"Vượt khó" trong mùa dịch Covid-19, Bình Định quyết tâm gỡ thẻ vàng thủy sản
Cả hệ thống vào cuộc
Mặc dù, dịch bệnh đang hoành hành, cả tỉnh Bình Định đã ghi nhận hơn 100 bệnh nhân mắc Covid-19. Tuy nhiên, tỉnh này không hề lơ là trong việc ngăn chặn tàu cá đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài.
Để thực hiện Luật Thủy sản và Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác trái phép theo quy định IUU, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định đã ban hành Chỉ thị số 43-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác khai thác theo IUU.
Theo đó, UBND tỉnh Bình Định ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức hàng loạt cuộc họp, kiểm tra thực tế tại các địa phương để đánh giá tình hình thực tế, chỉ đạo các Sở, ngành và chính quyền địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm tháo gỡ "thẻ vàng" của EC, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm phát triển ngành thủy sản của tỉnh.
Hiện nay, dù dịch Covid-19 đang hoành hành, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc phòng chống dịch, thế nhưng Bình Định vẫn không lơ là công tác chống khai thác trái phép theo IUU.
Một trong những vấn đề Bình Định quan tâm nhất hiện nay là ngăn chặn tình trạng tàu cá khai thác thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài.
Là địa phương có nhiều tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài "nổi trội" ở tỉnh Bình Định, chính quyền huyện Phù Cát đang thực hiện nhiều giải pháp để chấn chỉnh tình trạng này.
Theo ông Lương Văn Khoa, Phó trưởng Phòng NNPTNT huyện Phù Cát, ngoài việc kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu địa phương có tàu cá đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài, kiểm điểm ngư dân vi phạm, chính quyền huyện này đang tiếp tục phối hợp ngành chức năng để thi hành xử phạt 6 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài năm 2020.
Riêng 7 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài trong năm nay, ngành chức năng huyện đã làm việc với người nhà các tàu này và chờ thuyền trưởng, chủ tàu trở về sẽ tiến hành kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc.
TX Hoài Nhơn, địa phương có lực lượng tàu đánh bắt xa bờ lớn nhất cả nước với hơn 2.200 chiếc, thế nhưng nhờ kiên quyết trong công tác ngăn chặn tàu cá khai thác vi phạm IUU, nên từ năm 2020 đến nay không còn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Theo thống kê của Sở Thủy sản tỉnh Bình Định, tính đến hết tháng 4/2021, cả tỉnh có 9 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài và bị nước ngoài bắt giữ; trong đó huyện Phù Mỹ có 2 tàu, huyện Phù Cát có 7 tàu, số lượng tàu cá vi phạm khai thác IUU tăng 5 tàu so với cùng kỳ năm trước.
Phần lớn các tàu cá vi phạm kể trên là những tàu hoạt động ngoài tỉnh, đã rất lâu rồi không quay về địa phương, nên gây khó cho ngành chức năng trong công tác quản lý.
"Chúng tôi đã gửi văn bản đến các tỉnh có tàu vi phạm của ngư dân Bình Định đang hoạt động, đề nghị phối hợp kiểm soát số tàu này. Ngoài ra, tăng cường quản lý tàu cá qua thiết bị giám sát hành trình, tiếp tục xử lý tình trạng tàu cá mất tín hiệu kết nối thiết bị. Mới đây, Chi cục Thủy sản Bình Định đã xử phạt 20 triệu đồng đối với 1 tàu cá không duy trì thiết bị giám sát hành trình khi đang hoạt động trên biển", lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Bình Định cho hay.
Chuyển biến tích cực
Các giải pháp được tỉnh Bình Định triển khai rộng khắp, đã nâng cao nhận thức của ngư dân nhưng hiện vẫn còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ.
Theo Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định Trần Văn Phúc, kế hoạch năm 2021 do UBND tỉnh ban hành, các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương phải triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, xử lý nghiêm tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, tàu cá mất tín hiệu thiết bị giám sát hành trình, tàu cá bị cảnh báo vượt ranh giới cho phép đánh bắt cá.
Đối với nhóm tàu cá hoạt động tại vùng lộng, vùng ven bờ phải đảm bảo có giấy tờ đầy đủ mới cho đi đánh bắt.
"Chúng tôi đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản triển khai kế hoạch của tỉnh, duy trì công tác tuần tra liên ngành để quản lý, kiểm soát tàu cá, hoạt động khai thác, đặc biệt là đối với nhóm tàu cá không có đầy đủ giấy tờ hoạt động vùng lộng, vùng ven bờ. Tăng cường kiểm tra tàu cá ra vào cảng, truy xuất nguồn gốc thủy sản. Tiếp tục phối hợp xác minh, củng cố hồ sơ xử phạt tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, tàu bị cảnh báo vượt ranh giới cho phép trên biển, tàu không duy trì hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển", ông Trần Văn Phúc cho biết.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, đến nay, công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn tỉnh được duy trì thường xuyên, liên tục, hiệu quả.
UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt hỗ trợ kinh phí để ngư dân trang bị thiết bị giám sát hành trình cho 2.966 tàu đánh bắt xa bờ với tổng kinh phí 30,2 tỷ đồng. Công tác khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định tiếp tục được triển khai thực hiện.
"Công tác này sẽ còn được thực hiện mạnh mẽ hơn trong 6 tháng cuối năm 2021", lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định nói.