Áp lực bủa vây: Nợ xấu và lãi dự thu "neo" cao tại nhiều ngân hàng, đề xuất “nâng cấp” Nghị quyết 42 thành Luật
Quan sát báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy, nhiều ngân hàng quy mô nợ xấu "phình to" song hành với đó là các khoản phải thu, lãi dự thu tăng khá mạnh trong nửa đầu năm 2021.
Áp lực nợ xấu, lãi dự thu bắt đầu hiển hiện
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay, quy mô nợ xấu của ABBank tăng 17,6% trong nửa đầu năm, lên 1.556 tỷ đồng, kéo theo đó tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của ABBank tăng từ mức 2,09% hồi đầu năm lên 2,32% vào cuối tháng 6/2021. Trong đó, đáng chú ý là nợ nhóm 3 tăng tới 90% so với đầu năm, nợ nhóm 5 cũng tăng gần 40%.
Song hành với đà tăng của nợ xấu, lãi và phí phải thu của ABBank tăng thêm 26%, đạt 979 tỷ đồng.
Tương tự, lãi và phí phải thu Bắc Á Bank (BAB) và Vietcapital Bank (BVB) lần lượt tăng trưởng 14,5% và 9,3% so với đầu năm. Số dư nợ xấu tại 2 nhà băng này tính đến cuối quý II/2021 đạt 641 tỷ đồng và 1.246 tỷ đồng. So với đầu năm, quy mô nợ xấu của 2 nhà băng này tăng lần lượt 2% và 12%.
Xu hướng nợ xấu tăng song hành cũng phí và lãi phải thu không chỉ diễn ra tại các ngân hàng TMCP tư nhân, "ông lớn" ngân hàng quốc doanh cũng không phải ngoại lệ.
Tiêu biểu như tại VietinBank, các khoản lãi và phí phải thu tăng 24% lên 9.694 tỷ đồng. Hiện, VietinBank là nhà băng có số dư nợ xấu cao thứ 3 hệ thống sau khi tăng trưởng 52% sau 6 tháng đầu năm.
Tại một số ngân hàng TMCP khác, nợ xấu giảm nhưng lãi dự thu lại tăng đáng kể.
Tại MB, số dư nợ xấu giảm 22%, trong khi đó lãi và phí phải thu tính đến ngày 30/6/2021 tăng 17,7%, lên 4.554 tỷ đồng; các khoản phải thu tăng 16,6%, lên gần 21.000 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, ngân hàng này đã nâng dự phòng rủi ro lên gấp đôi để đối phó với nợ xấu.
Tại Techcombank, trong khi nợ xấu tiếp tục giảm xuống thấp nhất hệ thống, chỉ ở mức 0,36% thì lãi dự thu tăng khá mạnh.
Ở thời điểm 30/6/2021, các khoản phải thu của ngân hàng là 23.489 tỷ đồng, tăng 42% so với đầu năm, đồng thời các khoản lãi, phí dự thu tăng 11% lên 5.737 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, SCB và Sacombank - 2 ngân hàng có lãi dự thu, các khoản phải thu cao nhất những năm trước lại đi ngang, thậm chí giảm trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, lãi dự thu của SCB vẫn còn rất lớn lên tới hơn 72.000 tỷ đồng và cao hơn nhiều so với các nhà băng khác. Tại Sacombank, giảm 19,7% song lãi và phí phải thu vẫn còn tới 14.051 tỷ đồng.
Hiện, số dư nợ xấu của SCB và Sacombank tính đến hết tháng 6/2021 giảm lần lượt 61% và 3%.
Trên thực tế, lãi dự thu liên quan mật thiết đến lợi nhuận, tăng trưởng tín dụng và con số nợ xấu thực của các ngân hàng. Bởi lãi dự thu là khoản lãi ngân hàng dự kiến thu trong tương lai từ các tài sản sinh lời, trong đó bao gồm các sản phẩm cho vay. Dù ngân hàng chưa thu được tiền thật từ khoản này nhưng vẫn được ghi nhận vào báo cáo thu nhập và từ đó tính ra lợi nhuận.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, trong một số trường hợp, lãi dự thu không đơn thuần là các khoản lãi ngân hàng dự tính thu được trong tương lai, mà chính là nợ xấu tiềm ẩn.
