"Bẫy nợ" Trung Quốc tại Maldives: tư nhân vỡ nợ, Chính phủ phải trả thay

16/09/2020 13:42 GMT+7
Khi Ahmed Siyam Holdings đứng trước nguy cơ mất khả năng thanh toán nợ, ngân hàng Trung Quốc Eximbank lập tức đề nghị chính phủ Maldives chịu trách nhiệm thanh toán khoản nợ, do chính phủ chính là bên bảo lãnh cho giao dịch vay nợ này.

"Bẫy nợ" Trung Quốc tại Maldives: Khi chính phủ “cõng nợ” cho tư nhân!

Khi Ahmed Siyam, ông trùm kinh doanh Maldives gấp rút nhận về khoản vay 127,5 triệu USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc EximBank, mối quan ngại về nguy cơ bẫy nợ từ Trung Quốc đã bị lu mờ. Nhưng khi khoản nợ đến hạn trả vào tháng 8 qua và Ahmed Siyam Holdings mất khả năng thanh toán, quan ngại về những rủi ro kèm theo hàng tỷ USD tín dụng mà Trung Quốc đang cho vay ở đảo quốc Maldives mới trở nên ngày càng rõ nét.

Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc EximBank hồi tháng 7 phát đi thông báo rằng công ty Ahmed Siyam Holdings (ASH) của ông trùm Siyam sẽ phải hoàn trả khoản vay 10 triệu USD vào đầu tháng 8 qua. Nhưng trong bối cảnh đại dịch như vậy, ASH không có khả năng trả nợ.

Phía EximBank sau đó kêu gọi chính quyền Tổng thống Maldives Ibrahim Mohamed Solih phải chịu trách nhiệm thanh toán khoản nợ trong trường hợp Ahmed Siyam Holdings vỡ nợ. Sở dĩ phía EximBank đưa ra yêu cầu như vậy là bởi khoản vay mà ASH nhận được thuộc loại hình “bảo lãnh chủ quyền”, và chính phủ Maldives chính là bên bảo lãnh.

"Bẫy nợ" Trung Quốc tại Maldives: tư nhân vỡ nợ, Chính phủ phải trả thay - Ảnh 1.

Trung Quốc đã rót hàng tỷ USD tín dụng vào đảo quốc Maldives dưới hình thức đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, điều mà nhiều nhà quan sát cho là có nguy cơ gây ra "bẫy nợ"

Trường hợp của Maldives nhanh chóng được các nhà quan sát dày dạn kinh nghiệm Nam Á đưa ra như lời cảnh báo cho các quốc gia khác trong khu vực về "bẫy nợ" từ Trung Quốc. Nó cũng gợi lại những ký ức không mất vui vẻ về các khoản vay thiếu minh bạch mà Trung Quốc dành cho Maldives dưới thời Tổng thống Abdulla Yameen. Nhiệm kỳ 5 năm của ông Abdulla Yameen đã kết thúc vào năm 2018, trước khi ông này bị bỏ tù vào cuối năm 2019 vì hành vi rửa tiền thông qua ngành du lịch béo bở của đảo quốc. Trong suốt 5 năm trên ghế Tổng thống, ông Abdulla Yameen đã duy trì mối quan hệ thân thiện với Trung Quốc.

Ngân hàng EximBank đã ký thỏa thuận cho Siyam vay vào đầu năm 2016 để xây dựng khu nghỉ dưỡng lớn nhất quần đảo Maldives. Thời điểm đó, ông trùm Siyam là thành viên quốc hội Maldives, đồng thời là người ủng hộ liên minh cầm quyền của ông Yameen. Transparency Maldives, chi nhánh quốc gia của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, một tổ chức chống tham nhũng toàn cầu, coi khoản vay này là hệ quả của mối quan hệ chính trị giữa Yameen và Siyam. Asiath Rilweena, giám đốc điều hành của Transparency Maldives khẳng định thỏa thuận vay nợ này “khá bất thường” vì đây là trường hợp duy nhất chính phủ đứng ra bảo lãnh chủ quyền cho một khoản vay của một doanh nghiệp tư nhân.

Một quan chức cấp cao từ văn phòng Tổng thống Solih tiết lộ với Nikkei Asian Review: “ASH đúng ra phải trả khoản vay kèm lãi và phí cam kết vào tháng 7. Nhưng vì ASH không thể trả nợ đúng hạn, nên chính phủ với tư cách bên bảo lãnh đã nhận được yêu cầu trả nợ”. Cũng theo quan chức này, chính phủ Maldives sẽ buộc phải thay ASH trả tiền trong trường hợp công ty tư nhân này vỡ nợ, dựa theo các điều khoản trong thỏa thuận vay nợ.

