dd/mm/yyyy

Xung phong thế chấp sổ đỏ giúp bà con vay vốn làm đường nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều tấm gương tình nguyện đem tài sản của gia đình thế chấp ngân hàng giúp bà con vay vốn làm đường bê tông. Người dân gọi họ là những người “vác tù và” thầm lặng

Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông nông thôn mới rộng rãi, phẳng phiu uốn lượn vòng quanh xóm, ông Hoàng Ngọc Tính, Bí thư Chi bộ xóm Gốc Mít, xã nông thôn mới Tức Tranh phấn khởi cho biết: Cách đây 2 năm, tuyến đường này là đường đất, trời mưa thì lầy lội, bà con đi lại rất khó khăn. Khi triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, Nhà nước hỗ trợ xóm làm đường bê tông, người dân rất phấn khởi.

Chung sức xây dựng nông thôn mới ở Thái Nguyên nhiều người dân đã tình nguyện đem tài sản để vay vốn giúp bà con làm đường bê tông
Chung sức xây dựng nông thôn mới ở Thái Nguyên nhiều người dân đã tình nguyện đem tài sản để vay vốn giúp bà con làm đường bê tông

Tuy nhiên, khi định lượng số tiền mà người dân phải nộp đối ứng, bà con lại lưỡng lự. Với gần 750m đường bê tông xóm dự kiến làm, bà con phải nộp đối ứng 180 triệu đồng, tương đương mỗi nhân khẩu là 770 nghìn đồng, có hộ phải đóng góp tới 5-6 triệu đồng. Với mức tiền nộp đối ứng tại thời điểm đó là rất khó khăn đối với nhiều hộ dân, bởi đang vụ chè đông chưa cho thu hái. Họp bàn kỹ lưỡng, cuối cùng bà con trong xóm có ý kiến đi vay tiền ngân hàng để làm đường bê tông. Phương án này được nhiều người dân ủng hộ. Nhưng, để được vay tiền ngân hàng thì phải có tài sản thế chấp. Xóm đã có nhiều hộ xung phong cho mượn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) thế chấp ngân hàng. Nhờ vậy, chỉ trong hơn 1 tháng, tuyến đường đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Ông Nịnh Văn Thật, là 1 trong 6 hộ dân ở xóm Gốc Mít đã xung phong cho mượn bìa đỏ thế chấp ngân hàng để bà con vay vốn cho biết: Lúc đó, phong trào làm đường bê tông trong xóm rầm rộ lắm. Được Nhà nước hỗ trợ 85% nên nhân dịp này bà con muốn làm lại con đường mới. Ở xóm đã có nhiều hộ dân tình nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất để làm đường giao thông nên gia đình tôi cũng đồng ý cho xóm mượn bìa đỏ thế chấp.

Bà Nguyễn Thị Chỉ, một trong những hộ dân được vay vốn làm đường bê tông, cho biết: Gia đình tôi có 7 nhân khẩu, số tiền phải nộp đối ứng làm đường là hơn 5 triệu đồng. Để có ngay số tiền đó thì gia đình chưa thu xếp được nên tôi đã đăng ký với xóm để vay tiền. Nay, gia đình cũng đã hoàn trả đầy đủ số tiền đó cho ngân hàng.

Ông Hoàng Ngọc Tính cho biết thêm: Xóm có 6 hộ dân xung phong cho mượn bìa đỏ, nhưng chúng tôi chỉ cần 3 bìa đỏ đã vay đủ số tiền 150 triệu đồng. Khi các hộ dân đồng ý cho mượn bìa đỏ, chúng tôi gồm Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm, các đồng chí trong Ban Công tác Mặt trận, Phụ nữ đã cam kết có trách nhiệm thu hồi số tiền trả cho ngân hàng. Chỉ hơn 1 năm sau đó, 42 hộ dân đăng ký vay đã hoàn trả đủ số tiền cho ngân hàng và bìa đỏ đã trả lại các hộ dân.

Không chỉ ở xóm Gốc Mít, các xóm Gốc Gạo, Minh Hợp, Quyết Tiến… cũng có nhiều hộ dân tình nguyện thế chấp tài sản của gia đình phục vụ công việc chung của xóm. Ông Trần Văn Quý, Trưởng ban Công tác Mặt trận xóm Thác Dài là một tấm gương điển hình của xóm trong việc này. Chia sẻ với chúng tôi, ông Quý cho biết: Tôi nghĩ rất đơn giản, bìa đỏ đất của gia đình lúc đó không sử dụng đến nên cho mượn, giúp các hộ dân vay vốn cùng nhau làm đường bê tông trong xóm. Có đường mới đi, không chỉ thế hệ chúng tôi mà các cháu học sinh đi lại rất thuận tiện.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Trưởng xóm Thác Dài cho biết: Xóm luôn ghi nhận sự đóng góp của ông Trần Văn Quý trong việc chung sức xây dựng nông thôn mới làm đường bê tông. Tháng 8-2016, khi xóm họp bàn làm đường trục xóm đều được người dân hưởng ứng, nhưng khi thu đối ứng có 10 hộ chưa có khả năng nộp. Do đó, ông Quý đã đứng lên thế chấp tài sản với ngân hàng để vay 60 triệu đồng cho các hộ dân này. Nay, các hộ dân đã hoàn trả đầy đu, bìa đỏ đã trả lại gia đình ông Quý.

Trao đổi về vấn đề này, bà Dương Thị Liên, Chủ tịch UBND xã nông thôn mới Tức Tranh cho biết: Thực hiện Chương trình XDNTM, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra”, xã đã triển khai rất cụ thể đến người dân và nhận được sự đồng tình hưởng ứng. Riêng về việc làm đường giao thông nông thôn, trong hơn 3 năm (từ 2011-2015), toàn xã đã làm được hơn 20km đường trục xóm, liên xóm. Có được kết quả này là nhờ sự đồng lòng, đoàn kết của nhân dân, đã tình nguyện hiến đất, tài sản trên đất.

Đặc biệt, ở nhiều xóm khó khăn, để làm được việc này, đã có không ít những cá nhân tình nguyện thế chấp tài sản của gia đình phục vụ công việc chung của xóm. Nhờ có những nhân tố này đã góp phần giúp địa phương hoàn thành 19/19 tiêu chí, về đích nông thôn mới năm 2015 theo đúng kế hoạch đề ra. Hiện nay, Tức Tranh đang phấn đấu đến hết năm 2020 sẽ là xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Kim Oanh