Xử lý nợ xấu - “kẹt” trong các vụ án, khó thanh lý BĐS “mất” sổ đỏ

02/12/2019 14:24 GMT+7
Dù tỷ lệ nợ xấu giảm nhanh nhưng trên thực tế việc xử lý nợ xấu vẫn còn nhiều khó khăn...Mới đây, nhiều ngân hàng cho biết gặp khó khăn trong việc thu giữ tài sản đảm bảo là các bất động sản khi các cơ quan có thẩm quyền thông báo hủy, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho cá nhân, hộ gia đình.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tính từ năm 2012 đến cuối tháng 8/2019, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 968.890 tỷ đồng nợ xấu, trong đó nợ xấu do các tổ chức tự xử lý là 629.200 tỷ đồng (chiếm 64,94% tổng nợ xấu xử lý), còn lại là bán nợ cho công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) và tổ chức, cá nhân khác… Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 8/2019 là 1,98%.

Tính trung bình từ 15/8/2017 - 31/8/2019, mỗi tháng toàn hệ thống xử lý được khoảng 9,6 nghìn tỷ đồng, cao hơn 4,7 nghìn tỷ đồng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình từ năm 2012-2017 trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.

Xử lý nợ xấu - “kẹt” trong các vụ án, khó thanh lý BĐS “mất” sổ đỏ - Ảnh 1.

Dồn dập xử lý nợ

Kết quả này có được theo giới chuyên gia nhìn nhận, không chỉ hàng lang pháp lý cho xử lý nợ xấu thông thoáng hơn mà một yếu tố mang tính quyết định khác đó là ý thức trả nợ của người dân, doanh nghiệp đã tích cực hơn nhiều so với trước đây. Đồng thời, bản thân các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng chủ động và quyết liệt trong cuộc đánh tan cục máu đông mang tên nợ xấu này.

Đơn cử như SCB thanh lý 20 chiếc ô tô loại 4-7 chỗ và xe chuyên dụng bằng hình thức đấu giá cho khách hàng cá nhân hoặc tổ chức có nhu cầu nhằm thu hồi nợ xấu. Tổng giá trị của 20 chiếc ô tô này là hơn 6 tỷ đồng. Các xe được thanh lý chủ yếu là hiệu Toyota, Hyundai, Mitsubishi... có năm sản xuất từ 2003-2009 với mức giá dao động từ 150- 400 triệu đồng/xe (đã bao gồm thuế VAT).

Cuối tháng 11, VietinBank thông báo bán 4 khoản nợ xấu từ vài chục tỷ đến hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, VietinBank chi nhánh Kiến An (Hải Phòng) thông báo bán khoản nợ của công ty TNHH Hòn Ngọc với dư nợ hơn 27 tỷ đồng, tài sản đảm bảo cho khoản nợ này là đất, xe ô tô.

Vietinbank chi nhánh Đồng Nai rao bán khoản nợ của CTCP Tân Mai Miền Đông với dư nợ hơn 1.200 tỷ đồng, là toàn bộ tài sản hình thành của Dự án đầu tư nhà máy sản xuất giấy, quyền thuê đất và tài sản bảo đảm và các cam kết khác của cổ đông. Chi nhánh này cũng rao bán khoản nợ của công ty Tân Mai Miền Trung với dư nợ hơn 4.300 tỷ đồng.

Hay như, SHB cũng rao bán khoản nợ xấu của khách hàng Phạm Thị Tuyết Nhung tại Chi nhánh SHB Long An với dư nợ gốc và lãi gần 9 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà ở. Bà Phạm Thị Tuyết Nhung chính là Giám đốc CTCP Tư vấn đầu tư Angel Lina vừa bị Công an Tp.HCM bắt giam để điều tra về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Bà Nhung được xác định có liên quan đến việc "vẽ 9 dự án ma" ở nhiều quận, huyện trên địa bàn Tp.HCM để chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Nhiều ngân hàng khác như Sacombank, MB, Agribank, BIDV... cũng liên tục thông báo đấu giá tài sản gồm hàng loạt lô bất động sản (BĐS), nhà đất, dự án từ chục tỷ đến hàng nghìn tỷ đồng.

"Kẹt" trong các vụ án, khó thanh lý BĐS "mất" sổ đỏ

Mặc dù cơ chế đã "thông thoáng" hơn so với trước đây khi Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu chính thức có hiệu lực nhưng dường như việc thanh lý tài sản nợ xấu chưa bao giờ dễ dàng đối với các nhà băng.

Xử lý nợ xấu - “kẹt” trong các vụ án, khó thanh lý BĐS “mất” sổ đỏ - Ảnh 3.

Thị trường mua, bán nợ còn chưa phát triển ảnh hưởng tới xử lý nợ xấu (MSB)

Theo đánh giá từ Trung tâm nghiên cứu kinh tế Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB), tuy có tăng về tốc độ xử lý nợ xấu nhưng trên thực tế việc xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Khó khăn đầu tiên được nhắc đến đó là thị trường mua, bán nợ còn chưa phát triển. Quá trình xác định giá trị khoản nợ làm căn cứ để bên mua, bán nợ tham khảo còn khó khăn khi việc thẩm định giá khoản nợ đang được các tổ chức thẩm định giá thực hiện chưa theo quy chuẩn thống nhất, khác biệt về phương pháp, tiêu chí định giá giữa các tổ chức khác nhau.

