125.000 tỷ đồng nợ xấu: Phân hóa mạnh, 4 “ông lớn” quốc doanh “ôm” 67.000 tỷ

05/08/2021 09:23 GMT+7
Sau 6 tháng đầu năm, bức tranh nợ xấu ngân hàng đang dần hé lộ với sự phân hoá mạnh giữa các nhà băng. Trong đó, riêng 4 “ông lớn” quốc doanh quy mô nợ xấu gần 67.000 tỷ đồng. Lịch sử hệ thống NHTM Việt Nam lần đầu tiên ghi nhận có trường hợp tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,36%

Nam Á Bank nợ xấu tăng 83%, quy mô nợ xấu 4 "ông lớn" ngân hàng quốc doanh gần 67.000 tỷ đồng

Theo thống kê số liệu từ báo cáo tài chính quý II/2021 của gần 30 ngân hàng, tổng số dư nợ xấu các nhà băng đến thời điểm 30/6/2021 đã tăng 4,5% so với cuối năm trước với gần 125.000 tỷ đồng.

Trong đó, 58,6% số ngân hàng được thống kê có số dư nợ xấu tăng so với đầu năm với số dư nợ xấu trên 81.600 tỷ đồng.

125.000 tỷ đồng nợ xấu: Phân hóa mạnh, 4 “ông lớn” quốc doanh “ôm” 67.000 tỷ - Ảnh 1.

Tổng hợp báo cáo tài chính quý II/2021.

Xét về tốc độ tăng dư nợ xấu trong nửa đầu năm, Nam A Bank dẫn đầu với mức tăng lên tới 83% lên 1.362 tỷ đồng.

Tiếp theo là 2 "ông lớn" quốc doanh VietinBank và Vietcombank với 14.477 tỷ đồng và 6.865 tỷ đồng dư nợ xấu tính đến cuối tháng 6/2021. Con số này lần lượt tăng tương ứng 52% và 31% sau nửa năm.

Số dư nợ xấu tăng trên 20% còn có ACB và SHB. Cuối quý II/2021, dư nợ xấu của ACB là 2.330 tỷ đồng (tăng 27%) và SHB (tăng 20%).

Trong 4 ngân hàng quốc doanh, quy mô nợ xấu của Agribank hơn 24.400 tỷ đồng tính đến cuối quý II/2021.

Tiếp theo là BIDV đứng kế sau đó với quy mô nợ xấu ở mức 21.141 tỷ đồng

Hai nhà băng còn lại trong nhóm big4 là VietinBank và Vietcombank đứng lần lượt ở vị trí thứ 3 và thứ 5.

125.000 tỷ đồng nợ xấu: Phân hóa mạnh, 4 “ông lớn” quốc doanh “ôm” 67.000 tỷ - Ảnh 2.

Tổng dư nợ cho vay khách hàng của 4 ngân hàng quốc doanh đạt trên 4,5 triệu tỷ đồng cuối tháng 6/2021.

Đáng chú ý, mặc dù đều nằm trong TOP các ngân hàng có số quy mô xấu lớn nhất hệ thống song giữa 4 "ông lớn" này cũng có sự phân hóa khi dư nợ xấu tại BIDV giảm 1% trong nửa đầu năm. Trong khi đó, 3 "ông lớn" ngân hàng quốc doanh còn lại có quy mô nợ xấu tăng từ 13,5% - 52%.

Nhờ đó, tỷ lệ nợ xấu tại BIDV giảm 1,1%. BIDV cũng là "ông lớn" ngân hàng quốc doanh duy nhất có nợ xấu giảm sau 6 tháng đầu năm.

Nếu chỉ tính riêng nhóm 4 ngân hàng quốc doanh, số dư nợ xấu đã "ăn đứt" 53,6% (khoảng 67.000 tỷ đồng) trong tổng số dư nợ xấu của gần 30 ngân hàng được thống kê. Tuy nhiên, nhóm 4 ngân hàng quốc doanh hiện đang chiếm 56% tổng dư nợ cho vay khách hàng của gần 30 ngân hàng. Điều này đồng nhĩa  nợ xấu cao vẫn nằm ở nhóm ngân hàng ngoài quốc doanh.

