5 ngày tiêm 100 triệu liều vắc xin Covid-19: tốc độ tiêm chủng ở Trung Quốc đáng kinh ngạc ra sao?

04/06/2021 16:43 GMT+7
Chỉ trong vòng 5 ngày tháng 5, Trung Quốc đã tiêm 100 triệu liều vắc xin Covid-19 cho người dân.

Khởi đầu với tốc độ tiêm chủng chậm chạp nhưng cho đến nay, Trung Quốc đang có một tốc độ tiêm chủng nhanh chưa từng có mà hầu hết các quốc gia trên thế giới khó có thể làm được: tận dụng tối đa sức mạnh và phạm vi toàn diện của hệ thống y tế cũng như ngành công nghiệp vắc xin nội địa của quốc gia tỷ dân. Cho dù việc phân bổ vắc xin được đánh giá là không đồng đều giữa các khu vực, các quan chức y tế kỳ vọng Trung Quốc sẽ tiêm chủng khoảng 80% trong tổng số 1,4 tỷ dân vào cuối năm nay.

Tính đến ngày 2/6, Trung Quốc đã thực hiện tiêm chủng 704 triệu liều vắc xin. Đáng kinh ngạc hơn, gần một nửa trong số đó được thực hiện trong tháng 5. Theo Our World in Data, một trang web nghiên cứu trực tuyến, tổng số mũi tiêm của Trung Quốc chiếm khoảng một phần ba trong số 1,9 tỷ mũi tiêm đã được phân bố trên toàn cầu.

Lời kêu gọi tiêm chủng hiện hữu ở mọi nơi trên toàn quốc gia. Các công ty khuyên người lao động tiêm chủng, trường học thúc giục giáo viên và học sinh tiêm chủng, chính quyền kêu gọi người dân trong khu vực tiêm chủng.

Theo số liệu trung bình trong bảy ngày của Our World in Data, Trung Quốc thực hiện trung bình khoảng 19 triệu mũi tiêm mỗi ngày. Trong khi đó, Mỹ, với dân số bằng khoảng 1/4 Trung Quốc, chỉ thực hiện khoảng 3,4 triệu mũi tiêm mỗi ngày trong tháng 4. 

5 ngày tiêm 100 triệu liều vắc xin Covid-19: tốc độ tiêm chủng ở Trung Quốc đáng kinh ngạc ra sao? - Ảnh 1.

Người dân xếp hàng chờ tiêm vắc xin Covid-19 ở Bắc Kinh hôm 2/6

Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu người ở Trung Quốc được tiêm chủng đầy đủ cả hai hoặc ba mũi tiêm. Nhưng chuyên gia y tế Zhong Nanshan, người đứng đầu một nhóm chuyên gia trực thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia cho biết hồi cuối tuần trước rằng khoảng 40% dân số Trung Quốc đã được tiêm ít nhất một liều và mục tiêu của Bắc Kinh là hướng tới 40% dân số được tiêm chủng đủ hai đến ba liều vào cuối tháng 6.

Tại thủ đô Bắc Kinh, 87% dân số đã được tiêm chủng ít nhất một liều. Việc tiếp cận vắc xin rất dễ dàng, người dân chỉ việc đi bộ đến một trong số hàng trăm điểm tiêm chủng vắc xin được phân bổ khắp thành phố. Có những trạm tiêm chủng cơ động bằng xe bus đỗ ở những khu vực đông người, ở trung tâm thành phố và trước cửa các trung tâm thương mại. Dù rằng ở bên ngoài Bắc Kinh, nhiều người dân các địa phương khác phản ánh rằng số điểm tiêm chủng chưa nhiều và phải chờ đợi rất lâu để đến lượt.

“Tôi bắt đầu xếp hàng vào ngày hôm đó lúc 9 giờ sáng cho đến 6 giờ chiều mới nhận được mũi tiêm vắc xin. Thật quá mệt mỏi” - cư dân Zhou Hongxia ở Lan Châu, thuộc tỉnh Cam Túc, Tây Bắc Trung Quốc cho hay. Chồng của cô Zhou hiện vẫn đang đợi đến lượt tiêm chủng. 

Các quan chức chính phủ Trung ương hôm thứ Hai cho biết họ đang làm việc để đảm bảo nguồn cung được phân phối đồng đều hơn giữa các địa phương.

Trung Quốc thậm chí còn tập trung vào việc tiêm chủng cho công dân ở nước ngoài. Chẳng hạn, trong số vắc xin mà Trung Quốc tài trợ cho Thái Lan, một số lượng nhất định được sử dụng để tiêm cho công dân Trung Quốc ở Thái Lan trước khi người dân Thái Lan nhận được vắc xin. Trên toàn cầu, ước tính Trung Quốc đã tiêm chủng cho hơn 500.000 công dân ở  nước ngoài theo chương trình “Spring Sprout”.

Trước khi chiến dịch tiêm chủng vắc xin trong nước rầm rộ diễn ra trong những tuần gần đây, nhiều người dân do dự không tiêm chủng do Trung Quốc đã thành công kiểm soát đại dịch Covid-19 từ rất sớm và hiện chỉ có một số cụm dịch nhỏ ở một số thành phố nhất định. Thêm vào đó, quan ngại về độ an toàn của vắc xin cũng khiến người dân chần chờ. 

Hai hãng nghiên cứu và sản xuất vắc xin Covid-19 của Trung Quốc là Sinovac và Sinopharm hiện đang tăng cường sản xuất bằng cách xây dựng hàng loạt nhà máy mới và tập trung các nhà máy hiện tại để sản xuất vắc xin cung cấp cho người dân. Vắc xin của Sinovac và một trong hai dòng vắc xin do Sinpharm phát triển đều đã nhận được giấy phép sử dụng khẩn cấp từ Tổ chức Y tế Thế giới WTO, dù rằng cả hai, đặc biệt là Sinopharm, đã phải đối mặt với những lời chỉ trích vì sự thiếu minh bạch trong việc chia sẻ dữ liệu thử nghiệm vắc xin.

Sinovac cho biết họ đã tăng gấp đôi công suất sản xuất lên 2 tỷ liều vắc xin Covid-19 mỗi năm, trong khi Sinopharm cho biết có thể sản xuất tới 3 tỷ liều mỗi năm. Tính đến cuối tháng 5, Sinovac đã sản xuất 540 triệu liều vắc xin dưới sự hỗ trợ nguồn lực của chính phủ.

Một lợi thế to lớn khác là các công ty vắc xin Trung Quốc không phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu trong quá trình sản xuất vắc xin Covid-19. Điều này có nghĩa là Trung Quốc có thể tránh khỏi những rủi ro như những gì đã xảy ra với Viện Huyết thanh Ấn Độ, khi viện này buộc phải đình trệ sản xuất vắc xin do nguồn cung một số nguyên liệu phụ thuộc vào hoạt động nhập khẩu từ Mỹ.


NTTD
Cùng chuyên mục