine Covid-19 - Ảnh 1.

Hiện tại, nước ta đã có các cam kết, thỏa thuận, hợp đồng và nhận được nhiều nguồn viện trợ của Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Úc, Anh và các nước khác với số lượng trên 130 triệu liều. Ảnh Diệu Bình.

Thông tin tại cuộc họp này, Tập đoàn Vingroup được cho biết là đã tiếp cận đàm phán chuyển giao công nghệ với Công ty Acturus, Mỹ. Dự kiến tháng 8/2021 vaccine có thể bắt đầu thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam. Nhà máy dự kiến có công suất 100 – 200 triệu liều/năm.

Với vaccine Nanocovax do Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen phát triển, dự kiến các kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 sẽ được hoàn thành trong thời gian từ 04/8/2021 đến 19/8/2021.

Bên cạnh đó, CTCP Tiến bộ quốc tế (AIC) và Công ty TNHH MTV vaccine và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) đã ký thỏa thuận với Công ty Shionogi (Nhật Bản), chuẩn bị triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba tại Việt Nam và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine. Có thể đến tháng 6/2022 sẽ hoàn tất các hoạt động và đưa vaccine ra thị trường.

VABIOTECH và Công ty DS-Bio đã ký thỏa thuận với Quỹ đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga về việc đóng ống vaccine Sputnik-V từ bán thành phẩm.

Dự kiến, đến 10/8/2021 sẽ có kết quả kiểm định, sau đó có thể tiến hành đóng ống với quy mô 5 triệu liều/tháng (trong tháng 8/2021 có thể bắt đầu với tối thiểu 500.000 liều), tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô 100 triệu liều/năm.

Hiện tại, nước ta đã có các cam kết, thỏa thuận, hợp đồng và nhận được nhiều nguồn viện trợ của Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Úc, Anh và các nước khác với số lượng trên 130 triệu liều, đang nỗ lực đàm phán ký kết trên 40 triệu liều để nâng tổng số lên 170 triệu liều vào năm nay.

Tong tháng 7/2021, dự kiến có khoảng hơn 12 triệu liều sẽ được chuyển cho các địa phương đang có dịch và các địa phương khác để tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ.





PV
Cùng chuyên mục