Xuất khẩu gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long lập kỷ lục mới

16/09/2023 09:09 GMT+7
Với điều kiện thuận lợi về thời tiết và thị trường xuất khẩu, năm 2023, ngành sản xuất, xuất khẩu lúa gạo đã lập kỳ tích mới khi sản lượng và kim ngạch xuất khẩu đều tăng, lợi nhuận của cả chuỗi ngành hàng và thu nhập của người nông dân trồng lúa đã được cải thiện.
Xuất khẩu gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long lập kỷ lục mới - Ảnh 1.

Sản xuất lúa tại khu vực ĐBSCL năm 2023 lập kỷ lục mới về sản lượng và giá bán. Ảnh NK

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2023 diện tích trồng lúa của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ước đạt trên 3,8 triệu ha, tăng hơn 13.000 ha; năng suất ước đạt 62,81 tạ/ha, tăng 0,88 tạ/ha và sản lượng ước đạt gần 24 triệu tấn, tăng 416.000 tấn so với năm 2022.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung, xuất khẩu gạo trong 8 tháng đầu năm đạt gần 6 triệu tấn, với kim ngạch gần 3,2 tỷ USD, ngành hàng lúa gạo đã lập kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu nhờ giá xuất khẩu tốt.

Để đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu gạo đạt mục tiêu xuất khẩu, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan, tích cực hỗ trợ nông dân trong chăm sóc lúa, dự báo nhu cầu thị trường, linh hoạt điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và nâng cao thu nhập cho chuỗi ngành hàng.

Tại Hội nghị sơ kết sản xuất lúa tại khu vực ĐBSCL diễn ra vào sáng ngày 14/9, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) Nguyễn Ngọc Nam, cho biết: Với giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang dẫn đầu thị trường như hiện nay thì thu nhập của cả chuỗi ngành hàng đã có sự cải thiện rất nhiều so với những năm trước.

Về cân đối nguồn cung xuất khẩu, theo ông Nam, báo cáo của Cục Trồng trọt cho biết hiện nay nông dân ĐBSCL đã thu hoạch được khoảng 300.000ha lúa Thu đông và đang tiếp tục thu hoạch thêm khoảng 400.000ha còn lại.

"Như vậy, chỉ riêng vụ Thu đông tại khu vực ĐBSCL, chúng ta đã có thêm khoảng 4 triệu tấn lúa, tương đương 2 triệu tấn gạo.

Hiện nay khối lượng gạo xuất khẩu đã đạt khoảng 6 triệu tấn, với mục tiêu từ nay đến cuối năm xuất khẩu thêm khoảng 1,6 triệu tấn, tức bình quân mỗi tháng xuất khẩu khoảng 400.000 tấn gạo thì nguồn cung không thiếu. Vấn đề là các doanh nghiệp xuất khẩu phải có chiến lược đảm bảo hiệu quả xuất khẩu khi giá lúa đang tăng cao như hiện nay", ông Nam khuyến cáo.

Cũng theo ông Nam, hiện nay dư địa xuất khẩu gạo còn rất lớn khi Philippines có nhu cầu nhập thêm 1,1 triệu tấn, Indonesia có nhu cầu nhập khẩu 2,3 triệu tấn gạo từ nay đến cuối năm. Cùng với đó, nhu cầu nhập khẩu gạo từ Trung Quốc dự báo cũng sẽ tăng trong những tháng cuối năm.

Tuy nhiên, theo ông Nam, mặc dù nhu cầu thị trường gạo vẫn đang rộng mở nhưng với quy định bắt buộc dự trữ lưu thông tại các doanh nghiệp xuất khẩu, cùng với việc sản xuất lúa "nối đuôi" vụ này tiếp vụ kia tại ĐBSCL nên vấn đề đảm bảo an ninh lương thực quốc gia luôn ở mức rất an toàn, không lo thiếu gạo cho thị trường nội địa.

Xuất khẩu gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long lập kỷ lục mới - Ảnh 2.

Theo VFA, nguồn cung lúa gạo đáp ứng nhu cầu tiều dùng nội địa và xuất khẩu. Ảnh Hoàng Vũ

Dưới góc độ của doanh nghiệp xuất khẩu gạo, ông Nguyễn Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông (ORICO) cho biết khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là phải mua nguyên liệu với giá rất cao để chế biến xuất khẩu. Hiện nay, giá lúa vẫn chưa chấm dứt đà tăng và cũng khó tìm được nguồn hàng để mua.

"Giá lúa tăng lên 7.000 – 8.000 đồng/kg và đứt gãy chuỗi cung ứng ngoài đồng là do các thương lái mua, sang tay hưởng chênh lệch rất lớn nhưng chưa có hành lang pháp lý kiểm soát, chế tài. Đây cũng là việc khá nghiêm trọng, đẩy giá thành sản phẩm lên cao cần được các cơ quan chức năng vào cuộc chấn chỉnh", ông Anh đề xuất.

Theo Nhà Đầu tư
Cùng chuyên mục