9 tháng Gỗ Trường Thành (TTF) hoàn thành 10% kế hoạch năm
Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HoSE: TTF) đã công bố BCTC hợp nhất quý III/2022 với doanh thu thuần và lợi nhuận gộp gần như không biến động so với năm ngoái, lần lượt đạt 357 tỷ đồng và hơn 73 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính giảm từ 9,7 tỷ đồng xuôgs 8,8 tỷ đồng, trong khi đó chi phí lãi vay lên tới 20 tỷ đồng; phần lỗ trong công ty liên doanh, kiên kết lỗ 2,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi nhẹ.
Chi phí bán hàng giảm 21% xuống 30 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 147% lên 31 tỷ đồng; lợi nhuận khác lãi hơn 4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 1,3 tỷ đồng.
Kết quả, TTF báo lãi 2,7 tỷ đồng trong quý III/2022, tăng 67,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 9 tháng, công ty ghi nhận doanh thu đạt 1.516 tỷ đồng, tăng gần 40%; lãi sau thuế đạt 7,2 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông không kiểm soát âm gần 6 tỷ đồng.
Trong năm 2022, Gỗ Trường Thành đặt kế hoạch tổng doanh thu 2.268,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 72,8 tỷ đồng. Như vậy sau 9 tháng, Công ty thực hiện được 68% mục tiêu lợi nhuận và 10% kế hoạch năm.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Gỗ Trường Thành đã đưa ra kịch bản tươi sáng khi cho rằng Công ty đã qua điểm hòa vốn, từ bây giờ là giai đoạn Gỗ Trường Thành tăng trưởng. Nếu không bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trong năm 2021 thì báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh đã đẹp hơn rất nhiều. Nhiệm kỳ 2022-2027 sẽ là nhiệm kỳ tăng tốc của Gỗ Trường Thành.
Tính đến ngày 30/9/2022, tổng tài sản của TTF đạt 3.051 tỷ đồng, tăng 7,5% so với đầu năm; tiền và các khoản tương đương tiền biến động nhẹ lên 253 tỷ đồng; đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn tăng 152% lên 52,1 tỷ đồng; hàng tồn kho giảm 21% xuống 737,4 tỷ đồng.
Tài sản dài hạn tăng 40% lên hơn 1.000 tỷ đồng; trong đó, phải thu dài hạn khác tăng 4,7 tỷ đồng; Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết tăng 410% lên 357,4 tỷ đồng, trong đó, đầu tư vào Công ty CP Tekcom 170,7 tỷ đồng; đầu tư vào Natuzzi Singapore Pte.Ltd 12,6 tỷ đồng; Công ty TNHH Trồng rừng Trường Thanh OJI số vốn 60 tỷ đồng; Công ty CP Viestones 4,2 tỷ đồng.
Nợ phải trả tăng nhẹ lên 2.588 tỷ đồng; nợ ngắn hạn biến động nhẹ lên 2.588 tỷ đồng.
Nợ dài hạn tăng 97,4% lên hơn 1.070 tỷ đồng; người mua trả tiền trước dài hạn tăng 1.032 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó, góp vốn vào Công ty CP Bao bì và Khoáng sản số 1 với số tiền 800 tỷ đồng, góp 280 tỷ đồng vào Công ty CP Công nghiệp và Thương mại Lidovit.
Điểm đáng lưu ý, tính tới cuối quý III, người mua trả tiền trước ngắn hạn giảm 1.079 tỷ đồng, về 380 triệu đồng; người mua trả tiền trước dài hạn ghi nhận 1.032,3 tỷ đồng, cùng kỳ không ghi nhận.
Theo thuyết minh, người mua trả tiền trước liên quan tới khoản tiền đặt cọc của Công ty CP Vinhomes. Theo thuyết minh, ngày 15/5/2017, Vingroup chỉ định nhóm Công ty là nhà cung cấp chiến lược các sản phẩm gỗ thành phẩm phục vụ cho các dự án của Vingroup và các công ty con với tổng giá trị dự kiến lên 16.000 tỷ đồng. Theo đó, Vingroup và các công ty con của VinGroup đã ký thỏa thuận đặt cọc với nhóm công ty số tiền lần lượt là 70,4 tỷ và 1.032 tỷ đồng.
Trong đó, khoản đặt cọc 1.032 tỷ đồng nhóm Công ty sẽ phải thanh toán tiền lãi theo lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm thời hạn 12 tháng của Vietcombank. Theo đó, tính đến cuối tháng 9/2022, lãi vay và lãi đặt cọc Công ty phải trả cho Vingroup là hơn 200 tỷ đồng.
Như vậy, nếu không dịch chuyển khoản mục người mua trả tiền trước ngắn hạn sang dài hạn 1.032,3 tỷ đồng thì nợ ngắn hạn sẽ lớn hơn tài sản dài hạn, Công ty có thể mất cân đối kỳ hạn khi sử dụng nguồn vốn ngắn hạn tài trợ tài sản dài hạn.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/10, cổ phiếu TTF tăng 3,31% lên 4.450 đồng/cp. Cổ phiếu TTF hiện đang nằm trong diện cảnh báo của HoSE do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 30/6/2022 âm hơn 3 ngàn tỷ đồng, cổ phiếu chưa đáp ứng quy định tại điểm b khoản 4 Điều 37 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/03/2022.