"Có nhiều khoản lẽ ra là nợ xấu, nhưng lại được ghi nhận thành lãi dự thu. Nghĩa là thay vì chuyển nhóm các khoản nợ nhóm 1 thành nợ quá hạn, đồng thời tăng trích lập dự phòng để hạn chế rủi ro, thì ngân hàng lại vẫn giữ nguyên nhóm nợ (vì cả lý do chủ quan hoặc khách quan) và hạch toán lãi dự thu để tính vào lợi nhuận đối với khoản nợ này.
Do vậy, lợi nhuận cuối kỳ có thể không phản ánh đúng thực chất hoạt động kinh doanh, kéo theo nợ xấu thực có thể lớn hơn nhiều so với nợ xấu mà các ngân hàng báo cáo", TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính - ngân hàng cho hay.
Cũng chính vì thế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã từng có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiêm túc thực hiện dự thu lãi phù hợp với thực trạng các khoản nợ, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật để phản ánh đúng kết quả hoạt động kinh doanh. Đồng thời, thực hiện quyết liệt các biện pháp để thu hồi nợ xấu, nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro,...
Lo nợ xấu và lãi dự thu phải thoái lớn, NHNN đề xuất "nâng cấp" Nghị quyết 42 thành Luật
Trong khi nợ xấu và lãi dự thu tăng nhanh, các ngân hàng lại đang đối mặt với tình trạng thu hồi nợ chậm lại do Covid-19.
Ông Nguyễn Huy Tài, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SHB cho biết, Covid-19 ảnh hưởng đến dòng tiền trả nợ của khách hàng, việc xử lý nợ xấu và tương tác với khách hàng cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều đơn vị từ chối gặp gỡ nhân viên ngân hàng trong bối cảnh dịch, phương thức trao đổi qua qua email, điện thoại cũng không hiệu quả bởi nhiều khách hàng không nghe điện thoại, không trả lời email.
Mặc dù sàn mua bán nợ xấu đang được Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đưa ra vận hành, song với tình hình thị trường bất động sản trầm lắng như hiện nay, cộng với khá nhiều vướng mắc về thủ tục đấu giá, thủ tục chứng khoán hóa nợ xấu…, việc mua bán nợ trên sàn chưa thể nhộn nhịp.
Điều mà các ngân hàng thương mại mong đợi nhất là Chính phủ sớm trình Quốc hội phương án luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu. Nghị quyết này chỉ còn 1 năm nữa là hết hiệu lực và cũng chỉ áp dụng với các khoản nợ xấu cũ của giai đoạn trước.
Lo ngại 425.400 tỷ đồng nợ xấu chưa xử lý xong và thêm vào đó là các khoản nợ tiềm tàng vì dịch bệnh Covid-19, mới đây Ngân hàng Nhà nước đề xuất "nâng cấp" Nghị quyết 42 của Quốc hội, vốn sẽ hết hạn vào tháng 8 năm sau, thành Luật xử lý nợ xấu.
Theo NHNN, chấm dứt Nghị quyết 42 ảnh hưởng đến việc phân bổ lãi dự thu, chênh lệch bán nợ xấu của các TCTD, có thể đẩy TCTD có thể lâm vào tình trạng đổ vỡ khi số lãi dự thu phải thoái và phần chênh lệch giá trị khoản nợ, giá khoản nợ lớn, gây ảnh hưởng đến an toàn hệ thống TCTD.
"Việc chấm dứt cơ chế xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 sẽ dẫn đến các khoản nợ cũ chưa xử lý xong, trong khi đó nợ xấu mới tiếp tục hình thành do đại dịch Covid-19, sẽ phải kéo dài hoặc không thể xử lý được.
Đồng thời, tổ chức tín dụng thiếu cơ chế tự xử lý nợ xấu, vấn đề này có thể gây bất ổn cho nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng", đề xuất nêu rõ.
Bên cạnh đó, các quy định thí điểm tại Nghị quyết 42 sẽ được quy định trong Luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý lâu dài, ổn định cho các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu, giảm sự xung đột giữa quy định tại Luật này với các luật chuyên ngành khác khi Luật này được ưu tiên áp dụng.