"Xóa" thương hiệu Jetstar Pacific đổi thành Pacific Airlines sẽ có đổi gì?

31/07/2020 14:03 GMT+7
Sau một thời gian, Vietnam Airlines và Tập đoàn Qantas (Úc) thống nhất xúc tiến "xóa sổ" Jetstar Pacific đổi thành Pacific Airlines tại thị trường Việt Nam. Hãng bay này đã chính thức ra mắt đồng phục tiếp viên và bộ nhận diện thương hiệu mới và hệ thống đặt chỗ, bán vé.

Theo đó, việc thay đổi thương hiệu đã được hai cổ đông chính là Vietnam Airlines và Tập đoàn Qantas (Australia) thông qua nhằm cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh và khả năng lợi nhuận của Pacific Airlines, góp phần thúc đẩy quy mô và sức mạnh thương hiệu của Vietnam Airlines Group tại thị trường nội địa và trong khu vực.

Bắt đầu từ ngày 31/7, toàn bộ tiếp viên của Pacific Airlines đã xuất hiện trong bộ đồng phục mới được thiết kế theo phong cách trẻ trung, hiện đại nhưng vẫn giữ nét thanh lịch của văn hóa Á Đông.

Tông màu chủ đạo của đồng phục tiếp viên và bộ nhận diện thương hiệu mới được hãng lấy cảm hứng từ màu sắc của Vietnam Airlines nhằm tạo sự kết nối trong hệ sinh thái hàng không của Vietnam Airlines Group; trong đó màu xanh mang đến cảm giác an toàn, bền vững và màu cam đại diện cho tinh thần trẻ trung, tràn đầy năng lượng.

 "xóa sổ" Jetstar Pacific đổi thành Pacific Airlines thương hiệu thay đổi ra sao? - Ảnh 1.

Đồng phục mới của Pacific Airlines được cách điệu từ ba cánh đuôi máy bay.

Biểu tượng của Pacific Airlines được cách điệu từ ba cánh đuôi máy bay có bố cục sắp xếp theo kích thước lớn dần, ẩn dụ cho nỗ lực phát triển không ngừng của hãng trên nền tảng khai thác an toàn trong gần 30 năm qua.

Theo đại diện Vietnam Airlines Group, việc thay đổi thương hiệu hướng tới thông điệp “Niềm vui cất cánh”, Pacific Airlines hứa hẹn mỗi chuyến bay là một niềm vui ngay từ bước đầu tiên của hành trình, khi máy bay vút lên bầu trời.

Bên cạnh sự đổi mới về hình ảnh, nhằm tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các hãng hàng không trong Vietnam Airlines Group, Pacific Airlines cũng chuyển sang sử dụng hệ thống đặt chỗ, bán vé Sabre mà Vietnam Airlines và VASCO đang vận hành đồng thời chuyển đổi hoạt động tại website mới.

Trong giai đoạn đầu chuyển đổi, hành khách khi truy cập vào website www.pacificairlines.com.vn hoặc www.pacificairlines.com để đặt chỗ, mua vé hay làm thủ tục trực tuyến sẽ được chuyển hướng đến website www.vietnamairlines.com để thực hiện các bước tiếp theo.

 "xóa sổ" Jetstar Pacific đổi thành Pacific Airlines thương hiệu thay đổi ra sao? - Ảnh 2.

Tiếp viên Pacific Airlines.

Thời gian tới, Pacific Airlines tiếp tục hoạt động theo mô hình hãng hàng không chi phí thấp để phối hợp với Vietnam Airlines-hãng hàng không truyền thống-theo chiến lược phát triển thương hiệu kép (dual-brand). Sự kết hợp này nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng thông qua dải sản phẩm phong phú từ mạng bay rộng khắp, lịch bay linh hoạt đến các loại hình dịch vụ phù hợp với yêu cầu của mọi đối tượng hành khách.

Định hướng này cũng giúp hai hãng hàng không tận dụng nguồn lực của mỗi bên để mở rộng quy mô, tăng cường hiệu quả khai thác và năng lực cạnh tranh trong cả phân khúc hàng không truyền thống lẫn chi phí thấp, từ đó góp phần củng cố vị trí dẫn đầu của Vietnam Airlines Group tại thị trường hàng không Việt Nam.

Được biết, thời điểm Jetstar Pacific chính thức hoạt động dưới tên mới Pacific Airlines và Vietnam Airlines hoàn tất việc mua lại 30% cổ phần từ Qantas sẽ dựa theo quyết định của nhà chức trách. Theo ông Trịnh Hồng Quang - phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, chủ tịch Hội đồng quản trị Pacific Airlines - đã hé lộ những lý do tái cơ cấu Jetstar Pacific.

Hiện nay các hãng hàng không giá rẻ chiếm 30-40% thị phần hàng không thế giới, tại Việt Nam, hàng không giá rẻ chiếm trên 50% thị phần. Thời gian qua, các hãng hàng không đua nhau thành lập công ty con để tham gia thị trường hàng không giá rẻ, tạo thành tập đoàn khai thác tất cả phân khúc của thị trường.

Tuy nhiên, Jetstar Pacific hiện nay có quy mô bé, mới khai thác 18 máy bay Airbus A320. Trong khi một hãng hàng không giá rẻ cần khai thác một dòng máy bay và đội bay từ 30-40 chiếc để đạt hiệu quả cao nhất.

Trong khi đó, khi Qantas nắm 30% cổ phần của Jetstar Pacific lại là công ty tư nhân, Vietnam Arilines nắm cổ phần chính của Jetstar Pacific là doanh nghiệp nhà nước. Cho nên quan điểm về cách làm việc khác nhau, chưa tạo ra bước đột phá cho Jetstar Pacific.

"Jetstar Pacific phụ thuộc quá nhiều vào Qantas khi hệ thống đặt vé giữ chỗ của hãng này là hệ thống quan trọng nhất của một hãng hàng không lại đặt ở Melbourne (Úc). Do đó, người điều hành hệ thống bán vé đặt chỗ không hiểu được nhịp thở của thị trường nội địa của Việt Nam đang rất quan trọng đối với Jetstar Pacific" - ông Quang cho biết thêm lý do.

Thế Anh
Cùng chuyên mục