20 năm từ số 0 tròn trĩnh của chứng khoán Việt Nam
“Tuần lễ này 20 năm trước, chúng tôi, những người làm chứng khoán đời đầu của Việt Nam sống trong trạng thái ‘ăn chứng khoán, ngủ chứng khoán’”, Chủ tịch Công ty Chứng khoán SSI Nguyễn Duy Hưng hồi tưởng trên trang cá nhân.
SSI thời điểm đó là 1 trong 6 công ty chứng khoán thành viên tham gia phiên giao dịch đầu tiên của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) ngày 28/7/2000. Ngày đầu giao dịch, thị trường chỉ có đúng 2 mã cổ phiếu là REE và SAM, tổng giá trị niêm yết vỏn vẹn 270 tỷ đồng.
Trước đó 8 ngày, HoSE chính thức khai trương hoạt động vào ngày 20/7/2000 sau hơn 2 năm chuẩn bị, đánh dấu sự khai sinh thị trường chứng khoán Việt Nam.
Từ 2 cổ phiếu đến hơn 30 công ty tỷ USD
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng năm 2000, chỉ số VN-Index đạt mốc 207 điểm, tăng 107% so với phiên đầu tiên. Giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên ở mức 1 tỷ đồng. Số cổ phiếu lên sàn được bổ sung thêm 3, lên con số 5 với tổng giá vị vốn hóa 986 tỷ đồng. So với quy mô GDP hơn 31 tỷ USD, vốn hóa của thị trường chứng khoán khi đó mới tương đương 0,24%.
Sau gần 20 năm, vốn hóa của HoSE tăng gần 3.280 lần. Tại thời điểm 31/12/2019, vốn hóa thị trường HoSE đạt hơn 3,28 triệu tỷ đồng, tương đương 57,1% quy mô GDP cả nước.
Gộp thêm số liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tổng vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2019 khoảng 4,38 triệu tỷ đồng, bằng 72,6% GDP trong cùng năm.
Từ 2 cổ phiếu ban đầu, có 378 doanh nghiệp đã niêm yết trên HoSE tính đến cuối 2019. Cùng thời điểm, 365 cổ phiếu giao dịch trên sàn HNX. Song song đó, còn 872 cổ phiếu đăng ký giao dịch của các công ty đại chúng chưa niêm yết trên sàn UPCoM.
Không chỉ tăng trưởng về số lượng, quy mô doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán cũng tăng trưởng hàng nghìn lần sau 20 năm.
Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thừa nhận khi thị trường chứng khoán ra đời, khó có thể hình dung Việt Nam sẽ có những công ty tỷ USD. Nhưng đến hết 2019, 23 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD đang giao dịch cổ phiếu trên HoSE. Gộp cả sàn HNX và UPCoM, có trên 30 doanh nghiệp Việt trong câu lạc bộ vốn hóa tỷ USD.
Nhìn lại 20 năm qua, Chủ tịch Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital Dominic Scriven khẳng định: “Xuất phát điểm từ số 0 tròn trĩnh, thị trường chứng khoán Việt Nam đã vượt qua bao thăng trầm để có được quy mô như hiện nay. Đây quả là một thành tựu vô cùng to lớn”.
Cung bậc thăng trầm
Đúng như như chia sẻ của ông Dominic, thị trường chứng khoán Việt Nam không phải lúc nào cũng trải qua những nốt thăng trong 20 năm qua.
5 năm đầu, HoSE chỉ có 32 doanh nghiệp tham gia niêm yết với 2-10 cổ phiếu chào sàn mỗi năm. HNX hoạt động vào 2005 nhưng cũng chỉ có 9 cổ phiếu giao dịch. Đến cuối 2005, quy mô thị trường chứng khoán mới tương đương 1,1% GDP.
Thời kỳ này, nhiều doanh nghiệp chưa hào hứng với việc niêm yết khi mặt bằng quản trị công ty còn yếu; tâm lý không muốn công khai những thông tin hoạt động sản xuất kinh doanh; các yếu tố thị trường chưa thành hình đầy đủ.
Năm 2006, chứng khoán Việt Nam có bước nhảy vọt với nhiều sự kiện quan trọng. Tháng 1/2006, Vinamilk chào sàn và giúp giá trị vốn hóa của của HoSE tăng gấp đôi ngay trong một ngày. Đến tháng 6, Luật Chứng khoán được Quốc hội thông qua. Một tháng sau, Sacombank trở thành ngân hàng đầu tiên lên sàn. Tháng 11, Việt Nam gia nhập WTO và Tổng thống Mỹ George Bush đến thăm HoSE.
74 doanh nghiệp mới niêm yết trên sàn HoSE trong năm giúp giá trị vốn hóa thị trường tăng từ 7.400 tỷ đồng lên 148.000 tỷ đồng. VN-Index nhảy lên 752 điểm, tăng 144% sau một năm.
Bước sang 2007, thị trường tiếp tục sôi động khi Luật Chứng khoán có hiệu lực từ 1/1/2007; VN-Index đạt đỉnh 1.171 điểm vào ngày 12/3. Tuy nhiên, thị trường bắt đầu trồi sụt, không còn tăng phi mã như trước. Đến cuối năm, VN-Index đóng cửa ở 927 điểm, tăng 23% so với cùng kỳ nhưng mất 21% so với mức đỉnh, báo hiệu cho những sóng gió sắp ập đến với thị trường.
