World Bank điều chỉnh tăng dự báo kiều hối về Việt Nam lên 17,2 tỷ USD
Ngân hàng Thế giới World Bank vừa điều chỉnh tăng dự báo lượng kiều hối về Việt Nam năm 2020 lên 17,2 tỷ USD, cao hơn mức dự báo cũ là 15,7 tỷ USD.
Với mức điều chỉnh tăng này, Việt Nam tiếp tục lọt top 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất về giá trị.
Theo World Bank, tính theo giá trị (đồng USD), 5 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất trong số các quốc gia có thu nhập trung bình - thấp năm 2020 lần lượt là Ấn Độ, Trung Quốc, Mexico, Philippines và Ai Cập. Kể từ năm 2008, Ấn Độ liên tục là quốc gia nhận kiều hối lớn nhất hành tinh. Tiếp sau trong top 10 là nhóm các quốc gia Pakistan, Bangladesh, Nigeria, Việt Nam và Ukraine.
Nếu tính theo phần trăm GDP, 5 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất hành tinh là các nước nhỏ hơn như Tonga, Lebanon, Cộng hòa Kyrgyzstan, Tajikistan và El Salvador.
Các quốc gia gửi kiều hối về nước lớn nhất thường là những nước có thu nhập cao thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD, các nước thuộc Hội đồng Hợp tác các nước Ả Rập Vùng Vịnh và một số quốc gia có thu nhập trung bình cao khác.
Trong năm 2020, Mỹ là quốc gia có dòng chảy kiều hối ra bên ngoài đất nước lớn nhất với giá trị ước tính 68 tỷ USD. Tiếp theo là các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (43 tỷ USD) và Ả Rập Xê Út (35 tỷ USD).
Trong số các quốc gia có thu nhập trung bình, Nga là quốc gia có dòng chảy kiều hối lớn nhất (17 tỷ USD) do lượng người nhập cư lớn từ các nước châu Âu và Trung Á.
Tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 3 trong số các quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất tính theo giá trị và thứ 10 nếu tính trên tỷ lệ phần trăm GDP.
Theo World Bank, trong năm 2020, khối lượng kiều hối chuyển đến khu vực Đông Á - Thái Bình Dương dự kiến giảm gần 7,9% xuống còn khoảng 136 tỷ USD do tác động bất lợi của đại dịch Covid-19.
Philippines là một ngoại lệ khi chứng kiến dòng kiều hối tăng 0,7% trong năm 2020 do sự tăng trưởng 5,5% dòng kiều hối trở về từ Mỹ. Mỹ hiện là nguồn kiều hối lớn nhất vào Philippines (chiếm gần 40% trong năm 2020). Mức tăng trưởng kiều hối tích cực từ Mỹ và châu Á đã giúp bù đắp phần lớn sự sụt giảm Trung Đông (-10,6%) và Châu Âu (-10,8%).
Trái ngược với Philippines, kiều hối về Indonesia giảm mạnh 17,3% do sự phụ thuộc của quốc gia này vào dòng kiều hối chảy ra từ Ả Rập Xê Út. Malaysia cũng ghi nhận mức giảm tương ứng 21,3%.
World Bank dự kiến mức tăng trưởng khiêm tốn 2,1% trong năm 2021-2022 do sự phục hồi kinh tế ở một số quốc gia chủ nhà - đầu ra của kiều hối như Ả Rập Xê Út, Mỹ và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất.