Xuất khẩu tôm sang 3 thị trường chính sẽ khả quan trong năm 2020

28/01/2020 06:30 GMT+7
Ngành thủy sản năm 2019 đã trải qua không ít thăng trầm gồm cả khó khăn và thuận lợi. Mặc dù không đạt được chỉ tiêu như kì vọng nhưng vẫn thấy những dấu hiệu khả quan khi xuất khẩu sang các thị trường chính có sự tăng nhẹ.

Theo Tổng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích nuôi tôm của cả nước trong năm 2019 ước đạt 720 nghìn ha, sản lượng tôm nước lợ ước đạt 750 nghìn tấn, bằng 98,3% so với năm 2018. Trong đó, sản lượng tôm sú là 270.000 tấn, tôm chân trắng 480.000 tấn. 

Cùng với việc nhu cầu thị trường nhích lên, sản lượng tôm và giá tôm trong nước và thế giới được cải thiện, tạo đà cho xuất khẩu tôm những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020. 

Năm 2020, Tổng Cục Thủy sản đặt mục tiêu thả nuôi tôm nước lợ là 730 nghìn ha, tăng 10.000 ha so với năm 2019.

Xuất khẩu tôm của Việt Nam năm qua ước đạt 3,38 tỷ USD, giảm gần 5% so với năm 2018. Mặc dù không đạt kết quả khả quan như kỳ vọng nhưng xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường nhập khẩu chính cũng cho thấy những tín hiệu tích cực trong năm 2020.

Xuất khẩu tôm tăng khả quan trong năm 2020 - Ảnh 1.

Nửa đầu năm 2019, sản lượng tôm tăng, giá tôm nguyên liệu giảm, trong khi lượng tồn kho tôm tại các thị trường cao, nguồn cung tôm từ các nước khác cũng tăng khiến giá tôm nhập khẩu tại các thị trường hạ thấp hơn so với năm ngoái, do vậy xuất khẩu tôm tiếp tục xu hướng sụt giảm từ năm 2018. Xuất khẩu giảm chủ yếu do kết quả xuất khẩu nửa đầu năm kém, nửa cuối năm xuất khẩu hồi phục dần dần.

Thị trường đứng đầu: EU

EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 20,6% trong tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. Năm 2019, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU ước đạt 696,2 triệu USD, giảm 16,9% so với năm 2018.

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU năm 2019 sụt giảm so với năm 2018 tuy nhiên Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực năm 2020 có thể tạo kỳ vọng cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này trong năm 2020.

Theo EVFTA, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) nhập khẩu vào EU sẽ được giảm từ mức thuế cơ bản 12-20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, thuế nhập khẩu tôm chế biến sẽ về 0% sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực.

Xuất khẩu tôm tăng khả quan trong năm 2020 - Ảnh 2.

Tôm Việt có nhiều lợi thế cạnh tranh so với các thị trường khác

Về lợi thế cạnh tranh thuế nhập khẩu vào EU so với các nước sản xuất khác, lợi thế rõ rệt với tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh xuất khẩu khi tôm sú được giảm từ mức thuế GSP 4,2% về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, tôm chân trắng đông lạnh sẽ giảm dần về 0% sau 5 năm, trong khi Thái Lan không được hưởng GSP, không ký FTA, bị mức thuế cơ bản 12%, Ấn Độ không có FTA chịu thuế GSP 4,2%, Indonesia hưởng thuế GSP4,2%, Ecuador thuế cơ bản 12%.

Khu vực EU thu nhập đầu người cao, sản phẩm càng nhiều tiện ích càng được ưa chuộng, phân khúc thị trường cao cấp rộng, đủ dư địa các doanh nghiệp tôm Việt lựa chọn các hệ thống phân phối thuỷ sản vừa tầm cung ứng của mình.

Thị trường tiềm năng: Mỹ

Mỹ đứng thứ 2 về nhập khẩu tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng 19,5%. Năm 2019, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Mỹ ước đạt 646,6 triệu USD, tăng 1,4% so với năm 2018.

