VTVCab: Lợi nhuận lao dốc, cổ phiếu zombie
Lợi nhuận lao dốc
Công ty cổ phần Tổng công ty truyền hình cáp Việt Nam (VTVCab) là ông lớn ngành truyền hình. Xét về mức độ phổ biến, có lẽ VTVCab chỉ đứng sau VTV. Thế nhưng, 2019 có vẻ không phải là may mắn của VTVCab, đặc biệt là trong quý 3/2019.
VTVCab vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2019 với nhiều chỉ tiêu kém tích cực. Lợi nhuận sau thuế quý 3/2019 chỉ đạt 5,9 tỷ đồng, giảm 6,7 tỷ đồng, tương đương 53,2% so với quý 3/2018, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 20,2 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận VTVCab sụt giảm chính là lợi nhuận đi xuống nhưng chi phí lãi vay vẫn ở mức cao ngất ngưởng. Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 3/2019 của VTVCab chỉ đạt 533,3 tỷ đồng, giảm 38,3 tỷ đồng, tương đương 6,7% so với quý 3/2019, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 1.607 tỷ đồng.
Doanh thu sụt giảm nên bấp chấp VTVCab cố gắng cắt giảm các khoản mục chi phí, lợi nhuận của công ty vẫn đi lùi. Cụ thể, trong quý 3/2013, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng giảm từ 71,3 tỷ đồng và 51,4 tỷ đồng xuống chỉ còn 67,8 tỷ đồng và 44,7 tỷ đồng.
Một chi phí quan trọng khác không thể không nhắc tới là chi phí lãi vay. Mặc dù trong kỳ chỉ tiêu này sụt giảm từ 18,6 tỷ đồng xuống 14,5 tỷ đồng nhưng đây vẫn là áp lực không hề nhỏ của VTVCab. Chỉ tiêu này thường xuyên cao hơn lợi nhuận mà công ty này đạt được.
Chi phí lãi vay cao ngất ngưởng đến từ nợ phải trả khổng lồ. Tại thời điểm cuối quý 3/2019, nợ phải trả của VTVCab lên tới 1.528,7 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu.
Cổ phiếu zombie
Nhưng khoản lợi nhuận lao dốc chưa phải điểm đáng chú ý nhất của VTVCab. Điều VTVCab khiến giới đầu tư "sốc" chính là việc cổ phiếu CAB của VTVCab vô tình mở ra trào lưu "cổ phiếu zombie" – loại cổ phiếu "xác sống".
Từ ngày 6/9/2019, CAB gây bất ngờ khi chào sàn UpCOM với mức giá cao ngất ngưởng lên đến 140.900 đồng/CP. Với mức giá này, CAB lọt vào "câu lạc bộ cổ phiếu có thị giá lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam". Và cũng ở mức giá này, vốn hóa thị trường của VTVCab lên đến 6.447 tỷ đồng.
Chào sàn với mức giá này, CAB được đánh giá là rất cao. Trong ngày 6/9, một bất ngờ đã xảy ra. Bất ngờ ở đây không phải là CAB giảm sàn hay tăng trần mà là… bất động. Cổ phiếu "đại gia" này không có bất cứ giao dịch này vì thế mức giá không hề thay đổi.
Nhưng chưa dừng lại ở đó, CAB không chỉ bất động trong phiên chào sàn hay một vài phiên mà "zombie" trong suốt lịch sử "lên sàn" của mình. Tính tới ngày 13/1, CAB đã trải qua 91 phiên giao dịch, thế nhưng, vẫn chưa có giao dịch nào được thực hiện thành công. CAB vẫn bất động trong suốt nhiều tháng liền.
Không ngạc nhiên khi CAB trở thành "cổ phiếu zombie". Thứ nhất, do mức giá 140.900 đồng/CP được coi là quá cao. Thứ hai, CAB có độ "cô đặc" quá lớn. Có tới 98,55% vốn VTVCab thuộc về Đài truyền hình Việt Nam. Khoảng 1,5% thuộc về người lao động. Cổ phiếu trôi nổi là rất rất thấp nên CAB rơi vào trạng thái "ngủ đông".
Đấu giá ế ẩm
VTVCab khiến nhiều người bất ngờ khi ấn định giá chào sàn cho CAB là 140.900 đồng/CP. Đây là mức giá quá cao, hơn nữa, CAB cũng đã từng ế ẩm vì mức giá "trên trời" này.
Hồi tháng 4/2018, VTVCab dự kiến đấu giá là 42,29 triệu cổ phiếu cổ phần, tương đương 47,8% vốn điều lệ sau cổ phần hóa. VTVCab gây sốc cho giới đầu tư khi quyết định giá khởi điểm lên đến 140.900 đồng/CP, cao gấp hơn 14 lần mệnh giá.
Thế nhưng, vào ngày 12/4/2018, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, phiên đấu giá bản cổ phần của VTVCab vào ngày 17/04 sẽ không được tổ chức.
Nguyên nhân là do hết thời hạn đăng ký và đặt cọc (15h30 ngày 10/4/2018) chỉ có một nhà đầu tư đăng ký tham dự đấu giá. Theo quy định tại Điều 15 Quy chế bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của VTVCab, cuộc đấu giá không đủ điều kiện để tổ chức.