Các chuyên gia kinh tế của MSB cho rằng, điều này gây khó khăn cho các bên mua, bán khoản nợ trong việc lựa chọn giá tham khảo phù hợp cho giao dịch mua, bán nợ. Sau đó, việc chuyển nhượng hoặc ủy thác quản lý các khoản nợ này còn khó khăn vì chưa có thị trường nợ thứ cấp. Hiện tại cũng chưa có các hoạt động phái sinh như: nghiệp vụ chứng khoán hóa tài sản, chứng khoán hóa nợ thường và nợ xấu...

Điều này dẫn đến thanh khoản của các khoản nợ rất thấp, làm giảm mức độ hấp dẫn của các khoản nợ đã mua.

Xử lý nợ xấu - “kẹt” trong các vụ án, khó thanh lý BĐS “mất” sổ đỏ - Ảnh 4.

Thống đốc Lê Minh Hưng

Riêng đối với các tổ chức tín dụng yếu kém, người đứng đầu ngành ngân hàng cho hay, nợ xấu đã xử lý được một bước quan trọng nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các TCTD.

Nợ xấu đang tập trung chủ yếu ở các TCTD yếu kém, tuy nhiên còn gặp nhiều khó khăn do để xử lý dứt điểm nợ xấu, thu hồi tài sản không sinh lời của các TCTD này đòi hỏi phải có cơ chế phân bổ tổn thất, giảm nhẹ gánh nặng tài chính bằng chính sách tài chính phù hợp để TCTD hấp thụ dần tổn thất, vượt qua được khó khăn tài chính.

Đồng thời, việc xử lý, thu hồi nợ và TSBĐ của các ngân hàng mua bắt buộc khó khăn do phần lớn TSBĐ cho các khoản nợ đều đang bị kê biên, liên quan đến các vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh.

Hiện nay, số lượng các vụ việc xử lý nợ xấu thông qua thủ tục rút gọn tại tòa án còn hạn chế, phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả thu hồi nợ.

"Khi xuất hiện tình tiết mới mà các bên đương sự không thống nhất làm cho vụ án không còn đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn thì tòa án phải ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường.

Có trường hợp bên có nghĩa vụ trả nợ không hợp tác, chống đối, cố tình tạo ra các tình tiết mới để đưa vụ án về thủ tục tố tụng thông thường, nhằm mục đích kéo dài thời gian giải quyết vụ việc. Do đó, nếu không có hướng dẫn cụ thể đối với các trường hợp nêu trên thì biện pháp áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn có thể không phát huy được hiệu quả", Thống đốc Lê Minh Hưng thông tin.

Ngoài ra, chưa có văn bản quy phạm pháp luật giải thích cụ thể về việc "ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án". Do đó, việc có hoàn trả vật chứng trong vụ án hình sự là TSBĐ của khoản nợ xấu hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào quan điểm của cơ quan tiến hành tố tụng.

Trong khi đó, cơ chế tiếp cận thông tin về tình trạng TSĐB vẫn chưa có hệ thống dữ liệu cho phép các TCTD trích xuất, tra cứu thông tin tài sản có liên quan đến vụ việc đang được thụ lý giải quyết.

Đồng thời, chưa có hướng dẫn về cơ chế xác định sớm hữu hiệu trong quá trình thẩm định, để xác định tài sản nào đang tranh chấp, tài sản nào đang phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, dẫn đến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp khác nhau, gây khó khăn khi áp dụng các biện pháp xử lý tài sản.

Xử lý nợ xấu - “kẹt” trong các vụ án, khó thanh lý BĐS “mất” sổ đỏ - Ảnh 6.

Ngân hàng khó thanh lý nợ xấu là BĐS do cơ quan quản lý thu hồi sổ đỏ

Không chỉ "kẹt" trong các vụ án, mới đây, NHNN còn nhận được phản ánh của một số TCTD về các cơ quan có thẩm quyền thông báo hủy/thu hồi giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất đã cấp cho cá nhân, hộ gia đình. Trong đó, bao gồm GCN quyền sử dụng đất của tài sản bảo đảm đã được thế chấp cho khoản vay vì có vi phạm quy định tại Điều 64 Luật Đất đai năm 2013, do cơ quan có thẩm quyền cấp không đúng quy định và một số lý do khác.

Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần, việc hủy/thu hồi GCN quyền sử dụng đất đang được sử dụng trong quan hệ thế chấp tại các TCTD đã ảnh hưởng đến quyền xử lý tài sản bảo đảm của TCTD khi khách hàng vi phạm nghĩa vụ trả nợ, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nợ xấu, nợ quá hạn.

Để giải những bài toán này, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV Cấn Văn Lực cho rằng, cần phải có đầu mối để phối hợp, tháo gỡ những vướng mắc về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội, qua đó thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu nhanh hơn, đảm bảo theo yêu cầu của Quyết định số 1058 và xa hơn là Chiến lược ngành ngân hàng.

Các chuyên gia kinh tế của MSB cũng kỳ vọng, với quyết tâm từ cả cơ quan quản lý lẫn các tổ chức tín dụng, các khoản nợ xấu tồn đọng sẽ được xử lý dứt điểm và nhanh chóng hơn.

Lê Thúy
Cùng chuyên mục