2008 trở thành năm đen tối nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam trong cơn bão khủng hoảng tài chính toàn cầu và lạm phát cao kỷ lục. VN-Index kết thúc năm với mức giảm 66%, rơi xuống 316 điểm. Giá trị vốn hóa trên HoSE theo đó “bốc hơi” 195.000 tỷ đồng.
Năm 2009, VN-Index tiếp tục biến động mạnh khi kinh tế Việt Nam có mức tăng GDP thấp nhất trong 10 năm (5,32%). Tháng 2/2009, chỉ số đại diện thị trường chỉ còn 236 điểm, phục hồi về 624 điểm vào tháng 10 rồi điều chỉnh còn 495 điểm vào cuối năm. Năm đó, 24 doanh nghiệp phải hủy niêm yết trên HoSE, con số cao nhất trong lịch sử.
Năm 2010 đánh dấu 10 năm ra đời thị trường chứng khoán sau thời kỳ biến động nhiều thăng trầm nhất. Đây là năm lập kỷ lục số doanh nghiệp niêm yết mới với 81 cổ phiếu chào sàn HoSE. Số lượng công ty chứng khoán cũng đạt kỷ lục với con số 102.
Nhưng một năm sau, chứng khoán một lần nữa trải qua cơn sóng lớn khi VN-Index giảm 27% chỉ còn 351 điểm vào cuối 2011. Hơn 60% cổ phiếu trên cả HoSE và HNX có thị giá thấp hơn mệnh giá. 2/3 số công ty chứng khoán rơi vào thua lỗ.
Nhờ nhiều quyết định quan trọng mang tính định hướng của nhà điều hành trong các năm sau, thị trường bắt đầu hồi phục ổn định. Sau 3 năm hồi phục, VN-Index đến cuối 2014 đạt 546 điểm. Giá trị giao dịch/phiên vượt mốc 2.000 tỷ đồng.
5 năm tiếp theo, thị trường tiếp tục tăng trưởng lành mạnh. Đặc biệt 2017 trở thành năm đáng nhớ khi hàng loạt con số liên tục lập đỉnh. VN-Index tăng 48% lên 984 điểm; vốn hóa thị trường tăng hơn 70%, tỷ lệ trên GDP lần đầu vượt 50%; tổng giá trị danh mục nhà đầu tư nước ngoài hơn 31 tỷ USD.
Năm 2018, VN-Index thiết lập đỉnh mới 1.204 điểm vào ngày 9/4 nhưng đến thời điểm 31/12 giảm còn 893 điểm. Dấu ấn trong năm là khối ngoại lập kỷ lục mua ròng gần 44.000 tỷ; giá trị các thương vụ IPO dẫn đầu Đông Nam Á; phiên giao dịch tỷ USD đầu tiên trên HoSE với kỷ lục thanh khoản 35.000 tỷ đồng.
Bước sang 2019, VN-Index đóng cửa phiên giao dịch cuối năm ở 961 điểm, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Thị trường Việt Nam ghi nhận mức tăng điểm cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Nhìn về tương lai
“20 năm vẫn chưa phải là dài để thị trường thật sự lớn về quy mô, trở nên chuyên nghiệp, hiện đại, bắt kịp với thế giới. Do đó, thị trường chứng khoán vẫn còn một số điểm cần cải thiện”, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia bình luận.
Theo vị chuyên gia, quy mô và thanh khoản thị trường tăng trưởng mạnh qua từng năm, song còn khá nhỏ so với các nước trong khu vực và tính ổn định chưa cao. Kế đó, thể chế chi phối hoạt động và tính tuân thủ, minh bạch của thị trường cần hoàn thiện, đồng bộ và tiệm cận thông lệ quốc tế hơn.
Nguồn cung sản phẩm trên thị trường chưa phong phú; chất lượng các công ty niêm yết và các công ty chứng khoán chưa cao. Cơ sở nhà đầu tư chưa đa dạng, chủ yếu vẫn là nhà đầu tư cá nhân, các nhà đầu tư tổ chức nhất là các quỹ đầu tư chưa nhiều.
Ngoài ra, nguồn nhân lực dù đã được chú trọng phát triển, song vẫn còn thiếu cả về số lượng và chất lượng so với tiêu chuẩn quốc tế. Cuối cùng, hệ thống công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu được đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và hội nhập của thị trường chứng khoán.
“20 năm, thị trường chứng khoán từ chỗ chỉ là ‘đất trống’ đến nay đã là một ‘cơ ngơi có vị thế’ trong nền kinh tế thị trường nói chung và hệ thống tài chính nói riêng. Chúng ta có quyền tin tưởng chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục vươn xa hơn nữa để 20 năm sau ta nhìn lại sẽ thấy một ‘cơ đồ khang trang và vững chắc hơn’”, TS Cấn Văn Lực kết luận.
Chủ tịch Dragon Capital cho rằng sau 20 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đi từ số 0 đến số 1, tạo ra "sự sống" với các khái niệm về thị trường chứng khoán.
Ông nhìn nhận 20 năm là khoảng thời gian khá ngắn nếu so với những thị trường chứng khoán trên thế giới có bề dày lịch sử 300 năm nhưng thị trường đã đi những bước khá vững chắc trong chặng đường đầu tiên. "Những người đặt nền móng, 'lái tàu' cho thị trường hoàn toàn có thể tự hào", ông Dominic chia sẻ.
Chủ tịch Dragon Capital cũng bày tỏ niềm tin chứng khoán Việt Nam sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn “bởi đây là nơi xứng đáng để các nhà đầu tư ngoại đổ vốn”