Xuất khẩu gạo gặp khó: Vẫn cán đích mục tiêu?
Giảm hơn 67% tại thị trường tỷ dân, Trung Quốc không còn "béo bở"?
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm nay, lượng gạo xuất khẩu tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm trước, đạt 4,58 triệu tấn, song giá trị lại giảm 12,8%, đạt 1,99 tỷ USD. Giá xuất khẩu gạo cũng giảm 13,7%, đạt trung bình 435,1 USD/tấn.
Trong những tháng gần đây, việc xuất khẩu nông sản sang thị trường liên tục gặp những khó khăn, bất lợi. Từ các mặt hàng hoa quả, thủy sản và nặng nề nhất là lúa gạo, xuất khẩu giảm "chóng mặt" về cả lượng và giá trị. Trung Quốc đã không còn là thị trường nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam khi thị phần đã giảm tới 67% (tính đến hết tháng 7/2019). Cụ thể, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc 8 tháng qua đạt 347.520 tấn, tương đương 173,74 triệu USD, giá 499,9 USD/tấn, lần lượt giảm 67,8%, 67,2% và 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc hiện chỉ chiếm khoảng hơn 8% tổng giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã phải thốt lên rằng: "Năm nay, thị trường có sự thay đổi đột biến. Trung Quốc vốn nhập khẩu tới 2 triệu tấn mỗi năm thì năm nay đến thời điểm này mới mua chưa tới 400.000 tấn".
Nguyên nhân khách quan đến từ nội địa của Trung Quốc. Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: "Nhu cầu thị trường của Trung Quốc có giới hạn. Tồn kho rất lớn. Năm nay, Trung Quốc cũng được mùa do đó dung lượng thị trường về hạt gạo hạn chế". Bên cạnh đó là thay đổi hàng loạt chính sách thương mại nên việc xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp thêm khá nhiều khó khăn.
Để giải quyết vấn đề thị trường, đứng từ góc độ doanh nghiệp xuất khẩu, phải trực tiếp "lăn xả" để tháo gỡ khó khăn từ thị trường, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng giám đốc Tổng công ty VinaFoods 1 phân tích: Hiện nay, Trung Quốc có chính sách siết chặt kiểm dịch thực vật, điều này là phù hợp và cũng chính đáng. Gặp vướng tại thị trường Trung Quốc, Việt Nam đã thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường khác. Ví dụ như, xuất khẩu sang thị trường Philippines gấp đôi, thậm chí gần như gấp ba những năm trước. Thị trường Iraq đến nay đã "ăn" đến 400.000 tấn gạo cao cấp của Việt Nam. Việt Nam chuyển sang tiêu thụ được gạo cao cấp. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội với Việt Nam.
Liệu có thể "cán đích" 6,5 triệu tấn
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) dự báo: Thị trường lúa gạo trong ngắn hạn vẫn sẽ gặp khó khăn do việc xuất khẩu sang Trung Quốc và Phillipines gặp nhiều hạn chế. Sau thời gian dài giảm, nhu cầu gạo từ thị trường Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu tăng trưởng trở lại. Trong khi đó, sau gần nửa năm thay đổi chế độ hạn ngạch sang thuế quan giúp thúc đẩy hoạt động nhập khẩu gạo, lượng tồn kho của Phillipines đang ở mức tương đối cao. Cùng với đó, nông dân trồng lúa nước này đang yêu cầu Chính phủ hỗ trợ tiêu thụ lúa gạo do thiệt hại gây ra từ mở cửa nhập khẩu. Trong thời gian tới, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippines sẽ xuất hiện nhiều trở ngại và dự báo không tiếp tục tăng mạnh.
Toàn ngành lúa gạo đặt ra chỉ tiêu xuất khẩu năm nay đạt 6,5 triệu tấn. Để đáp ứng những thay đổi từ thị trường Trung Quốc nói riêng cũng như các thị trường xuất khẩu khác nói chung, điều cần làm ngay lúc này là củng cố lại vấn đề chất lượng. Gạo hữu cơ, gạo chất lượng cao ở nước ta hiện nay chưa được phổ biến và trồng rộng rãi do những yêu cầu khắt khe về điều kiện và năng suất thấp.
Còn xét ở tầm nhìn dài hơi, vị "tư lệnh" ngành Nông nghiệp bày tỏ quan điểm: "Thương mại toàn cầu hiện nay một năm chỉ khoảng 36-40 triệu tấn gạo. Không lý gì một năm Việt Nam bán 7 triệu tấn gạo được rất ít tiền, lại luôn bị động. Chiến lược lâu dài, chúng ta chủ động đề xuất với Trung ương, Quốc hội, Chính phủ tới đây giảm diện tích trồng lúa, không thể giữ diện tích như hiện nay. Trong khi các đối tượng nuôi trồng, sản xuất khác rất hiệu quả. Hiện nay, các cơ quan nghiên cứu, quản lý đang tổng hợp để đề xuất. Chúng ta vẫn giữ vững an ninh lương thực và xuất khẩu một phần phù hợp".
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, vấn đề cần quan tâm tiếp theo là tổ chức lại thị trường trong nước để đảm bảo gạo có chất lượng, bao bì, khả năng cung ứng tốt. Về thị trường xuất khẩu cần thúc đẩy, mở rộng các thị trường khu vực châu Phi, Trung Đông; những thị trường có khoảng cách địa lý gần như Indonesia, Philippines...