Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ bị ảnh hưởng vì lạm phát
Theo Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 7 giá trị xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ giảm 30,5% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 163,9 triệu USD.
Trong đó, giá trị xuất khẩu hai mặt hàng chủ lực sang thị trường Mỹ là tôm và cá tra đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, xuất khẩu tôm giảm 53,6%, ở mức 67 triệu USD; giá trị xuất khẩu mặt hàng cá tra là 31,9 triệu USD, giảm 4%.
Mới đây, số liệu của Hiệp hội Công nghệ thực phẩm Mỹ (FMI), lạm phát Mỹ tăng nhanh đã khiến người tiêu dùng giảm mua. Tháng 7 giá thủy sản tăng 16,8%, giá thực phẩm đông lạnh cũng tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. FMI lưu ý, con số trên chỉ ra rằng giá thủy sản đang tăng nhanh hơn so với chuỗi phân khúc nhóm hàng hóa thực phẩm khác. Người Mỹ đang phải thắt lưng buộc bụng trong mua sắm. 61% trong số 1.500 người được FMI khảo sát vào đầu tháng 8 cho biết, họ lo ngại về lạm phát gia tăng ở các hàng tạp hóa. Do giá cao, 21% người tiêu dùng đã giảm lượng mua sản phẩm thịt và thủy sản tươi sống, 15% cho biết đổi sang mua nhiều mặt hàng thịt và thủy sản đông lạnh hơn, 12% đang mua nhiều thịt và thủy sản đóng hộp hơn do giá thấp hơn sản phẩm tươi sống.
Theo chuyên gia thị trường cá ngừ VASEP, bà Nguyễn Hà, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ tháng 7 vẫn tăng hơn 33%, ở mức 38 triệu USD so với cùng kỳ năm trước, nhưng giá trị đã giảm gần một nửa so với tháng trước đó. Bà Hà cho rằng lạm phát cao thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm cá ngừ giá rẻ nên nhập khẩu cá ngừ chế biến và đóng hộp mã HS16 của Mỹ đã tăng trở lại trong 3 tháng qua, nhất là các sản phẩm cá ngừ hấp đông lạnh – nguyên liệu để chế biến cá ngừ đóng hộp. Nhưng, hiện nay, theo số liệu của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), giá mặt hàng cá ngừ đông lạnh của Việt Nam vẫn cao hơn so với Thái Lan, Indonesia, Ecuador, Mexico 3 - 4,5 USD/kg.
Nhu cầu thủy sản sẽ giảm trong nửa cuối năm
Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại VASEP cho biết, nhu cầu thủy sản toàn cầu đã đạt đỉnh và sẽ giảm trong 6 tháng cuối năm nay. Trong bối cảnh lạm phát cao, người tiêu dùng cũng sẽ ưu tiên cho các loài có giá vừa phải phù hợp với thu nhập đang bị sụt giảm. Tôm nhỏ, cá tra, chả cá, surimi, cá biển nhỏ vẫn có nhu cầu cao nhưng giá sẽ giảm so với nửa đầu năm.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta cho biết, ảnh hưởng kéo dài của Covid-19 và lạm phát do khủng hoảng giá năng lượng đã khiến nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thực phẩm có giá thành cao giảm. Trong khi đó chi phí vận chuyển, logistics vẫn ở mức cao là bất lợi lớn cho Việt Nam khi khoảng cách vận chuyển đến các thị trường đích đều rất xa. Ví dụ, chi phí vận chuyển một container từ Việt Nam đến Mỹ khoảng 20.000 USD, trong khi đó, chi phí vận chuyển một container từ Ecuador đến Mỹ chỉ khoảng 5.000 USD. Như vậy, chỉ tính về cước vận chuyển, một container tôm Việt Nam cao hơn 15.000 USD, tương đương 1 kg tôm gánh thêm 1 USD so với tôm Ecuador.
Bên cạnh đó, hiện nay lượng tiêu thụ không như trước nên hàng tồn kho của các nhà nhập khẩu còn nhiều. Do đó, một số khách hàng thậm chí đòi hoãn, giãn hoặc hủy hợp đồng đã ký, ông Lực cho biết.
Theo nhận định của đại diện Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thuỷ sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), lạm phát đang tăng nhanh không chỉ ở thị trường Mỹ. Điều này đang tác động trực tiếp tới hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường này trong những tháng cuối năm. Do đó, cả người nông dân và doanh nghiệp cần thận trọng theo dõi diễn biến thị trường để điều chỉnh lượng nuôi và chế biến cho hợp lý.