Xuất khẩu rau quả lần đầu chạm mốc 2 tỉ USD và tham vọng tại thị trường Châu Âu

05/08/2019 12:47 GMT+7
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu rau quả ước đạt 2,06 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2018.

Cụ thể, giá trị xuất khẩu rau quả tháng 6/2019 ước đạt 298 triệu USD. Trong đó, mặt hàng rau có giá trị xuất khẩu ước đạt 272 triệu USD, tăng 1,1% và mặt hàng trái cây có giá trị là 1,6 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam với trên 73% thị phần, tăng nhẹ 1% về giá trị so với cùng kì 2018, đạt 1,31 tỷ USD. Tiếp đến là Mỹ với 58,53 triệu USD, chiếm 3,25%, Hàn Quốc với 55,48 triệu USD, chiếm 3,08%, Nhật Bản với 49,98 triệu USD, chiếm 2,77%. Ngoài ra, các thị trường có giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh là Iceland (gấp 10,3 lần), Panama (gấp 7,6 lần), Guam (gấp 5,1 lần), Lào (gấp 2,9 lần), Hồng Kông (tăng 52,09%), Hà Lan (tăng 37,21%).

Các mặt hàng rau củ xuất khẩu chủ yếu hiện nay là loại trái cây tươi như thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít và chôm chôm. Trong thời gian tới, Việt Nam có thể sẽ hoàn thiện các thủ tục để đưa thêm một số trái cây như sầu riêng, bưởi, na, roi, dừa, chanh leo... ra thị trường thế giới.

Infographic tình hình xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm 2019.

Nguồn: TTXVN

Trong bối cảnh Trung Quốc không còn là một thị trường dễ tính khi ngày càng xiết chặt nhập khẩu qua đường tiểu ngạch và đòi hỏi rõ ràng nguồn gốc xuất xứ, việc tìm kiếm những thị trường mới là một việc tất yếu. Và khi chúng ta xuất khẩu sang được các thị trường lớn như Châu Âu sẽ không những nâng cao giá trị hàng hóa nông sản Việt Nam mà còn giúp ổn định đầu ra, không bị quá phụ thuộc vào một thị trường.

Châu Âu là thị trường tiềm năng xuất khẩu rau quả, trái cây của Việt Nam, để xuất khẩu sang thị trường châu Âu cần rất nhiều yếu tố, trong đó chất lượng sản phẩm phải được đặt lên hàng đầu. Theo những người mua hàng châu Âu, giấy chứng nhận và phân tích thành phần dịch hại luôn nhận được nhiều sự quan tâm như chính sản phẩm đó vậy. Điều đó chủ yếu là do mảng bán lẻ liên tục nâng cao tiêu chuẩn và các nhà nhập khẩu phải đáp ứng yêu cầu đó.

Khi các quy tắc trở nên chặt chẽ hơn, chuỗi cung ứng trở nên trực tiếp hơn, các nhà bán lẻ muốn gắn bó gần hơn với nguồn cung cấp và các nhà nhập khẩu tích hợp với người trồng để duy trì quyền kiểm soát các tiêu chuẩn chất lượng cao và đáp ứng nhu cầu của khách hàng bán lẻ. Thiết lập một sự hợp tác chặt chẽ có thể nâng cao thành công và danh tiếng của doanh nghiệp như một nhà cung cấp đáng tin cậy.

Xuất khẩu sang thị trường châu Âu chủ yếu liên quan đến cạnh tranh về giá cả, khối lượng và sự tuân thủ các quy tắc và quy định nghiêm ngặt. Nếu tạo sự khác biệt sản phẩm so với các sản phẩm khác bằng giá trị gia tăng như chất lượng, hương vị và tính bền vững, những điều này có thể làm giảm sự cạnh tranh hoặc mang lại vị thế thuận lợi hơn.

Là một quốc gia đã có FTA với EU, doanh nghiệp Việt Nam cần xác định liệu sản phẩm của mình có đủ điều kiện hưởng thuế quan ưu đãi hay không. Đồng thời xác định ưu nhược điểm so với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp từ các quốc gia khác. “Biết mình biết người”, khi chúng ta nắm rõ được những ưu thế về thuế, giá cả hay ưu thế vượt trội của sản phẩm, rau quả Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với những nước mạnh trong cùng lĩnh vực nông nghiệp.

Hội đồng châu Âu (EC) đã thông qua quyết định ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam. Cả hai hiệp định trên đã được ký vào ngày 30/6/2019 tại Hà Nội dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chỉnh phủ Nguyễn Xuân Phúc. Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản nhận định, đây là cơ hội cho ngành rau quả mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với áp lực cạnh tranh và hàng rào phi thuế quan của các thị trường nhập khẩu. Khi hàng rào thuế dần được cắt giảm thì mức độ cạnh tranh càng gia tăng mạnh, các quy định về truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu ngày càng chặt chẽ và cao hơn.

Mai Trang
Cùng chuyên mục