7 tháng đầu năm, doanh thu của "nữ hoàng cá tra" Vĩnh Hoàn đạt 8.693 tỷ đồng

12/08/2022 07:29 GMT+7
Tháng 7, Vĩnh Hoàn (VHC) ghi nhận doanh thu 1.198 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 7 tháng, tổng doanh thu của "nữ hoàng cá tra" đạt 8.693 tỷ đồng, tăng 82,7%.

Công ty CP Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) vừa công bố kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong tháng 7. 

Cụ thể, trong tháng 7, doanh thu Vĩnh Hoàn đạt 1.198 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng gần 13% so với tháng 6/2022. Lũy kế 7 tháng, tổng doanh thu đạt 8.693 tỷ đồng, tăng 82,7%.

Nhìn chung, doanh thu các mặt hàng trong tháng đều tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu về cá tra đạt 798 tỷ đồng, tăng 44% và chiếm 66% tổng doanh thu của Vĩnh Hoàn trong tháng này. Đứng thứ hai là sản phẩm phụ, đạt 211 triệu USD và tăng 69%; sản phẩm chăm sóc sức khỏe đạt 73 triệu USD, tăng 22%...

Về thị trường xuất khẩu, Mỹ tiếp tục là thị trường lớn nhất khi đạt 434 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp theo là châu Âu đạt 200 tỷ đồng, tăng 19%; Trung Quốc đạt 194 tỷ đồng, tăng 60%.

Tại thị trường nội địa, doanh thu ghi nhận tăng 41%, đạt 177 tỷ đồng. Tuy nhiên so với tháng 6/2022, doanh thu lại giảm 29% so với tháng 6/2022. Tuy nhiên, các thị trường như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu đều tăng trưởng 2 con số so với tháng trước nên đã bù đắp được sự sụt giảm của thị trường nội địa, lần lượt tăng 31%, 9% và 22%.

7 tháng đầu năm, doan thu của "nữ hoàng cá tra" Vĩnh Hoàn đạt 8,693 tỷ đồng  - Ảnh 1.

Trong tháng 7, doanh thu Vĩnh Hoàn đạt 1.198 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng gần 13% so với tháng 6/2022.

Trong quý II, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu đạt mức kỷ lục 4.326 tỷ đồng, tăng 80% cùng kỳ năm trước. Biên lãi gộp cải thiện từ 18,4% cùng kỳ lên 26%. Đây cũng quý có biên lãi gộp kỷ lục của doanh nghiệp kể từ khi lên sàn.

Kết quả quý II, VHC lãi sau thuế cao nhất lịch sử tại 788 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ quý II/2021.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu thuần 7.494 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.341 tỷ đồng, tăng tương ứng 81% và 241% so cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế tính đến cuối tháng 6 hơn 5.150 tỷ đồng.

Năm 2022, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.600 tỷ đồng, lần lượt tăng 43,6% và 45,6% so với thực hiện trong năm 2021. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, Công ty hoàn thành 58% kế hoạch doanh thu  83,8% kế hoạch lợi nhuận năm.

Dù ghi nhận kết quả tươi sáng nhưng nhiều đơn vị dự đoán kịch bản hưởng lợi từ giá thủy sản cao sẽ không kéo dài. Theo SSI Research, hầu hết công ty báo cáo tồn kho tại các thị trường xuất khẩu (đặc biệt là Mỹ) đạt mức cao, do khối lượng nhập khẩu lớn trong 5 tháng đầu năm.

Về diễn biến giá, VNDirect Research dự báo có thể kém tích cực hơn so với giai đoạn nửa đầu năm ở cả cá tra và tôm khi nguồn cung mặt hàng này tăng trở lại cùng với nhu cầu tại các thị trường chính dần ổn định. Điều này khiến biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp trong ngành bị thu hẹp.

Thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi tăng nóng từ 39 - 62% trong 4 tháng đầu năm, từ tháng 5, xuất khẩu thuỷ sản đã có dấu hiệu hạ nhiệt, tăng trưởng chậm lại.

Theo bà Lê Hằng, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại VASEP, nguyên nhân xuất khẩu giảm tốc từ tháng 5 do thời tiết bất lợi, mưa sớm hơn so với mọi năm làm ảnh hưởng đến sản lượng thủy sản.

Về phía các công ty thủy sản cho biết tồn kho tại các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là Mỹ đã đạt mức cao, do khối lượng nhập khẩu cao trong khoảng thời gian từ tháng 1 - 5 vừa qua. Cùng với việc vào mùa xuất khẩu thủy sản thấp điểm, dự kiến tăng trưởng xuất khẩu sẽ giảm tốc trong quý III.

Dù vậy, giới phân tích cho rằng, nhu cầu mặt hàng thủy sản sẽ tăng nhanh trong tháng 9, ngay trước kỳ nghỉ lễ từ tháng 11 đến tháng 12 để chuẩn bị cho mùa lễ hội, song khó có thể trở lại mức đỉnh trong những tháng đầu năm.


An Vũ
Cùng chuyên mục