Bài 2: Bảo hiểm nông nghiệp là "phao cứu sinh" nhưng nông dân không mấy mặn mà
Những chính sách liên quan đến bảo hiểm nông nghiệp đã được ban hành
Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam từng đánh giá, Việt Nam là nước đứng đầu về gánh chịu những hậu quả nặng nề trong số 84 quốc gia đang phát triển vùng ven biển chịu ảnh hưởng của nước biển dâng.
Dự báo đến 2050, tác động của biến đổi khí hậu đến nông nghiệp và các ngành liên quan về kinh tế có thể làm giảm 0,7-2,4% GDP của Việt Nam.
Theo ước tính, chỉ riêng thiệt hại của dịch tả lợn châu Phi trong năm 2019 đã làm giảm 1,1% tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp.
Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến cho rằng bảo hiểm nông nghiệp là bảo hiểm cho các rủi ro phát sinh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp như rủi ro gắn liền với cây trồng, vật nuôi, vật tư, hàng hóa, nguyên vật liệu, nhà xưởng…; được ví như "phao cứu sinh", "lá chắn" giúp nông dân hạn chế tổn thất trong sản xuất.
Trên thực tế, bảo hiểm nông nghiệp đã được một số doanh nghiệp bảo hiểm triển khai thí điểm từ những năm 1980 - 1990, như Bảo hiểm Bảo Việt triển khai thí điểm bảo hiểm một số vật nuôi và cây trồng (bò sữa, lúa) tại Nam Định, Hà Tĩnh. Groupama Việt Nam (100% vốn của Pháp) đã từng triển khai thí điểm bảo hiểm đối với vật nuôi (bò, lợn) ở Tây Nam Bộ..., nhưng tất cả đều chưa thành công.
Giai đoạn 2011-2013, nước ta đã từng triển khai chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định số 315/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bảo hiểm nông nghiệp đã được thực hiện thí điểm đối với cây trồng (cây lúa), vật nuôi (trâu, bò, gia cầm) và thủy sản (tôm, cá tra), tại 20 tỉnh, thành phố.
Tiếp theo giai đoạn thí điểm, từ năm 2014-2018, theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, các doanh nghiệp bảo hiểm như Tập đoàn Tài chính-Bảo hiểm Bảo Việt (Bảo Việt), Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI), Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh (Bảo Minh), Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC), Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC), Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VBI)... vẫn tiếp tục nghiên cứu triển khai bảo hiểm nông nghiệp.…
Từ năm 2018 đến nay, chính sách về hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp được quy định cụ thể tại Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp và Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg ngày 26/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.
Nghị định 58/2018/NĐ-CP được ban hành với mục tiêu giúp GDP nông nghiệp tăng 3%/năm và hỗ trợ 15.000 hợp tác xã hoạt động hiệu quả.
Nghị định này quy định về bảo hiểm nông nghiệp và chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp nhằm khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại về tài chính do các rủi ro xảy ra trong quá trình sản xuất.
Nghị định số 58 được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, không giới hạn tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, rủi ro được bảo hiểm và phạm vi địa bàn.
Nghị định nêu rõ đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp bao gồm cây lúa, trâu, bò; thủy sản (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) được triển khai tại 20 tỉnh, thành phố.
Theo ông Bùi Gia Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Nghị định 58 là khung pháp lý quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam. Nghị định giúp các doanh nghiệp bảo hiểm vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội của thị trường, đồng hành cùng các cơ quan quản lý và người dân để triển khai bảo hiểm nông nghiệp.
Cần xây dựng cơ chế chính sách riêng cho bảo hiểm nông nghiệp
Mặc dù chính sách đã có nhưng quá trình thực thi lại bộc lộ nhiều hạn chế. Giai đoạn 2011-2013, nước ta triển khai chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định số 315. Vĩnh Phúc là 1 trong 20 tỉnh, thành phố thí điểm bảo hiểm nông nghiệp cho đàn vật nuôi gồm: Trâu, bò, bò sữa, lợn và gà.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc, sau 3 năm thí điểm (2011-2013), toàn tỉnh chỉ có gần 6.000 hộ tham gia bảo hiểm nông nghiệp. Trong đó, hộ nghèo chiếm 85,4%; hộ cận nghèo chiếm 3%; hộ không thuộc diện nghèo, cận nghèo chiếm 11,7%. Tổng giá trị bảo hiểm đạt gần 446 tỷ đồng; tổng phí bảo hiểm đạt gần 15 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 13,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này so với tổng số các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh còn rất khiêm tốn.
Tại một số địa phương thực hiện bảo hiểm nông nghiệp cũng gặp tình trạng tương tự, nhiều hộ dân khi được nhắc về bảo hiểm nông nghiệp cũng không mấy quan tâm. Bà con cho rằng, mỗi năm chỉ nuôi trên dưới chục con lợn, vài con bò nên không cần bảo hiểm nữa vì sợ lắm thủ tục, đóng phí cao...
Phân tích về nguyên nhân, các chuyên gia kinh tế cho rằng, bảo hiểm nông nghiệp chưa được triển khai rộng rãi là do nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam manh mún, phạm vi đối tượng, địa bàn bảo hiểm khá rộng nên khả năng tham gia bảo hiểm hạn chế. Không những thế, chi phí bảo hiểm lớn làm cho chi phí tham gia bảo hiểm của người sản xuất tăng cao, gây khó khăn cả 2 bên tham gia bảo hiểm.
Bên cạnh đó, rủi ro trong sản xuất nông nghiệp là rất lớn và thường xuyên. Việt Nam là nước có nhiều thiên tai, với mật độ thiên tai xảy ra ngày càng dày và cường độ ngày càng tăng khiến các doanh nghiệp bảo hiểm đối mặt với nguy cơ thua lỗ cao. Doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn trong các hợp đồng tái bảo hiểm.
Vậy giải pháp nào để tiếp tục thực hiện những chính sách bảo hiểm nông nghiệp của Nhà nước một cách hiệu quả? Chuyên gia kinh tế cho rằng, trước hết, phải hạn chế được tối đa những hệ lụy từ quỹ bảo hiểm này; trong đó, vấn đề xác định rủi ro trong nông nghiệp là rất khó nên đã có sự trục lợi bảo hiểm.
Quan trọng nhất, để giải bài toán bảo hiểm nông nghiệp cần phải xây dựng cơ chế chính sách riêng cho bảo hiểm nông nghiệp như: hỗ trợ người dân, hỗ trợ doanh nghiệp, trợ giúp của các tổ chức (tín dụng, xuất khẩu), nhà nước nhận tái bảo hiểm cho doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nông nghiệp. Đồng thời, nghiên cứu mức độ rủi ro cho từng đối tượng, từng vùng để có chính sách phát triển bảo hiểm phù hợp.
Theo đó, tập trung thực hiện theo phương châm đi từ dễ đến khó, lựa chọn các đối tượng có mức độ rủi ro đồng nhất, mức độ rủi ro vừa phải, sản phẩm bảo hiểm đơn giản dễ thực hiện, lựa chọn rủi ro dễ kiểm soát…
Mặc khác, sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp phải được công khai, minh bạch, khách quan; đảm bảo được quyền lợi giữa các bên tham gia; được thực hiện dễ dàng trong việc tham gia bảo hiểm cũng như trong bồi thường thiệt hại để người dân mặn mà hơn đối với bảo hiểm nông nghiệp; tiếp tục hoàn thiện các điều kiện, điều khoản để sản phẩm phù hợp với điều kiện thực tế.