Tại nhóm ngân hàng tư nhân, nhà băng có nhiều nợ xấu nhất tính đến cuối quý II thuộc về VPBank với 10.801 tỷ đồng (tăng 8,8%). Trong đó, riêng nợ xấu của FE Credit chiếm khoảng 50%.

Ngoài ra, top 10 ngân hàng có số dư nợ xấu lớn nhất tính đến hết 30/6 còn bao gồm SHB, Sacombank, SCB, VIB và LienVietPostBank.

Ngược lại, trong nhóm nhà băng có dư nợ xấu giảm, Kienlongbank giảm mạnh nhất với mức giảm lên tới 72%, xuống còn 510 tỷ đồng. Tiếp theo là SCB và MB giảm lần lượt là 61% và 22%.

125.000 tỷ đồng nợ xấu: Phân hóa mạnh, 4 “ông lớn” quốc doanh “ôm” 67.000 tỷ - Ảnh 3.

Tổng hợp báo cáo tài chính quý II/2021.

Chưa có tiền lệ, tỷ lệ nợ xấu thấp kỷ lục chỉ 0,36%

Xét về tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay khách hàng tại gần 30 ngân hàng được thống kê, số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu sụt giảm trong nửa đầu năm chiếm quá nửa. Tuy nhiên, mức sụt giảm dao động từ 0,01% - 1,45%. Cá biệt, chỉ có Kienlongbank có tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh từ mức 5,42% xuống chỉ còn 1,43%.

Hiện, tỷ lệ nợ xấu cao nhất hệ thống thuộc về VPBank với 3,47%, tăng 0,06% so với đầu năm.

Tiếp theo là VietCapital Bank và PG Bank với tỷ lệ lần lượt là 2,81% và 2,67%.

125.000 tỷ đồng nợ xấu: Phân hóa mạnh, 4 “ông lớn” quốc doanh “ôm” 67.000 tỷ - Ảnh 4.

Chưa có tiền lệ, tỷ lệ nợ xấu thấp kỷ lục chỉ 0,36%.

TOP 10 nhà băng có tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng cao nhất còn xuất hiện những cái tên khác như SHB (2,02%); MSB (2,02%); Eximbank (2.01%); Viet A Bank (2%); Agribank (1,9%); Viet Bank (1,91%).

Ngược lại, TOP nhà băng có tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng dưới 1% bao gồm: SCB, Bac A Bank, MB, VietcomBank; ACB, Techcombank.

Techcombank gây chú ý nhất khi tỷ lệ nợ xấu xuống mức cực thấp - đây cũng là trường hợp đầu tiên trong lịch sử hệ thống NHTM Việt Nam một ngân hàng thương mại cổ phần có tỷ lệ nợ xấu thấp chỉ 0,36%, trong khi theo chuẩn mực phân loại khắt khe hơn so với tất cả các giai đoạn trước đây.

Theo báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 mới đây của Chính phủ, ước tính đến cuối tháng 6, tỷ lệ nợ xấu nội bảng khoảng 1,78% - 2%.

Nếu tính thêm cả nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ (không bao gồm nợ xấu của các ngân hàng thương mại yếu kém) thì tỷ lệ nợ xấu hệ thống khoảng 2,91% - 3,15%, vẫn thấp hơn mục tiêu đề ra là dưới 5%.

Báo cáo cho biết trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, dự báo, đến cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD ước đạt 1,54% - 1,91%.

Nếu tính thêm nợ bán cho VAMC, nợ tiềm ẩn, các khoản được cơ cấu lại không chuyển nhóm nợ theo Thông tư số 01, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD dự báo ở mức 4,56% - 4,98% cuối năm 2021 và có thể lên đến gần 5% nếu kinh tế chậm phục hồi.

H.Anh
Cùng chuyên mục