Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc vì khó mà "ló" khôn

14/01/2022 06:53 GMT+7
Trong khi xuất khẩu hàng rau quả tươi sang Trung Quốc gặp khó khăn, doanh nghiệp ngành rau quả của Việt Nam đã chuyển dịch mạnh sang xuất khẩu sản phẩm rau quả chế biến...

Rau quả chế biến có một năm xuất khẩu nhiều nhất tới thị trường Trung Quốc

Kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 12/2021 ước tính đạt 270 triệu USD, tăng 3,3% so với tháng trước, nhưng giảm 1,6% so với tháng 12/2020. Tính chung năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam ước tính đạt 3,52 tỷ USD, tăng 7,8% so với năm 2020.

Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc vì khó mà "ló" khôn - Ảnh 1.

Từ cuối tháng 11/2021, do gia tăng mức độ phòng, chống dịch Covid-19, lực lượng chức năng của Trung Quốc đã tăng cường một số biện pháp kiểm dịch đối với người, phương tiện nhập khẩu khiến lượng xe vận chuyển nông sản ùn ứ ở cửa khẩu rất lớn, có thời điểm lên đến 4.000 phương tiện. Trong ảnh: Nhiều chủ xe bán tháo mít ven đường. Ảnh: Gia Tưởng

Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc vì khó mà "ló" khôn - Ảnh 2.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 trong quý III/2021, nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu rau quả ở mức cao trong nửa đầu năm 2021 đã góp phần thúc đẩy ngành hàng rau tăng trưởng khá trong năm 2021. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã năng động, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm xuất khẩu theo xu hướng thị trường, góp phần thúc đẩy ngành rau quả vượt qua khó khăn, đạt được kết quả tích cực trong năm 2021. 

Cụ thể, quả tươi chiếm 66,7% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả trong 11 tháng năm 2021, giảm 0,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020, đạt 2,2 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thanh long là chủng loại quả xuất khẩu chính, tuy nhiên trị giá xuất khẩu chủng loại quả này giảm trong 11 tháng năm 2021. Xuất khẩu thanh long chủ yếu sang Trung Quốc, chiếm 89,7% tổng trị giá, đạt 837 triệu USD, giảm 13,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, trị giá xuất khẩu quả thanh long sang các thị trường như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Hà Lan, Hàn Quốc đều tăng. 

Ngược lại, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhiều chủng loại quả trong 11 tháng năm 2021 lại tăng nhanh như: Quả xoài đạt 245,2 triệu USD, tăng 21,1%; quả chuối đạt 217,9 triệu USD, tăng 46%; quả sầu riêng đạt 166,6 triệu USD, tăng 47,1%... 

Trong khi đó sản phẩm rau quả chế biến chiếm 25,6%, tăng 2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020. Sản phẩm rau quả chế biến luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao, ngay cả trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Trong 11 tháng năm 2021, trị giá xuất khẩu mặt hàng này đạt 831,2 triệu USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2020. 

Sản phẩm rau quả chế biến đã có một năm xuất khẩu nhiều nhất tới thị trường Trung Quốc, đạt 225,6 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, trong khi xuất khẩu hàng rau quả tươi sang Trung Quốc gặp khó khăn, doanh nghiệp ngành rau quả của Việt Nam đã chuyển dịch mạnh sang xuất khẩu sản phẩm rau quả chế biến. 

Tiếp theo là xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ đạt 97,8 triệu USD, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2020; tới Nhật Bản đạt 75,6 triệu USD, tăng 10,4%; tới Nga đạt 51,4 triệu USD, tăng 30,4%...

Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc vì khó mà "ló" khôn - Ảnh 3.

Trong khi xuất khẩu hàng rau quả tươi sang Trung Quốc gặp khó khăn, doanh nghiệp ngành rau quả của Việt Nam đã chuyển dịch mạnh sang xuất khẩu sản phẩm rau quả chế biến.

Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc vì khó mà "ló" khôn

Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu hàng rau quả chế biến (mã HS 20) của nước này trong tháng 11/2021 đạt 211,86 triệu USD, tăng 31,7% so với tháng 11/2020. Trong 11 tháng năm 2021, nhập khẩu hàng rau quả chế biến của Trung Quốc đạt 1,48 tỷ USD, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc vì khó mà "ló" khôn - Ảnh 4.

Nguồn: Cơ quan Hải quan Trung Quốc

Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu chủng loại hàng rau quả chế biến từ hầu hết các thị trường cung cấp, trừ thị trường Thái Lan. Trong đó, Hoa Kỳ và Việt Nam là 2 thị trường cung cấp lớn nhất chủng loại hàng rau quả chế biến cho Trung Quốc trong 11 tháng năm 2021. Trung Quốc nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 278 triệu USD, tăng 67,5% so với cùng kỳ năm 2020; nhập khẩu từ Việt Nam đạt 213 triệu USD, tăng 34,9%; tỷ trọng nhập khẩu từ 2 thị trường này đều tăng so với cùng kỳ năm 2020.

Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc vì khó mà "ló" khôn - Ảnh 5.

Nguồn: Cơ quan Hải quan Trung Quốc

Thực tế, giai đoạn 2016 – 2020, tăng trưởng xuất khẩu hàng rau quả chế biến của Việt Nam sang Trung Quốc chưa thật cao, năm 2020 xuất khẩu hàng rau quả chế biến của Việt Nam sang Trung Quốc còn chỉ tăng 4,4% so với năm 2019. Song năm 2021, rau quả chế biến của ta đã tăng mạnh sang Trung Quốc, cho thấy "trong cái khó ló cái khôn" của ngành rau quả Việt Nam. Năm 2021, xuất khẩu hàng rau quả tươi sang Trung Quốc gặp khó khăn, doanh nghiệp ngành rau quả của Việt Nam đã chuyển dịch thành công sang sản phẩm rau quả chế biến. 

Ngành rau quả Việt Nam đã khá thành công khi tăng xuất khẩu được rau quả chế biến sang Trung Quốc, đáp ứng được yêu cầu khắt khe về chất lượng, sự đa dạng của sản phẩm. Ngành hàng rau quả Việt Nam đã có sự chuyển dịch mạnh sang phân khúc chế biến các sản phẩm sấy khô, nước ép đóng hộp... Bên cạnh đó, khi phát triển theo hướng chế biến, rau quả Việt Nam có thể kiểm soát được giá thành, nâng giá trị hàng hoá gấp 3 - 4 lần so với giá quả tươi. Việc đưa trái cây, rau củ vào chế biến sâu sẽ tăng thời gian bảo quản, giúp thoát được tình trạng dư cung, ùn ứ cửa khẩu với Trung Quốc. 

Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc vì khó mà "ló" khôn - Ảnh 6.

Xe container chở hàng hoá ùn ứ tại các cửa khẩu ở TP.Móng Cái khi phía Trung Quốc tạm dừng thông quan tại các cửa khẩu trên địa bàn thành phố Đông Hưng từ ngày 21/12/2021. Ảnh: Phạm Sơn

Dự báo năm 2022, rau quả chế biến vẫn sẽ là chủng loại sản phẩm có tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc bởi sự tiện lợi và thời gian bảo quản lâu. Việc đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chế biến sẽ làm tăng giá trị xuất khẩu toàn ngành hàng rau quả, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhu cầu của Trung Quốc ngày càng tăng đối với các sản phẩm rau quả chất lượng cao mà không thay đổi các đặc tính dinh dưỡng. 

Theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2022, Việt Nam sẽ vẫn là nguồn cung cấp rau quả chế biến lớn cho Trung Quốc. Nếu vấn đề ùn ứ cửa khẩu được hai bên giải quyết tốt, lượng rau quả tươi và chế biến của Việt Nam hoàn toàn có thể xuất mạnh sang thị trường hơn tỷ dân này ngay từ những tháng đầu năm. Phía Việt Nam vẫn đang đề nghị Trung Quốc tiếp tục mở rộng nhập khẩu hàng hóa và đẩy nhanh mở cửa thị trường đối với một số loại nông sản, hoa quả của Việt Nam; nhấn mạnh Việt Nam đang quyết liệt thực hiện phương châm “an toàn để xuất khẩu, xuất khẩu phải an toàn”.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục