Xuất khẩu rau quả Việt Nam: Cơ hội từ các thị trường mới
Cơ hội từ các thị trường mới
Khi thị trường lớn Trung Quốc không còn là nơi xuất khẩu rau quả chủ đạo với kim ngạch giảm 14,5% trong 10 tháng đầu năm 2019, tương đương mức kim ngạch chỉ đạt 2,08 tỷ USD thì sự tìm kiếm những thị trường mới là điều tất yếu. Nguyên nhân cho việc sụt giảm này đến từ Trung Quốc thắt chặt các quy định nhập khẩu và chuyển từ đường "tiểu ngạch" sang chính ngạch. Tuy đã được dự đoán từ trước nhưng việc chậm trễ thay đổi đã khiến ngành xuất khẩu nông sản Việt Nam đã có một phen "lao đao" và rất cần các giải pháp khắc phục.
Tuy nhiên, bù lại xuất khẩu rau quả Việt Nam sang các thị trường chính khác đều đạt mức tăng trưởng trên 10%, cụ thể: ASEAN tăng 26,6% (đạt 146,4 triệu USD), Hoa Kỳ tăng 10,7% (đạt 124,6 triệu USD), EU tăng 32,2% (đạt 121,7 triệu USD), Hàn Quốc tăng 12,4% (đạt 107,4 triệu USD), Nhật Bản tăng 26,2% (đạt 100,7 triệu USD)…
Cơ cấu thị trường xuất khẩu rau quả có những chuyển dịch tích cực khi giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và tăng tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: EU, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản… Hàng rau quả vẫn là mặt hàng đầy tiềm năng của Việt Nam với khả năng tăng trưởng tốt ở nhiều thị trường mới. Việc giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc có thể sẽ là cơ hội mới để ta đa dạng hóa thị trường và tập trung vào các thị trường khó tính hơn.
Các thị trường châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN,…) tuy vẫn chiếm tỉ trọng nhỏ nhưng lại rất có tiềm năng và dư địa phát triển. Dự đoán trong tương lai, xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng do quy mô thị trường và sức tiêu thụ lớn, thói quen tiêu dùng tương đồng, vị trí địa lý thuận lợi cho việc vận chuyển, mức thuế nhập khẩu các mặt hàng rau quả từ Việt Nam hầu hết đều đã về 0% do thực thi các Hiệp định thương mại tự do (ATIGA, VKFTA, VJEPA).
Từ nay tới cuối năm và tương lai xa hơn, Bộ NN&PTNT xác định sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trao đổi với phía Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu rau quả nói chung cũng như các mặt hàng nông sản khác nói riêng. Đáng chú ý, ông Dương chia sẻ: "Bộ NN&PTNT đã có kế hoạch cụ thể để mở cửa thị trường, thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Hiện nay, mặt hàng đang được thúc đẩy khá tích cực là sầu riêng. Bắt đầu nộp hồ sơ từ đầu năm 2019, hy vọng đến năm 2020, sầu rêng sẽ được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Sau sầu riêng, các loại trái cây tiềm năng khác sẽ được thúc đẩy mở cửa thị trường tại Trung Quốc là: Dừa, bưởi, chanh leo, na, bơ…".
Theo Businesswire.com, dự báo thị trường trái cây và rau quả hữu cơ thế giới giai đoạn 2019 - 2024 sẽ tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 9%. Nguồn cung cấp trái cây và rau quả hữu cơ vẫn còn hạn chế do chí phí sản xuất cao.
Mặc dù giá trái cây và rau quả hữu cơ cao do chi phí sản xuất cao hơn, nhưng vẫn có một bộ phận người tiêu dùng sẵn sàng mua vì lợi ích đối với sức khỏe.
Bắc Mỹ hiện là thị trường lớn nhất cho trái cây và rau quả hữu cơ, tiếp theo là châu Âu, châu Á - Thái Bình Dương.