10 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hàng đầu đóng góp 1,5 tỷ USD
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), sau khi giảm liên tục trong nửa đầu năm do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, xuất khẩu (XK) thủy sản của Việt Nam bắt đầu hồi phục từ tháng 7 và có tăng trưởng 2 con số từ tháng 9. Trong tháng 10 tiếp tục đà tăng trưởng trên 10% với khoảng 923 triệu USD, đưa tổng XK thủy sản 10 tháng đầu năm lên gần 7 tỷ USD, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm 2019.
Mỹ, Nhật Bản, EU và Trung Quốc là 4 thị trường lớn nhất tiêu thụ thủy sản của Việt Nam trong 10 tháng qua. Trong đó xuất khẩu sang Mỹ chiếm 19,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước, đạt gần 1,35 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019.
Sự tăng trưởng của xuất khẩu thủy sản có công lớn của mặt hàng tôm, khi sản lượng tôm XK duy trì ổn định và có chiều hướng tăng trong thời gian dài.
Cụ thể, XK tôm tăng trưởng 2 con số từ tháng 6 và tăng mạnh 25% trong tháng 9 và tháng 10. Cụ thể, tháng 10, XK tôm tiếp tục đà tăng trưởng tốt từ những tháng trước với mức tăng trên 21% đạt gần 419 triệu USD, đưa tổng xuất khẩu 10 tháng lên 3,1 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ.
Tôm chân trắng đông lạnh được gia tăng xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU phục vụ cho kênh bán lẻ. Trong khi đó, tiêu thụ tôm sú sụt giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau khi sụt giảm liên tục qua các tháng với mức giảm 28-31% so với cùng kỳ, từ tháng 9, xuất khẩu cá tra đã khả quan hơn với doanh số cao hơn so với tháng trước đó và mức sụt giảm so với cùng kỳ cũng thấp dần xuống: tháng 9 giảm 17%, sang tháng 10 giảm 3% so với cùng kỳ đạt gần 175 triệu USD.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, sự tăng trưởng của ngành thủy sản trong 10 tháng qua có sự đóng góp lớn của top 10 doanh nghiệp thủy sản hàng đầu với tổng giá trị hơn 1,5 tỷ USD, chiếm 23% tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành.
Đáng chú ý trong top 10 các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản 10 tháng đầu năm 2020, có sự lên ngôi của Thủy sản Minh Phú – một "đại gia" sản xuất và xuất khẩu tôm với tổng giá trị xuất khẩu hơn 288 triệu USD, chiếm 4,15% tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành. Hay Thủy sản Sao Ta (STAPIMEX) cũng vươn lên vị trí thứ hai trong top 10 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tháng 10, đóng góp 3,55% tỷ trọng xuất khẩu.
Trong khi đó, Thủy sản Vĩnh Hoàn - doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam bị đẩy xuống vị trí số 4, thay vì số 2 hay dẫn đầu như trước đây.
STT | DOANH NGHIỆP | GT (USD) | Tỷ lệ |
| |||
GT (%) | |||
1 | MINH PHU SEAFOOD CORP | 288.098.270 | 4,15 |
2 | STAPIMEX | 246.428.026 | 3,55 |
3 | Cty CP Chế biến TS Minh Phú - Hậu Giang | 196.625.713 | 2,83 |
4 | VINH HOAN CORP | 193.742.222 | 2,79 |
5 | CASES | 158.313.196 | 2,28 |
6 | FIMEX VN | 152.513.757 | 2,20 |
7 | Cty CP TS Sạch Việt Nam | 101.620.320 | 1,46 |
8 | Cty TNHH MTV SX TM Anh Nhân | 89.449.385 | 1,29 |
9 | NHATRANG SEAFOODS F17 | 85.549.370 | 1,23 |
10 | SaiGon Food | 81.295.462 | 1,17 |
Top 10 công ty xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất 10 tháng đầu năm 2020 – Nguồn Tổng cục Hải quan
Bước sang tháng 11, bức tranh XK thủy sản tiếp tục có nhiều gam màu sáng, khi tính đến cuối tháng 11 chạm mức tương đương cùng kỳ năm 2019 là trên 7,8 tỷ USD. Dự báo XK thủy sản cả năm 2020 sẽ đạt tương đương năm 2019 với 8,58 tỷ USD.
Đối với mặt hàng tôm xuất khẩu, sang tháng 11 tiếp tục tăng 28% đạt 395 triệu USD. Tính đến hết tháng 11/2020, XK tôm đạt khoảng 3,5 tỷ USD, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2019. Với mức duy trì tốt như hiện nay, XK tôm năm 2020 dự kiến đạt trên 3,85 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2019.
Trong khi đó, XK cá tra giảm sâu từ tháng 3 đến tháng 9 với mức giảm từ 17 – 35% so với cùng kỳ năm 2019. Từ tháng 10, giá cá tra XK khả quan hơn, kim ngạch XK tăng mạnh so với những tháng trước, và so với cùng kỳ mức sụt giảm chỉ còn 5%, sang tháng 11 giảm nhẹ 4% đạt khoảng 168 triệu USD.
Lũy kế đến cuối tháng 11/2020, XK cá tra đạt 1,34 tỷ USD, giảm 24%. Ước tính XK cá tra cả năm sẽ đạt khoảng 1,54 tỷ USD, giảm 23% so với năm 2019.