Xuất khẩu dịch vụ

Nguyễn Đức Minh Thứ bảy, ngày 09/03/2024 15:48 PM (GMT+7)
Nếu đề xuất này được thông qua, hầu hết các dịch vụ xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu thuế suất 10%. Riêng đối với phần mềm xuất khẩu sẽ chuyển từ diện 0% sang diện không chịu thuế, tức là sẽ không còn được khấu trừ hoá đơn đầu vào.
Bình luận 0

“Thì mình đành phải sang Singapore mở công ty vậy.” Giám đốc một doanh nghiệp công nghệ thở dài nói khi tôi hỏi anh về đề xuất đánh thuế dịch vụ xuất khẩu mới đây của Bộ Tài chính.

Công ty anh chuyên cung cấp nội dung giải trí trên internet thông qua các ứng dụng và nền tảng trung gian như Google, Apple. Việc kê khai và nộp thuế là vấn đề đau đầu của doanh nghiệp này từ nhiều năm nay.

Thuế giá trị gia tăng vốn là loại thuế gián thu, đánh vào tiêu dùng. Doanh nghiệp chỉ là người thu hộ, nộp hộ. Nếu người tiêu dùng ở nước ngoài, đương nhiên thuế suất đối với Việt Nam là 0%.

Nguyên lý này áp dụng với hàng hoá thì không quá khó, vì hàng hoá xuất khẩu phải làm thủ tục hải quan, có tờ khai hải quan để biết hàng đã ra khỏi biên giới. Nhưng đối với dịch vụ, việc xác định địa điểm tiêu dùng khó khăn hơn rất nhiều.

Đối với trường hợp của doanh nghiệp trên, họ đã cung cấp IP của khách hàng, chứng từ thanh toán qua ngân hàng, và các dữ liệu từ Google và Apple. Nhưng cơ quan thuế vẫn không tin.Nhiều trường hợp doanh nghiệp phản ánh họ buộc phải nộp 10% cho toàn bộ doanh thu vì không thể tranh luận được với cán bộ thuế.

Cơ quan thuế cũng có cái lý của họ. Cán bộ thuế rất khó có thể hậu kiểm những thông tin mà doanh nghiệp cung cấp. Tôi rất thông cảm cho cái khó của ngành thuế. Việc ký các quyết định hoàn thuế cho doanh nghiệp là áp lực rất lớn đối với cán bộ. Nếu có sai sót, họ sẽ là người chịu trách nhiệm đầu tiên.

Do thấy việc xác định người dùng ở đâu quá khó, Bộ Tài chính mới đây đề xuất sửa Luật Thuế giá trị gia tăng, theo đó, sẽ loại dịch vụ xuất khẩu ra khỏi diện thuế suất 0%, chỉ cho phép 0% đối với một số dịch vụ chắc chắn được tiêu dùng ở nước ngoài như vận tải quốc tế và một số dịch vụ có liên quan.

Nếu đề xuất này được thông qua, hầu hết các dịch vụ xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu thuế suất 10%. Riêng đối với phần mềm xuất khẩu sẽ chuyển từ diện 0% sang diện không chịu thuế, tức là sẽ không còn được khấu trừ hoá đơn đầu vào.

Khi đó, các nhà cung cấp dịch vụ xuất khẩu của Việt Nam sẽ rất khó có thể cạnh tranh được với đổi thủ đến từ quốc gia khác. Các lĩnh vực chịu tác động lớn nhất là kinh tế số, sản xuất nội dung số, điện ảnh, games, âm nhạc, phần mềm…

“Thế anh định làm thế nào?” Tôi hỏi doanh nghiệp.

“Chắc anh sẽ mở một công ty ở Singapore rồi cung cấp sản phẩm qua đó”. Anh nói thêm: “Dù anh không muốn thế.”

Tôi quen biết vị doanh nhân này từ lâu. Trong khi nhiều bạn bè anh đã sang Singapore mở công ty để dễ dàng huy động vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, thì anh đã thuyết phục được nhà đầu tư chấp nhận về Việt Nam để làm ăn cùng anh.

