Chuyên gia World Bank chỉ cách cho Việt Nam hướng đến thu nhập cao vào năm 2045
Tại sự kiện công bố báo cáo "Việt Nam Năng động - Tạo nền tảng cho nền kinh tế thu nhập cao" do Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức hôm 27/5, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam có nhiều cơ hội để tiếp tục duy trì, bứt phá trở thành một quốc gia có thu nhập cao trong tương lai.
Chuyên gia của WB tại Việt Nam nhận định Việt Nam là Ronaldo thời trẻ tuổi, chạy nhanh hơn so với các nước, nên tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Tuy nhiên, tương lai phải điều chỉnh chiến lược "thì mới có thể như Ronaldo, đã ở tuổi 35 nhưng vẫn là một trong hai cầu thủ tốt nhất thế giới".
"Việt Nam là Ronaldo, nhưng sau khi chạy nhanh phải điều chỉnh hướng phát triển"
Ông Jacques Morisset - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng ông rất thích bóng đá. Vì vậy, ông chọn hình tượng cầu thủ Cristiano Ronaldo để mô tả nền kinh tế Việt Nam những năm qua, lẫn dự báo về tương lai.
"Ronaldo hiện 35 tuổi, không chạy nhanh như cách đây 10 năm nhưng vẫn là một trong hai cầu thủ tốt nhất thế giới. Ronaldo đã điều chỉnh cuộc chơi theo khả năng. Việt Nam là Ronaldo trẻ tuổi, chạy nhanh hơn so với các nước, vì vậy, Việt Nam cũng cần phải học Ronaldo, tiếp tục điều chỉnh theo hướng tốt hơn trong tương lai", chuyên gia của Ngân hàng Thế giới nói.
Ông Jacques Morisset cho rằng thực tế kết quả tăng trưởng của Việt Nam những năm qua đều được thế giới ghi nhận, khi tranh thủ được làn sóng toàn cầu hoá và chuyển đổi số, cùng với những thuận lợi về dân số, chăm làm và học vấn ngày càng cải thiện.
Chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cho rằng với việc chạy nhanh thời gian qua, Việt Nam phải tiếp tục mất 11 năm mới đạt được mức phát triển như Trung Quốc ngày nay, và phải mất đến 28 năm mới bằng được Hàn Quốc hiện giờ.
"Nhưng Việt Nam trong những năm tới khó có thể chạy nhanh như từ trước đến nay, khi dân số đang già hóa, chủ nghĩa bảo hộ ngày càng tăng gây áp lực xuất khẩu, khả năng cạnh tranh trên thị trường ngày càng gia tăng, và thị trường cũng yêu cầu những sản phẩm có giá trị cao hơn", ông Jacques Morisset nói.
Chuyên gia cho rằng Việt Nam đã là một trường hợp phát triển thành công. Thực tế không nên phá bỏ những gì đang làm hiệu quả nhưng cũng phải hành động, phải tiếp tục điều chỉnh chiến lược phát triển vì thế giới và ngay chính Việt Nam đang thay đổi từng ngày, từng giờ.
"Con đường từ thu nhập thấp lên trung bình rồi từ trung bình lên thu nhập cao là rất khác nhau. Nếu Việt Nam không thay đổi, có thể tình hình vẫn diễn biến tốt, nhưng không thể tốt như trước đây. Rồi phát triển theo chiều rộng là chưa đủ mà cần phải làm nhiều hơn, tốt hơn nữa về việc sử dụng nhiều loại ngồn vốn khác nhau. Phải thay đổi tư duy", chuyên gia nói.
Với những nhận định và khuyến cáo trên, ông Jacques Morisset cho rằng đó là cách mà Việt Nam cần làm hiện nay. Ông đặt kì vọng: "Ronadal là ngôi sao trong bóng đá, Việt Nam sẽ là ngôi sao trong con đường phát triển".
World Bank chỉ cách cho Việt Nam hướng đến thu nhập cao vào năm 2045
Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - ông Ousmane Dione, cũng cho rằng Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong phát triển, nhưng đất nước đang ở một ngã ba đường, khi các động lực tăng trưởng truyền thống dần suy yếu.
"Để đạt mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045, tăng trưởng năng suất phải là giữ vị trí then chốt trong mô hình phát triển kinh tế thập kỉ tới. Nói cách khác, Việt Nam cần có quyết sách để không chỉ phát triển nhanh hơn mà còn chất lượng hơn", Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định.
Ông chỉ ra để tiếp tục tăng trưởng trong một môi trường có nhiều biến động, nhất là sau đại dịch Covid-19 với nhiều tình huống khó đoán, Việt Nam cần tập trung củng cố các tài sản sản xuất, trong đó ưu tiên bốn lĩnh vực.
Thứ nhất, các doanh nghiệp phải thực sự năng động, khuyến khích cạnh tranh và tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng gia nhập và rời thị trường, để đảm bảo nguồn lực được đưa đến những công ty sáng tạo và hiệu quả nhất.
Điều này chỉ có thể xảy ra trong một môi trường kinh doanh thuận lợi, doanh nghiệp được đảm bảo khả năng tiếp cận tài chính, quy định pháp lí minh bạch và được pháp luật bảo vệ.
Thứ hai, cơ sở hạ tầng phải hiệu quả. Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam đã xây dựng rất nhiều công trình cơ sở hạ tầng, nhưng Chính phủ cần nâng cao hiệu quả và tính bền vững của dịch vụ hạ tầng, đặc biệt trong việc huy động tài chính, vận hành và bảo trì.
Thứ ba, lao động có tay nghề cao và cơ hội cho tất cả mọi người. Theo đó, Việt Nam có thứ hạng cao về giáo dục phổ thông, nhưng một mô hình tăng trưởng dựa vào năng suất cần nâng cao chất lượng giáo dục đại học và các chương trình đào tạo kĩ thuật và dạy nghề.
Cần trao nhiều cơ hội hơn nữa cho những người đang đối mặt với các rào cản gia nhập thị trường lao động, trong đó có người dân tộc thiểu số, để thúc đẩy công bằng xã hội và tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dân số già hoá và lực lượng lao động giảm.
Cuối cùng, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khuyến nghị Chính phủ cần tập trung vào một nền kinh tế xanh, như quản lí hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên không tái tạo như đất, rừng và nước; kiểm soát ô nhiễm, giảm thiểu và thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.