Từ đầu năm 2019, mặc dù tăng trưởng không cao nhưng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ duy trì được giá trị xuất khẩu ổn định so với năm 2018. Nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ từ Việt Nam giai đoạn cuối năm 2019 tích cực hơn nhờ Mỹ có xu hướng giảm nhập khẩu từ Ấn Độ, Thái Lan và giảm mạnh nhập khẩu từ Trung Quốc.

Xuất khẩu tôm tăng khả quan trong năm 2020 - Ảnh 3.

Trong tháng 8/2019, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ với 31 doanh nghiệp được hưởng mức thuế 0%. Thông tin này giúp tạo thêm động lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ.

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung khiến Mỹ tăng thuế 25% đối với 250 tỷ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong đó có sản phẩm tôm. xuất khẩu tôm của Trung Quốc sang Mỹ càng thêm khó khăn, tạo cơ hội cho các nguồn cung đối thủ của Trung Quốc trên thị trường Mỹ trong đó có Việt Nam.

Mặt hàng tôm bao bột từ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ cạnh tranh tốt hơn với Trung Quốc trên thị trường Mỹ. 10 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu tôm bao bột từ Việt Nam sang Mỹ đạt 9.045 tấn, trị giá 64,9 triệu USD, tăng 52% về khối lượng và 49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. xuất khẩu tôm bao bột từ Trung Quốc sang Mỹ đạt 16.113 tấn, trị giá 85,3 triệu USD, giảm 31% về khối lượng và giảm 38% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Xuất khẩu tôm tăng khả quan trong năm 2020 - Ảnh 4.

Theo số liệu mới nhất của FAS.USDA,

Nhật Bản có sự giảm nhẹ

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản năm 2019 ước đạt trên 626 triệu USD, giảm 2% so với năm 2018. Trong cơ cấu tôm xuất khẩu sang Nhật Bản, tôm chân trắng chiếm 58%, tôm sú 23,4% và tôm biển 18,7%.

Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản năm 2019 chỉ giảm nhẹ so với năm 2018. Các Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản phần nào giúp duy trì ổn định giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này.

Thế vận hội Olympics Tokyo 2020 sẽ thúc đẩy tiêu dùng thủy sản trên thị trường Nhật Bản, đặc biệt là tôm nên nhu cầu tiêu thụ tôm dự kiến tăng, tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu tôm trên thế giới.

Năm 2020, xuất khẩu tôm đạt 5,5 tỷ USD

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025. Theo đó, phát triển ngành tôm Việt Nam trở thành ngành công nghiệp sản xuất lớn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước.

Mục tiêu giai đoạn 2017 - 2020, giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 5,5 tỷ USD (tăng trưởng bình quân đạt 10,79%/năm) trong đó giá trị kim ngạch tôm nước lợ xuất khẩu là 4,5 tỷ USD; tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 710.000 ha; tổng diện tích nuôi tôm càng xanh tập trung đạt 30.000 ha; nuôi tôm hùm đạt 1.000.000m3 lồng; tổng sản lượng tôm nuôi đạt 832.500 tấn (tăng trưởng bình quân đạt 5,63%/năm). Trong đó tôm nước lợ đạt 800.000 tấn; tôm càng xanh đạt 30.000 tấn; tôm hùm đạt 2.500 tấn.

Giai đoạn 2021-2025, ngành công nghiệp tôm công nghệ cao được hình thành ở các vùng sản xuất trọng điểm; vùng nuôi tôm hữu cơ được áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm dựa trên các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ kỹ thuật được đầu tư đồng bộ.

Phấn đấu tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm tôm đạt 10 tỷ USD (tăng trưởng bình quân đạt 12,7%/năm), trong đó giá trị kim ngạch tôm nước lợ xuất khẩu là 8,4 tỷ USD; tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 750.000 ha; diện tích nuôi tôm càng xanh tập trung đạt 50.000 ha; nuôi tôm hùm đạt 1.300.000 m3 lồng; tổng sản lượng tôm nuôi đạt 1.153.000 tấn (tăng trưởng bình quân đạt 6,73%/năm). Trong đó tôm nước lợ đạt 1.100.000 tấn; tôm càng xanh đạt 50.000 tấn và tôm hùm đạt 3.000 tấn.

Mai Trang
Cùng chuyên mục