Để tránh khoản thuế này, trước đây công ty anh vẫn phải tách thành hai sản phẩm, một dành cho thị trường trong nước, hai là dành cho thị trường nước ngoài. Dù việc này làm tăng chi phí phát hành, nhưng ít nhất thì khoản thu từ nước ngoài được hưởng thuế 0%.

Nhưng nếu đề xuất mới của Bộ Tài chính được thông qua, thì anh buộc phải chuyển đơn vị phát hành ra nước ngoài thì mới có thể tránh được khoản thuế này. “Mình thì vẫn muốn gắn bó với quê hương, nhưng nếu phải chịu thuế 10% thì mình không thể thuyết phục được nhà đầu tư được nữa”

Nhìn rộng hơn, xuất khẩu dịch vụ đang là lĩnh vực Việt Nam có tiềm năng rất lớn.

Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ có thể không lớn nếu so với kim ngạch xuất khẩu hàng hoá, nhưng lại đang là xu hướng của thế giới nhờ sự phát triển của internet và các phương thức làm việc từ xa. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, xuất khẩu dịch vụ toàn cầu đã tăng từ mức hơn 400 tỷ đô la trong những năm đầu của thập kỷ 80 lên hơn 7.210 tỷ đô la năm 2022. Đặc biệt, từ năm 2003 đến nay, tốc độ tăng trưởng trung bình của dịch vụ xuất khẩu toàn cầu đạt trên 6,5%. Nếu xét riêng các dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin (ICT) thì tốc độ tăng trưởng trung bình toàn cầu đạt 12,3% từ năm 2004 đến nay. Tốc độ này ngành càng cao kể từ Covid.

Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 20 tỷ đô la, tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 11% mỗi năm, cao hơn so với tăng trưởng GDP. Để cung cấp dịch vụ xuất khẩu, các doanh nghiệp thường không yêu cầu vốn đầu tư quá lớn như công nghiệp chế biến chế tạo, phù hợp với một nền kinh tế thiếu vốn như Việt Nam. Thêm vào đó, xuất khẩu dịch vụ trên môi trường internet hiện nay giúp quảng bá hình ảnh đất nước và làm gia tăng sức mạnh mềm của quốc gia.

Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế định hướng xuất khẩu. Từ Đổi mới đến nay, xuất khẩu hàng hoá luôn là động lực tăng trưởng quan trọng của đất nước, với tốc độ tăng trung bình gần 15% mỗi năm. Kết quả này có được không thể không kể đến vai trò của chính sách thuế GTGT đối với hàng hoá xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% và doanh nghiệp được hoàn thuế đầu vào.

Có lần, trong một cuộc hội thảo, cô Nguyễn Thị Cúc, chủ tịch Hội Tư vấn thuế, người từng công tác trong ngành thuế và chấp bút Luật Thuế giá trị gia tăng đầu tiên năm 1997, kể lại: Khi làm Luật Thuế giá trị gia tăng năm 1997, cái chúng ta lo nhất là chuyện hàng hoá xuất khẩu được thuế 0% và doanh nghiệp được hoàn thuế. Chúng ta sợ doanh nghiệp gian lận. Nhưng khi đó, chúng ta vẫn quyết tâm làm vì thuế 0% có tác dụng rất lớn thúc đẩy xuất khẩu.

Ngành thuế giai đoạn đầu cũng gặp nhiều khó khăn trong việc chống gian lận hoàn thuế, nhưng qua nhiều năm thực hiện, với nhiều nỗ lực thì tình trạng này đã được hạn chế rất nhiều.

Trong WTO, chúng ta đã buộc phải cam kết xoá bỏ mọi biện pháp trợ cấp xuất khẩu. Nhưng chính sách thuế GTGT 0% được coi là hợp pháp theo WTO. “Người ta muốn trợ cấp xuất khẩu mà còn vướng cam kết, sao mình lại tự dưng đánh thuế?” Một chuyên gia có gần 20 năm nghiên cứu pháp luật WTO nói với tôi. “Thế khác gì lấy đá ghè chân mình.”

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem