Vụ án cô Lê Thị Dung: Tòa Phúc thẩm nên thấu tình đạt lý

Hoàng Hải Vân Thứ sáu, ngày 05/05/2023 14:30 PM (GMT+7)
Luật pháp và tất cả các quy định của nhà nước ra đời là vì con người. Toà án vận dụng luật pháp cũng trên cơ sở lòng khoan dung, hành vi nào không gây hại cho người khác và không gây hại cho xã hội thì không nên cứng nhắc coi thân phận con người như cỏ rác.
Bình luận 0

Bị cơ quan điều tra cho rằng cô Dung đã gây thiệt hại cho nhà nước 45 triệu đồng trong 10 năm, nên Toà án nhân dân huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) kết án sơ thẩm cô Dung 5 năm tù giam về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Cô Lê Thị Dung "phạm tội" khi làm Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên của huyện này.

Cô Lê Thị Dung đã kháng cáo kêu oan, cho rằng mình không phạm tội. Theo cô Dung thì quy chế chi tiêu nội bộ đã được báo cáo lên các cấp có thẩm quyền, việc chi tiêu là minh bạch, là không sai luật pháp. Nhưng cơ quan tố tụng lại viện dẫn những quy định cho rằng việc chi tiêu nói trên là sai và dùng những từ đao to báo lớn nói cô Dung lợi dụng chức vụ quyền hạn để "trục lợi".

Nếu coi cô Dung lợi dụng chức vụ quyền hạn để "trục lợi" thì cô đã "trục lợi" được bao nhiêu? 10 năm "trục lợi" được 45 triệu thì mỗi tháng cô "trục lợi" được 375 ngàn, mỗi ngày cô "trục lợi" được khoảng 12 ngàn. Nhưng khoản tiền đó cùng một số khoản khác chỉ là những khoản chi bồi dưỡng thêm cho giáo viên và nhân viên của trung tâm, trong đó có bản thân cô. Nó có thể không đúng với quy định này hay quy định kia của ngành, nhưng viện dẫn vào đó để đưa một công chức vào tù thì thật là bất nhẫn.

Đây là một trong những bản án bị dư luận phản đối mạnh mẽ nhất từ trước tới nay. Trên mạng xã hội, nhiều người bức xúc so sánh sự "thất thoát" tài sản mà cô Dung gây ra so với những cán bộ làm thất thoát gấp trăm gấp ngàn lần nhưng mức án còn thấp hơn nhiều, rằng những người kia phải bị xử 100 năm 1000 năm tù mới công bằng, vân vân.  

Trên các báo chính thống, hầu hết các báo đều cho rằng mức án quá nặng, nhiều luật sư đưa ra các điều khoản này điều khoản kia để đề nghị toà phúc thẩm xử đúng người đúng tội đúng pháp phật theo hướng giảm nhẹ hình phạt.

Nhưng theo tôi nghĩ, nếu căn cứ vào hồ sơ vụ án, đối chiếu với các điều khoản luật pháp và các quy định liên quan của ngành và thực tế của các khoản tiền gọi là chi sai, gọi là "trục lợi" thì sai phạm, nếu có, của cô Dung, cũng không đến mức phải xử lý hình sự.

Luật pháp và tất cả các quy định của nhà nước ra đời là vì con người. Toà án vận dụng luật pháp cũng trên cơ sở lòng khoan dung, hành vi nào không gây hại cho người khác và không gây hại cho xã hội thì không nên cứng nhắc coi thân phận con người như cỏ rác. Tôi dám chắc trong trường hợp của cô Dung, với tất cả những gì được công bố, không ai nghĩ cô tham nhũng, không ai nghĩ cô trục lợi, không ai nghĩ cô làm hại đồng nghiệp.

Cô Dung đã bị giam 1 năm, giờ gia hạn tạm giam thêm 45 ngày nữa. Người thân của cô làm đơn xin bảo lãnh cho cô được tại ngoại nhưng không cơ quan nào chấp nhận. Chuyện đó là không cần thiết và quá bất nhẫn rồi.

Dù như thế nào thì dân chúng cũng đang mong muốn toà phúc thẩm tuyên cô Dung vô tội, chứ không phải giảm nhẹ hình phạt.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem