Vì sao Anh bất ngờ muốn "lật kèo", đàm phán lại thỏa thuận ly khai EU?

25/07/2021 16:21 GMT+7
7 tháng sau khi hết lời ca ngợi thỏa thuận thương mại Brexit, Thủ tướng Anh Boris Johnson giờ đây đang nỗ lực thay đổi thỏa thuận đã ký với Liên minh châu Âu EU.

Theo các chuyên gia quan sát, việc Anh cố gắng đàm phán lại thỏa thuận thương mại hậu Brexit sẽ làm suy giảm uy tín quốc tế của nước này với tư cách một đối tác thương mại đáng tin cậy mà chính phủ Thủ tướng Boris Johnson cố gắng xây dựng suốt thời gian qua.

Theo chuyên gia phân tích L. Alan Winters tại Viện quan sát Chính sách Thương mại Vương quốc Anh tại Đại học Sussex, các quốc gia ngoài khối EU sẽ quan sát và thận trọng khi giao dịch với Anh sau động thái này. “Điều đó đặt ra câu hỏi về mức độ tin cậy của chính phủ Anh”. Tất nhiên, nó không đặt dấu chấm hết cho việc Anh xác lập các liên minh thương mại trong tương lai, nhưng nó có thể làm suy yếu vị thế đàm phán của Anh quốc.

Vì sao Anh bất ngờ muốn "lật kèo", đàm phán lại thỏa thuận ly khai EU? - Ảnh 1.

Thủ tướng Anh Boris Johnson muốn đàm phán lại Nghị định thư Bắc Ireland - một phần trong thỏa thuận ly khai EU (Ảnh: CNN)

Simon Usherwood, giáo sư chính trị và nghiên cứu quốc tế tại Viện Đại học Mở ở Anh cũng đồng tình với quan điểm này, rằng các đối tác tiềm năng như New Zealand hay các nước châu Á Thái Bình Dương có thể tìm đến cách giải quyết tranh chấp mạnh mẽ hơn trong trường hợp Anh cố gắng rút lui khỏi thỏa thuận. “Vương quốc Anh đang ở trong một tình thế ngặt nghèo” - ông này nhấn mạnh.

Cách tiếp cận của chính phủ Anh đã làm gia tăng căng thẳng quan hệ song phương với EU - hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Anh.

Trọng tâm mâu thuẫn xoay quanh Nghị định thư Bắc Ireland. Nghị định thư này được đưa vào thỏa thuận Brexit nhằm tránh thiết lập đường biên giới "cứng" giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland bằng cách để Bắc Ireland vẫn là một phần của thị trường chung EU. Theo thỏa thuận Brexit, hàng hóa từ lục địa Anh sang Bắc Ireland sẽ phải trải qua quy trình kiểm tra hải quan để đảm bảo đáp ứng đúng các tiêu chuẩn của thị trường chung châu Âu trước khi hàng hóa được vận chuyển vào EU.

Tuy nhiên, những quy trình hải quan này đang tạo ra sự hỗn loạn lớn, khiến doanh nghiệp phải chịu nhiều chi phí gia tăng và đe dọa phá vỡ chuỗi cung ứng liền mạch trước đó. Theo chính phủ Anh, ít nhất 200 doanh nghiệp ở Anh đã ngừng cung ứng cho Bắc Ireland hậu Brexit. 

Hôm thứ Năm, Hiệp hội các nhà sản xuất thuốc generic của Anh, một cơ quan thương mại dành cho các nhà sản xuất thuốc generic, cho biết các quy tắc thương mại mới đã buộc các công ty của họ phải thông báo rút hơn 2.000 loại thuốc khỏi thị trường Bắc Ireland.

Chính phủ Anh hiện muốn đàm phán lại nghị định thư này, nhưng các quan chức EU cho biết khó có thể chấp nhận những đề xuất như vậy. 

Không ngoài dự đoán, Ủy ban châu Âu đã lập tức từ chối lời kêu gọi đàm phán lại hiệp định thương mại hậu Brexit của Vương quốc Anh. "Chúng tôi sẽ không đồng ý đàm phán lại Nghị định thư", Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Maroš Šefčovič cho biết trong một tuyên bố giữa tuần này. “Việc tôn trọng các nghĩa vụ pháp lý quốc tế là điều tối quan trọng” - ông này nói thêm.

Brexit đã làm tăng đáng kể chi phí xuất khẩu của các doanh nghiệp Anh, làm gián đoạn dòng chảy thương mại với thị trường quan trọng nhất của Anh và gây hệ lụy lớn đến nền kinh tế trong thời gian dài. Nhưng nếu không tuân thủ hiệp định đã ký kết với EU, vương quốc Anh sẽ gặp khó khăn lớn trong việc đàm phán các điều khoản có lợi với các quốc gia khác bao gồm cả Mỹ.


NTTD
Cùng chuyên mục