Adayroi đóng cửa: Cuộc đua "đốt tiền" vào thương mại điện tử?

21/12/2019 07:15 GMT+7
Dù có các chương trình sale 0 đồng nhiều nhất so với các trang thương mại điện tử khác nhưng Adayroi cũng chính thức dừng cuộc đua trong cuộc cạnh tranh thương mại điện tử.

Adayroi chính thức đóng cửa vào ngày 17/12. Đây là sàn thương mại điện tử thứ 2 dừng cuộc chơi tại Việt Nam, sau trang Robins (tiền thân là Zalora). Theo văn bản của VinCommerce, công ty vận hành sàn thương mại điện tử Adayroi gửi các nhà cung cấp, để tái cấu trúc hoạt động, từ 18h ngày 17/12, toàn bộ sản phẩm hàng hóa/dịch vụ của các nhà cung cấp đang kinh doanh trên Adayroi theo các hợp đồng đã ký kết sẽ bị dừng bán và phân phối đến khách hàng.

Trang thương mại điện tử Adayroi chính thức đóng cửa - Ảnh 1.

Nguyên nhân chính có lẻ bởi Adayroi không thể cạnh tranh với các sàn lớn như Lazada, Shoppe, Sendo,… Theo báo cáo, mức lỗ 9 tháng đầu năm nay của Adayroi lên tới 3500 tỉ. Bên cạnh đó, lượt truy cập vào trang cũng rất thấp so với các đối thủ khác. Theo số liệu từ Báo cáo Bản đồ Thương mại điện tử Việt Nam trong quý II/2018 của Iprice Insight, website Adayroi.com chỉ có trung bình chưa đầy 5 triệu lượt truy cập mỗi tháng, cách xa con số của các đối thủ như Lazada - gần 33 triệu, Shopee - hơn 26 triệu, Tiki - gần 20 triệu và Sendo - hơn 16 triệu.

Cuộc đua "đốt tiền" vào thương mại điện tử

Bất chấp thua lỗ, dừng kinh doanh, cuộc chiến khốc liệt trên sàn thương mại điện tử vẫn tiếp diễn. Các ông chủ đang không ngừng đổ tiền vào. Điển hình nhất là Sen Đỏ.

Theo ông Trần Hải Linh, Tổng giám đốc Sen Đỏ, sàn thương mại điện tử này vừa hoàn tất vòng gọi vốn series C với giá trị 61 triệu USD.

Trang thương mại điện tử Adayroi chính thức đóng cửa - Ảnh 2.

Hay như Tiki, dù liên tục thua lỗ, nhưng vẫn được VNG cùng JD.com (Trung Quốc) và STIC (Hàn Quốc) đầu tư hàng ngàn tỷ đồng. Lý do là, dù lỗ, nhưng Tiki vẫn đang phát triển tốt vì đang được đầu tư nhiều vào hạ tầng, kho bãi, dịch vụ... Tiki đang thực hiện vòng gọi vốn Series D. Vòng gọi vốn mới có thể được Tiki nâng lên mức 100 triệu USD, dẫn dắt bởi nhóm các nhà đầu tư Hàn Quốc, gồm Korea Investment Partners, STIC Investments và Sparklabs Ventures.

Trong khi đó, 2 năm gần đây, Alibaba đã đổ tới 4 tỷ USD vào Lazada với tham vọng thống trị thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Còn Shopee cũng không "kém miếng", tháng 3/2019, công ty mẹ Sea (Singapore) thông báo phát hành cổ phiểu để huy động vốn và đầu tư thêm 1,5 tỷ USD vào Shopee…

Theo ông Nguyễn Hòa Bình, Tổng giám đốc NextTech Group, thị trường thương mại điện tử đang vô cùng khốc liệt với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn, giàu tiềm năng, sẵn sàng chấp nhận thua lỗ lớn để chiếm thị phần, khách hàng. Đã có nhiều doanh nghiệp cạn vốn phải bỏ cuộc. "Không ai dám nói trước điều gì trong thị trường mà cuộc chơi thuộc về các đối thủ có tiềm lực tài chính và là cuộc đua đường dài", ông Bình nhận xét.

Thương mại điện tử đang là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất tại Đông Nam Á. Hơn 150 triệu người dân Đông Nam Á đang mua những thứ họ cần qua mạng, với tổng giá trị lên đến 35 tỷ USD, so với mức 5 tỷ USD năm 2015. Dự báo, thương mại điện tử tại Đông Nam Á sẽ đạt tổng giá trị 150 tỷ USD vào năm 2025.
Mai Trang
Cùng chuyên mục