Xuất toán nợ xấu đã xử lý rủi ro ra ngoại bảng, ngân hàng phải được ĐHĐCĐ thông qua

06/08/2021 07:16 GMT+7
Sau 5 năm, nợ đã xử lý bằng trích lập nhưng không đòi được sẽ cho xuất toán khỏi ngoại bảng. Tuy nhiên, đối với các ngân hàng TMCP tư nhân, việc xuất toán nợ ra khỏi ngoại bảng phải được Đại hội đồng cổ đông thông qua....

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 11/2021/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/10/2021.

Xuất toán nợ xấu đã xử lý rủi ro ra ngoại bảng, ngân hàng phải được ĐHĐCĐ thông qua - Ảnh 1.

Sau thời gian tối thiểu 5 năm, từ ngày sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro và sau khi đã thực hiện tất cả các biện pháp để thu hồi nợ nhưng không thu hồi được, tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài được quyết định xuất toán nợ đã xử lý rủi ro ra khỏi ngoại bảng. (Ảnh: SBV)

Lấy dự phòng rủi ro xử lý nợ xấu, ngân hàng không được báo cho "con nợ"

Theo Thông tư 11, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong trường hợp sau: Khách hàng là tổ chức bị giải thể, phá sản, cá nhân bị chết, mất tích; Các khoản nợ được phân loại vào nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn).

Việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro là hình thức thay đổi hạch toán đối với khoản nợ, chuyển khoản nợ được xử lý rủi ro ra hạch toán trên các tài khoản ngoại bảng; là công việc nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; không làm thay đổi nghĩa vụ trả nợ của khách hàng đối với khoản nợ được sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến khoản nợ.

Do đó, để đảm bảo ý thức và nghĩa vụ trả nợ của khách hàng, Thông tư bổ sung quy định: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được thông báo cho khách hàng về việc khoản nợ đã được sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro.

Đồng thời, sau khi xử lý rủi ro, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải theo dõi, có các biện pháp thu hồi nợ đầy đủ, triệt để đối với khoản nợ được xử lý rủi ro, trừ trường hợp khoản nợ sau khi xử lý rủi ro được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bán cho tổ chức, cá nhân, thu được đầy đủ tiền bán nợ theo Hợp đồng mua, bán nợ.

Số tiền thu hồi được từ nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, kể cả số tiền thu hồi được từ việc xử lý tài sản bảo đảm, được coi là doanh thu trong kỳ kế toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Cho phép xuất toán nợ đã xử lý rủi ro khỏi ngoại bảng sau 5 năm

Thông tư mới cũng sửa đổi các khái niệm về dự phòng cụ thể, dự phòng chung, nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, bổ sung khái niệm nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Dự thảo cũng điều chỉnh nguyên tắc tự phân loại các khoản nợ cấp tín dụng hợp vốn, với nợ đã bán, ủy thác cấp tín dụng, với nợ đã mua...

Xuất toán nợ xấu đã xử lý rủi ro ra ngoại bảng, ngân hàng phải được ĐHĐCĐ thông qua - Ảnh 3.

Nguyên tắc và tỷ lệ trích lập dự phòng đối với từng nhóm nợ vẫn được giữ nguyên so với Thông tư 02. (Ảnh: VPB)

Đáng chú ý, với việc thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng hàng tháng được rút ngắn từ 15 ngày xuống 7 ngày đầu tiên của tháng và gửi về CIC.

Trong 3 ngày sau khi nhận được kết quả phân loại nợ của ngân hàng, CIC tổng hợp danh sách khách hàng theo nhóm nợ và cung cấp cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trong 3 ngày kể từ khi nhận được danh sách từ CIC, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài điều chỉnh nhóm nợ theo danh sách CIC cung cấp.

Về nguyên tắc và tỷ lệ trích lập dự phòng đối với từng nhóm nợ vẫn được giữ nguyên so với Thông tư 02.

Trong đó, toàn bộ dư nợ của một khách hàng tại một tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được phân loại vào cùng một nhóm nợ.

Tỷ lệ trích lập dự phòng đối với từng nhóm nợ gồm: nợ tiêu chuẩn không phải trích lập, nợ cần chú ý trích lập 5%, nợ dưới chuẩn trích lập 20%, nợ nghi ngờ trích lập 50% và nợ có khả năng mất vốn trích lập 100%. Mức trích lập dự phòng chung phải trích được xác định bằng 0,75% tổng số dư các khoản nợ từ nhóm 1 đến nhóm 4.

Xuất toán nợ xấu đã xử lý rủi ro ra ngoại bảng, ngân hàng phải được ĐHĐCĐ thông qua - Ảnh 4.

Xuất toán nợ đã xử lý rủi ro ra ngoại bảng, ngân hàng phải được ĐHĐCĐ thông qua. (Ảnh: NDH)

Thông tư mới cũng quy định sau thời gian tối thiểu 5 năm, từ ngày sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro và sau khi đã thực hiện tất cả các biện pháp để thu hồi nợ nhưng không thu hồi được, tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài được quyết định xuất toán nợ đã xử lý rủi ro ra khỏi ngoại bảng.

Đối với ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, việc xuất toán nợ ra khỏi ngoại bảng quy định chỉ được thực hiện khi có hồ sơ, tài liệu chứng minh đã thực hiện tất cả các biện pháp thu hồi nợ nhưng không thu được nợ và phải được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt bằng văn bản sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính.

Đối với tổ chức tín dụng là công ty cổ phần, các ngân hàng TMCP tư nhân, việc xuất toán nợ ra khỏi ngoại bảng quy định chỉ được thực hiện khi có hồ sơ, tài liệu chứng minh đã thực hiện tất cả các biện pháp thu hồi nợ nhưng không thu được nợ và phải được Đại hội đồng cổ đông thông qua....

H.Anh
Cùng chuyên mục