Đáng nói, số nợ mà ASH mất khả năng thanh toán chỉ là một phần trong khoản nợ chính thức lên tới 1,4 tỷ USD của đảo quốc Maldives với chủ nợ Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống đương nhiệm Solih tin rằng các khoản nợ thực tế (bao gồm cả nợ chưa minh bạch) thực sự cao hơn nhiều, lên tới 3,5 tỷ USD. 

"Bẫy nợ" Trung Quốc tại Maldives: tư nhân vỡ nợ, Chính phủ phải trả thay - Ảnh 2.

Cựu Tổng thống Maldives Abdulla Yameen (trái) từng duy trì mối quan hệ thân thiết với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải)

Sau khi lên làm Tổng thống hồi năm 2018, ông Solih đã ra lệnh điều tra các giao dịch tài chính trong những năm cựu Tổng thống Yameen cầm quyền, bao gồm cả các khoản vay từ Trung Quốc. Các dự án bị xem xét lại bao gồm một dự án mở rộng bệnh viện quốc tế, một dự án xây cầu nối Male với sân bay chính nằm trên một hòn đảo khác cùng nhiều dự án xây dựng đường xá, nâng cấp lưới điện. Đây là hàng loạt dự án nằm trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường theo sau chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Maldives hồi năm 2014.

Tuy vậy, một số nhà phân tích tài chính dày dạn kinh nghiệm Maldives cho hay không có lý do gì để đưa tình trạng nợ Trung Quốc ở Maldives lên mức quá báo động. Ông Fazeel Najeed, cựu Thống đốc Cơ quan tiền tệ Maldives (MMA) thì khẳng định: “Nhận các khoản trợ cấp và viện trợ ưu đãi từ các nguồn thân thiện là một việc làm cần thiết...Những thỏa thuận như vậy cần phải được đáp ứng đầy đủ nghĩa vụ vào thời điểm đến hạn”.

Gánh nặng nợ nần gia tăng giữa suy thoái kinh tế

Maldives đã đối diện với áp lực lớn trong việc đáp ứng các nghĩa vụ nợ quốc tế từ khi nước này vật lộn với suy thoái kinh tế do cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 làm trì trệ ngành du lịch - nguồn thu ngoại tệ chính của quốc gia 400.000 dân. 

Năm 2019, Maldives thu hút 1,9 triệu du khách quốc tế ghé thăm với mức chi tiêu cao kỷ lục. Nhưng do ảnh hưởng của đại dịch, tính trong 7 tháng đầu năm 2020, Maldives chỉ thu hút được 384.538 du khách, tức giảm 61% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình hình trở nên tồi tệ trong quý II khi đảo quốc này đóng cửa sân bay từ giữa tháng 3 cho đến tận giữa tháng 7 do sự lây lan dịch bệnh. 

Hồi tháng 3 năm nay, Fitch Ratings đã hạ cấp Maldives từ quốc gia “ổn định” xuống “tiêu cực” về tăng trưởng kinh tế. Cơ quan này nhận định Maldives không tránh khỏi nguy cơ suy thoái sâu do ngành du lịch đóng góp trực tiếp vào 25% tổng sản phẩm quốc nội. Moody’s, một cơ quan xếp hạng uy tín khác cũng đưa Maldives vào nhóm các quốc gia có triển vọng kinh tế tiêu cực.

Đáng nói, quốc gia này phải giải quyết khoản nợ nước ngoài và lãi vay lên tới 117 triệu USD vào cuối năm nay. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối toàn quốc tính đến tháng 7 chỉ là 649 triệu USD và dự trữ ròng dùng để chi trả các khoản nợ ngắn hạn chỉ ở mức 156 triệu USD, theo Thomas Rookmaaker, giám đốc xếp hạng Fitch Ratings. 

Ấn Độ đang vào cuộc để hỗ trợ quốc gia láng giềng Nam Á giảm bớt gánh nặng nợ nần. Hồi tháng 12/2018, New Delhi đã cung cấp gói hỗ trợ tài chính lên tới 1,4 tỷ USD. Một quan chức cấp cao từ Văn phòng Tổng thống Maldives cho biết: “Chính phủ đang ưu tiên thực hiện các nghĩa vụ trả nợ”.

Về phía Trung Quốc, hồi tháng 9/2019, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc thảo luận với người đồng cấp Maldives Abdulla Shahid tại Bắc Kinh hôm 20/9 tuyên bố: “Hợp tác Trung Quốc - Maldives là nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng cho người dân đảo quốc Maldives chứ không mang mưu đồ chính trị và càng không tìm kiếm lợi ích địa chính trị nào khác”. “Việc Maldives rơi vào “bẫy nợ” của Trung Quốc là hoàn toàn vô căn cứ” - vị Ngoại trưởng Trung Quốc khẳng định.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục