Xuất khẩu cá tra tăng mạnh nhưng người nuôi cá và doanh nghiệp đều...không vui
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau giai đoạn sụt giảm giá trị vào năm ngoái và quý 1/2021, xuất khẩu cá tra đã tăng trưởng mạnh liên tiếp trong những tháng gần đây.
Cụ thể, giá trị xuất khẩu cá tra tăng 39% trong tháng 5/2021, tiếp tục tăng 35% trong tháng 6/2021 so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế nửa đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 788 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020.
VÌ ĐÂU XUẤT KHẨU CÁ TRA SANG EU SUY GIẢM?
Xuất khẩu cá tra đang tăng mạnh ở nhiều thị trường: Nga, Mexico, Brazin, Thái Lan,… Mỹ, Trung Quốc, EU vẫn là những thị trường chủ lực cho xuất khẩu cá tra. Trong khi xuất khẩu cá tra sang Mỹ tăng rất mạnh với mức tăng 55,3% và sang Trung Quốc tăng nhẹ 2,1% so với cùng kỳ năm trước, thì xuất khẩu cá tra sang thị trường EU vẫn chứng kiến sự sụt giảm.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), việc xuất khẩu cá tra vào EU suy giảm là rất đáng quan ngại, trong bối cảnh khu vực này đã phục hồi các hoạt động kinh tế sau Covid-19.
Tính đến cuối tháng 6/2021, có khoảng 60% dân số trên toàn Liên minh châu Âu (EU) (tức 220 triệu người) đã được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà nhập khẩu đang ổn định trở lại. Thế nhưng, trong tháng 6/2021, giá trị xuất khẩu cá tra sang EU chỉ đạt hơn 100 USD, giảm 21% so với năm 2020.
Lý giải về vấn đề này, VASEP cho hay, giá thu mua cá tra nguyên liệu tăng mạnh dẫn đến giá thành sản phẩm cá chế biến tăng. Thế nhưng khi các doanh nghiệp tăng giá cá tra xuất khẩu, thì đối tác ở EU hủy bỏ đơn hàng. Hiện các doanh nghiêp vẫn phải xuất khẩu cá tra sang thị trường EU với giá trung bình dao động xung quanh mức 2,35 USD/kg (tương đương so với cùng kỳ năm trước). Hiện ít nhất 25 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam đã “thoái” lui khỏi thị trường EU.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp cá tra, xuất khẩu sang thị trường EU hiện đang chịu lỗ nặng nhưng vẫn chấp nhận giá cá ổn định (không tăng cao) so với cùng kỳ năm ngoái là bởi cố duy trì đối tác và thị trường, chờ cho cơn “sóng gió” qua đi.
Từ đầu năm nay, chi phí đầu vào cho sản xuất, nuôi trồng, chế biến đã tăng mạnh. Giá nguyên liệu vật tư tăng 3-4 đợt, các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho hoạt động của nhà máy cũng tăng từ 5-25%: găng tay, nhựa, bao bì, băng keo... giá thức ăn thủy sản cũng tăng từ 15-20%, chưa kể tiền lương người lao động, cước vận tải biển tăng từ 5-7 lần...
Khác với thị trường Mỹ chủ yếu tiêu dùng cá da trơn và thị trường Trung Quốc do đông dân nên đã quen với việc khi thực phẩm thiếu thì giá tăng; nhưng ở EU, cá tra phải cạnh tranh khốc liệt với rất nhiều loại sản phẩm cá thịt trắng.
Theo số liệu của nhà phân tích Ragnar Nystoyl của Kontali, dự kiến sản lượng cá thịt trắng nuôi và khai thác tự nhiên năm 2021 đạt 13 triệu tấn, tăng 3,7%, tức là tăng hơn 700.000 tấn so với năm 2020. Trong đó, sản lượng cá tra, cá rô phi và cá Alaska pollock đạt mức cao nhất trong nhóm cá thịt trắng.
EU đang là khu vực nhập khẩu sản phẩm cá thịt trắng lớn nhất thế giới. Các loại cá thịt trắng đều có giá bán khá rẻ, đó là lý do người tiêu dùng EU khó chấp nhận mua cá tra giá cao.
NGƯỜI NUÔI CÁ VÀ DOANH NGHIỆP CHẾ BIẾN CÙNG CHỊU LỖ
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, giá cá tra nguyên liệu bán tại ao đầm của người nuôi đã tăng mạnh từ tháng 5/2021 đến nay, hiện ở mức 21.500 – 22.000 đồng/kg, tăng 3.500 đ/kg so với cùng thời điểm này năm ngoái.
Mặc dù giá cá tra có tăng, nhưng người nuôi cá vẫn lỗ từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Trái ngược với việc cá thương phẩm xuất bán hiện cung không đủ cầu, thì giá cá giống lại đang giảm mạnh, do nhiều chủ đầm để trống ao, không muốn bắt con giống đưa vào nuôi. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng thâm canh cá tra lớn nhất cả nước, bình quân chiếm khoảng 80% diện tích và sản lượng xuất khẩu.
Hiện tại, giá thức ăn cho cá tra đã tăng hơn 20% so với giữa năm ngoái, khiến chi phí giá thành nuôi cá tra bình quân từ 18.000-19.000 đồng/kg trước đây, hiện đã lên tới 22.500 -23.000 đồng/kg cá thu hoạch. Đây là lý do, tuy giá bán cá nguyên liệu tăng cao, nhưng người nuôi cá tra vẫn phải chịu thua lỗ.
Nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long có sự thâm canh rất cao, sản lượng thu hoạch bình quân đạt 300 tấn/ha. Vì vậy, từ nhiều năm nay, nông dân nuôi cá tra chỉ cần đạt lợi nhuận bình quân 1.000 đồng/kg cá xuất bán, thì mỗi ha ao đã cho lợi nhuận 300 triệu đồng.
Đó là lý do, chênh lệch giữa giá thành sản xuất và giá bán cá tra thương phẩm rất thấp. Khác với chăn nuôi lợn gà, hay nuôi các loài cá khác, chênh lệch giữa giá bán và giá thành cao hơn nhiều, có khi lên tới 10.000-15.000 đồng/kg.
Theo một số người nuôi cá tra, không chỉ vì giá mua cám cá tăng, mà còn vì suốt năm 2020 và quý đầu năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên thị trường xuất khẩu gặp khó. Nhiều hộ không bán được cá thương phẩm, nên đã nuôi hạn chế cho ăn, thời gian nuôi kéo dài, dẫn đến hệ số thức ăn tăng cao, hao hụt đầu con nhiều nên giá thành càng tăng cao hơn nữa.
Hiệu ứng domino từ việc tăng giá thức ăn đang phủ bóng đen lên ngành cá tra, khiến cá người nuôi cá, và doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu đang phải chịu thua lỗ nặng nề. Tất thảy đều phải đang “cầm cự” chờ qua cơn sóng gió. Vì vậy, con số tăng trưởng xuất khẩu 18% trong nửa đầu năm nay, không phải là tín hiệu vui cho ngành cá tra.